Trị trẻ bướng bỉnh

13:56 11/02/2014

(Giúp bạn)Nhịp sống ngày càng tất bật, lối sống ngày càng hiện đại thì một số trẻ có vẻ càng xa rời vòng tay bố mẹ và trở nên khó bảo hơn.

Chuyên viên tâm lý Vũ Cẩm Vân, người có kinh nghiệm nghiên cứu, tư vấn tâm lý trẻ, chia sẻ với TGGĐ rằng đó là một thực tế và trong quá trình tham gia tư vấn ở nhiều nơi, nhiều phụ huynh than phiền là con mình rất bướng bỉnh, chúng hay thích làm ngược lại ý người lớn. Lý do vì đâu, làm cách nào để trẻ ngoan ngoãn và biết nghe lời người lớn hơn là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Và chị lưu ý một số điểm mà bố mẹ có thể đã bỏ quên.

  • 1

    Khẳng định cái tôi

    Khi bắt đầu nhận thức được về bản thân và thế giới xung quanh, trẻ sẽ tự mình tìm cách đối phó với những nguyên tắc và luật lệ của người lớn để bảo vệ suy nghĩ của mình. Sự bướng bỉnh, không vâng lời là một trong những cách để trẻ chứng tỏ bản thân mình và muốn hướng đến sự độc lập hơn. Hành vi chống đối phần nào thể hiện lập trường, cá tính, sự tự chủ và bản sắc riêng của trẻ. Trẻ con không thể khôn lớn nếu không có nhu cầu cá nhân, không có ý kiến và suy nghĩ riêng, vì vậy bản thân sự bướng bỉnh của trẻ không phải là xấu. Tuy nhiên, nếu những hành vi này vượt quá những giới hạn cho phép và vi phạm những quy tắc đạo đức thì cần sự định hướng và uốn nắn kịp thời từ phía gia đình và xã hội.

  • tri-tre-buong-binh-1
  • 2

    Bố mẹ không đặt ra những giới hạn rõ ràng

    Cùng một thái độ, một hành vi của trẻ, có khi bố mẹ vui vẻ chấp nhận nhưng có khi lại trách mắng nặng nề khiến trẻ hoang mang, không biết đâu là đúng, đâu là sai. Trẻ rất cần ở bố mẹ sự giáo dục nhất quán, vì vậy bố mẹ luôn có sự giải thích rõ ràng cho con về những hành vi có thể và không thể, kiên quyết và dứt khoát trước những điều mà trẻ không được phép làm. Bố mẹ cũng nên khen con đúng việc đúng lúc.

  • 3

    Sức khỏe thể chất của trẻ

    Đa số trẻ em sẽ trở nên cáu bẳn, ngang ngược và “làm mình làm mẩy” khi có những vấn đề về thể chất như cảm sốt, viêm họng, đau đầu, mệt mỏi… Bố mẹ khi nhận thấy dấu hiệu bướng bỉnh của trẻ cũng nên quan tâm tới sức khỏe của con. Khi trẻ bị bệnh, bố mẹ cần ở bên để chăm sóc nhưng không nên chiều theo tất cả những đòi hỏi vô lý của trẻ. Khi dứt bệnh thì cơn khó chịu cũng sẽ qua đi, trẻ sẽ trở lại đáng yêu như trước.

     

    tri-tre-buong-binh-2
     
    Chuyên viên tâm lý Vũ Cẩm Vân - Hội quán Các bà mẹ
  • 4

    Trẻ muốn lôi kéo sự chú ý của cha mẹ

    Một số bố mẹ vì công việc bận rộn hoặc vì một lý do nào đó ít quan tâm đến trẻ sẽ khiến trẻ cảm thấy cô đơn, hụt hẫng. Việc trẻ có những hành vi cãi lại, chống đối hay làm những hành động đi ngược lại yêu cầu của bố mẹ là cách để trẻ thu hút sự quan tâm từ phía bố mẹ. Nếu không nhận được tín hiệu đáp trả hoặc gặp phải thái độ la mắng, đánh đập từ phía người lớn trẻ dần có thái độ bất cần và trở nên bướng bỉnh hơn. Vì vậy việc chú ý đến cảm xúc của trẻ là vô cùng cần thiết. Dù bận rộn, bố mẹ cũng nên dành thời gian cho con để con cảm nhận được tình cảm yêu thương của bố mẹ.

  • 5

    Không cho con cơ hội “xả” cảm xúc

    Chúng ta nhận thấy luôn có mối liên hệ trực tiếp giữa cảm xúc và hành vi của một đứa trẻ. Khi mang trong lòng cảm xúc khó chịu, trẻ sẽ cư xử cộc cằn và thô bạo hơn. Do đó, nếu gặp một vấn đề gì bực bội trong lòng chưa kịp bày tỏ với bố mẹ thì đã nhận ngay sự khước từ cảm xúc từ phía bố mẹ, đồng thời liên tục nghe những lời trách mắng, than thở sẽ khiến trẻ càng trở nên ngang bướng hơn. Vì vậy, trước một vấn đề nào đó của con, bố mẹ luôn cần bình tĩnh và kiềm chế cảm xúc. Bố mẹ cần cho con cơ hội được nói và bày tỏ cảm xúc của mình.

Comments