Tư vấn cách cân nhắc số lượng và khách mời cụ thể
(Giúp bạn)Chúng tôi sẽ đưa ra 5 tình huống và cách giải quyết để cắt giảm khách mời tới đám cưới và thuyết phục cha mẹ về só lượng khách.
Lên danh sách khách mời luôn là vấn đề căng thẳng với cô dâu chú rể, vì đám cưới không chỉ tổ chức riêng cho hai người, mà cha mẹ, gia đình hai bên cũng muốn mời thêm nhiều người thân, bạn bè tới chung vui. Nếu bạn đang phải đối đầu với vấn đề kinh phí eo hẹp, như nhiều cô dâu khác, bạn sẽ phải cắt giảm số lượng khách. Lúc này, việc bàn bạc, thuyết phục cha mẹ về danh sách những người được mời sẽ là "thử thách" đầu tiên liên quan tới gia đình. Ngoài ra, việc điều chỉnh số lượng khách của chính cô dâu chú rể cũng là điều khó khăn. Chúng tôi sẽ đưa ra một số vấn đề và các giải quyết, giúp bạn gỡ rối khi chuẩn bị mời khách.
- 1
Có mời hết đồng nghiệp không?
Vấn đề đặt ra: Cô dâu và chú rể làm việc tại văn phòng nhỏ, tổng số đồng nghiệp của cả hai khoảng trên dưới 20 người. Hầu hết mọi người đều viết về kế hoạch đám cưới từ lâu và luôn chúc mừng cũng như quan tâm tới kế hoạch cưới. Như vậy, đôi uyên ương có cần mời toàn bộ đồng nghiệp, hay chỉ đưa thiệp tới sếp và các đồng nghiệp làm việc trực tiếp không?
Cách giải quyết: Để số lượng khách mời luôn nằm trong tầm kiểm soát là thử thách lớn của các đôi uyên ương. Nếu làm việc tại một công ty lớn, với hàng trăm đồng nghiệp, bạn có thể cắt giảm chi phí bằng cách chỉ mời sếp và đồng nghiệp trực tiếp. Nhưng nếu cơ quan của bạn chỉ có khoảng 10 người, nhất là khi họ đã biết rõ về kế hoạch đám cưới cũng như luôn quan tâm tới bạn, thì bạn nên gửi thiếp mời tới toàn bộ. Vì hãy đặt mình vào vị trí của họ, nếu bạn luôn nói về bữa tiệc trong cả năm trời, rồi sau đó chính bạn lại không được mời tham gia, thì ắt hẳn bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng và không vui vẻ.
Ngoài ra, với số lượng dưới 10 người, tiệc của bạn cũng sẽ không phát sinh quá nhiều. Nếu làm như vậy, bạn sẽ giữ được mối quan hệ tốt trong công ty. Để "bù đắp" cho con số khách mời này, cô dâu chú rể có thể giảm đi các mối quan hệ xã giao.
- 2
Yêu cầu khách mặc màu sắc cụ thể
Vấn đề đặt ra: Nhiều cô dâu thích váy cưới màu và dự định trong tiệc sẽ diện một chiếc váy cưới với sắc màu "phi truyền thống", nhưng cô dâu lại mong muốn không ai mặc trùng màu sắc đó. Như vậy liệu có nên ghi trong thiệp, đề nghị khách mời mặc các màu sắc nhất định không?
Cách giải quyết: Việc ghi rõ yêu cầu trang phục trong thiệp cưới là điều có thể, nhưng chỉ khả thi với những thiệp mời dành cho bạn bè, khách mời trẻ tuổi. Còn các vị khách lớn tuổi, người thân hầu như sẽ không "tuân thủ" yêu cầu này. Nhưng cô dâu không nên lo lắng, dù khách mời có mặc trùng màu sắc trang phục, nhưng bạn vẫn luôn có các phụ kiện hỗ trợ làm đẹp khác, như khăn voan, hoa cưới, cách trang điểm... và bạn vẫn trở thành ngôi sao nổi bật nhất trong đám cưới của mình. Vì vậy cách giải quyết đơn giản nhất là cô dâu không nên đưa ra yêu cầu nào về trang phục mà hãy chăm chút cho bản thân mình thật lộng lẫy.
- 3
Mời thêm người "đính kèm"
Vấn đề đặt ra: Các khách mời khi tới dự đám cưới thường không đi một mình, và khi viết thiệp cô dâu chú rể cũng hay mời khách kèm theo gia đình, chồng/vợ, người yêu. Nhưng trong trường hợp đôi uyên ương không thể mời thêm người "đính kèm" vì lý do kinh phí hạn hẹp, thì nên làm thế nào để khách mời hiểu rõ điều này?
Cách giải quyết: Việc không mời thêm người "đính kèm" hiện đang trở thành xu hướng của đám cưới hiện đại và bạn cũng không nên cảm thấy áy náy về điều này. Ngay trong thiệp mời, cô dâu chú rể nên ghi rõ chỉ mời một người, không nên viết thiệp theo kiểu: "Mời bạn và người thương, mời gia đình chị..." Như vậy khách sẽ hiểu ngay là được đi cùng một người nữa. Ngoài ra, với những vị khách thân thiết, hay với mỗi nhóm khách, cô dâu chú rể nên chia sẻ thẳng thắn về kinh phí không cho phép của mình. Với những vị khách độc thân, bạn có thể ngỏ ý đám cưới sẽ là nơi thích hợp để họ kết thân và gặp gỡ thêm nhiều bạn bè.
- 4
Đi đám cưới "đáp lễ"
Vấn đề đặt ra: Nhiều người đã đi đám cưới của bạn bè và khi tới lượt họ làm cô dâu chú rể, họ cảm thấy áy náy nếu không mời họ tới dự đám cưới để đáp lại. Liệu có cách nào giải quyết việc này, nếu cô dâu chú rể chỉ muốn tổ chức cưới nhỏ gọn?
Cách giải quyết: Đây là vấn đề rất phổ biến, đặc biệt là ở Việt Nam. Khi đã đi đám cưới của một người, thì tới lúc bạn cưới, bạn sẽ khó từ chối mời họ. Nhưng thực tế, khách mời chỉ nên là những người thân thiết quan trọng. Nếu bạn thực sự coi trọng tình cảm của mình với người bạn đó thì nên mới, còn nếu trước đây, bạn đi đám cưới chỉ nhằm mục đích xã giao thì có thể không mời họ. Nếu muốn chu đáo hơn, cô dâu chú rể nên gửi một tấm thiệp báo hỷ, thông báo rằng bạn đã kết hôn, như vậy vẫn tỏ rõ sự tôn trọng mà bạn dành cho họ.
- 5
Mời họ hàng trong gia đình
Vấn đề đặt ra: Mẹ chồng tương lai có mối quan hệ không tốt với một người họ hàng, nhưng cô dâu chú rể vẫn muốn mời người đó tới đám cưới. Liệu như vậy có làm ảnh hưởng tới quan hệ tốt đẹp giữa mẹ chồng nàng dâu tương lai không?
Cách giải quyết: Cô dâu không nên làm bất kỳ điều gì, cho tới khi bạn thực sự hiểu rõ mối quan hệ giữa người họ hàng và gia đình tương lai. Ngoài ra, bạn nên bàn bạc kỹ với chú rể, nếu anh thực sự muốn người họ hàng góp mặt trong đám cưới, thì anh nên là người thông báo với mẹ điều này. Trong trường hợp cả chồng chưa cưới và mẹ chồng đều không muốn có sự góp mặt của người họ hàng, thì cô dâu nên nghe theo sắp xếp này. Bạn nên tránh sự bất đồng với mẹ chồng để giữ hòa khí trong gia đình sau này.