Ứng phó khi con không muốn tâm sự cùng cha mẹ

13:01 11/02/2014

(Giúp bạn)Không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể dễ dàng tâm sự và trải lòng cùng con trong cuộc sống hằng ngày. Mỗi trẻ nhỏ đều có những nét tính cách riêng khác biệt đôi khi khiến cha mẹ đau đầu trong việc tìm ra phương pháp để dẫn nhập vào thế giới riêng của bé.

Tuy nhiên, cũng có những nguyên nhân chính dẫn đến trình trạng trẻ ngại tâm sự với cha mẹ. Cùng tìm hiểu vấn đề này với Marry để cha mẹ có thể tự tìm ra phương án tiếp cận và chia sẻ tâm sự cùng bé.

  • 1

    Cách thức tiếp cận trẻ nhỏ

    Âm điệu, cử chỉ, nét mặt và ánh mắt… là những dấu hiệu bên ngoài dễ nhận biết nhất khi giao tiếp và truyền cảm xúc. Trẻ nhỏ rất nhạy cảm khi nói chuyện với cha mẹ và cảm nhận thái độ của những người xung quanh. Một trong những nguyên do có thể gây ra sự khó khăn trong quá trình giao tiếp giữa cha mẹ và con cái có thể xuất phát từ những hành động thái quá hoặc thể hiện lới nói bằng cử chỉ ra lệnh, yêu cầu hơn là chia sẻ cùng. Khi trẻ cảm nhận trong tư thế là đối tượng bị ra lệnh hoặc áp đặt, chúng sẽ tự thu mình lại và “ghi nhớ” rất sâu. Kết quả là những lần sau khi cần mở lòng trò chuyện, trẻ cảm thấy sợ hoặc bị động trong việc giao tiếp.

    ung-pho-khi-con-khong-muon-tam-su-cung-cha-me-1

    Những cử chỉ yêu thương vô cùng cần thiết trong gia đình.

    Cha mẹ có thể thay đổi bằng những cách tiếp cận khác nhẹ nhàng và vui vẻ hơn. Chẳng hạn như thay vì thấy trẻ xem TV lâu bạn thường nói “Con tắt ngay TV vào đây ăn cơm cho mẹ”, bạn có thể vui vẻ lại gần xem cùng con 1 chút, nói chuyện với bé rồi sau đó khẽ bảo “Chương trình thật hay con nhỉ nhưng cả nhà đang đợi cơm, mẹ con mình cùng ra ăn cơm nhé!”. Hoặc có thể thay vì nói “Mẹ muốn con làm…” thì bạn có thể nói “Cả nhà cùng làm nhé …”. Có rất nhiều cách tiếp cận đưa ra cử chỉ tích cực trước hơn và mang lại hiệu quả khá cao đấy!

  • 2

    Tìm sự đồng điệu và thấu hiểu

    Cha mẹ và con cái có những gắn kết vô hình rất riêng và đặc trưng của tình thân mà đôi khi chúng ta bỏ quên hoặc không để ý. Gắn kết đó là những sự nhịp nhàng trong cảm xúc và suy nghĩ về cùng một vấn đề hay sự kiện nào đó. Điều này thể hiện rõ nhất khi chơi bóng hoặc tham gia các hoạt động thể thao gia đình, cha và con nếu có sự đồng điệu tốt sẽ dễ dàng hiểu ý và có những cú chuyền bóng đầy ấn tượng.

    ung-pho-khi-con-khong-muon-tam-su-cung-cha-me-2

    Tăng cường những hoạt động tập thể trong gia đình.

    Để có thể nhận biết sự đồng điệu này trong cảm xúc, chỉ có một cách giúp bạn đó là hãy cùng con làm những việc cả nhà cùng yêu thích. Khi làm việc cùng nhau, cha mẹ và con cái mới có thể nhận thấy rõ hành vi và tính cách của nhau rồi từ đó có những thay đổi và thích ứng phù hợp trong cuộc sống hằng ngày. Cùng nhau làm việc nhà hoặc đi dã ngoại, chuẩn bị những bữa tiệc gia đình hay làm những vật dụng trang trí cho những ngày lễ đặc biệt…v..v rất nhiều hoạt động thú vị mà cả nhà có thể cùng làm để thấu hiểu lẫn nhau và tạo mối dây gắn kết gia đình.

  • 3

    Tâm sự bằng nhiều cách

    Để có thể chia sẻ cùng con không nhất thiết cha mẹ phải gặp trực tiếp để nói. Vì mỗi bé có tính cách khác nhau, đôi lúc các bé cảm thấy khó nói nhưng lại có thể diễn đạt cảm xúc bằng cách khác. Chẳng hạn như có bé thích vẽ tranh, có bé lại thích viết thư hay trao đổi qua những tấm thiệp, bảng thông báo trong nhà…  Bạn hãy thử tâm sự với bé bằng những cách mà bé yêu thích và xem đó như là một bí mật chung của gia đình. Thêm nữa, để việc chia sẻ dễ dàng hơn, cha mẹ nên đặt trẻ vào vị trí là một người bạn nhỏ đáng yêu như thế sẽ tạo được sự gần gũi hơn, trẻ dễ dàng nói ra những điều chúng suy nghĩ.

    ung-pho-khi-con-khong-muon-tam-su-cung-cha-me-3

    Viết cũng là một cách để bày tỏ tâm sự khi cần thiết.

    Chia sẻ với trẻ không khó nhưng chính cách tiếp cận và hành động hằng ngày của bạn sẽ phần nào tạo cảm giác cho trẻ “muốn” hoặc “không muốn” tâm sự cùng cha mẹ. Vì thế, các bạn nên khéo léo chọn cách tiếp cận như thế nào để khiến bé cảm thấy tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ bất cứ điều gì trẻ nghĩ. Khi đã có được niềm tin và tâm trạng thoải mái, tư tin để trải long mình thì trẻ sẽ xem cha mẹ như những người bạn tri kỷ trong gia đình. Đó là một thành quả đáng ghi nhận giúp không khí gia đình luôn ấm cúng và tràn ngập hạnh phúc của sự thông hiểu lẫn nhau.

Comments