Vì sao trẻ chung bầu sữa lại không giỏi như nhau?

13:34 11/02/2014

(Giúp bạn)Con cùng một mẹ, bú chung bầu sữa nhưng sao đứa học giỏi, đứa học kém? Làm sao để đứa này cũng học tốt, cũng lanh lợi bằng đứa kia? Người mẹ khi lo lắng như thế không biết rằng chính nỗi lo ấy càng tạo thêm áp lực lên đứa trẻ mà họ cho là kém cỏi.

  • 1

    Đừng quá đặt áp lực vào con

    Có rất nhiều nguyên nhân chi phối đời sống, chuyện học hành, tính cách của trẻ, như môi trường gia đình, trường lớp, chứ không chỉ yếu tố dinh dưỡng giai đoạn sơ sinh. Tai nạn nghẹn kẹo hồi ba tuổi không đủ chứng minh là nguyên nhân khiến bé nhà chị chậm, nhút nhát hơn những bé khác.

    Để tìm hiểu rõ hơn tình trạng của bé, cách tốt nhất là người lớn nên trò chuyện với con. Mẹ trở thành người bạn, tâm sự thường xuyên với con thì sẽ hiểu được trẻ đang cần gì, muốn gì, và tại sao con lại nhút nhát, khó hoà nhập như thế. Không phải đứa trẻ nào nhút nhát cũng có vấn đề về tâm lý, trừ khi bé có những biểu hiện bất thường như: sống tách biệt, không quan tâm, lắng nghe người khác, không chú ý đến lời nói của người đối diện... thì mới đưa trẻ đến bác sĩ để khám xem có bị chứng tự kỷ hay không.

    Người lớn cũng không nên so sánh đứa con này với đứa con khác trong gia đình. Mỗi đứa trẻ có một tính cách, cuộc sống, thói quen, năng khiếu riêng. Sự so sánh sẽ trở thành áp lực lên những bé kém hơn. Nếu lớp 1 lớp 2 bé học giỏi, nhưng lại tụt dốc ở lớp 3 lớp 4, thì mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân qua thầy cô, bạn bè của con và qua trò chuyện với con. Mẹ cũng đừng đặt nặng chuyện bắt buộc con phải giỏi môn này, môn kia, vì điều đó còn tuỳ thuộc sở thích của con. Nếu con không thích học toán mà chỉ thích học ngoại ngữ, tiếng Việt, mẹ cần khuyến khích con theo đuổi những môn ưa thích và phân tích, động viên con cố gắng hơn ở môn chưa khá. Không nên ra lệnh con phải thế này, thế kia, mà chỉ tạo điều kiện cho con phát triển một cách tự nhiên.

    vi-sao-tre-chung-bau-sua-lai-khong-gioi-nhu-nhau-1

  • 2

    Sự so sánh kia liệu có phù hợp?

    Các yếu tố dinh dưỡng như sữa mẹ chỉ là một trong những nhân tố góp phần vào sự phát triển thể chất cũng như tâm lý của trẻ. Một cơ thể phát triển khoẻ mạnh kết hợp một nền giáo dục hợp lý từ gia đình, nhà trường và xã hội sẽ giúp hình thành nhân cách một cách toàn diện.

    Về khả năng học toán của bé lớn con chị, chúng tôi chắc chắn không phải do bé bị nghẹn kẹo lúc ba tuổi. Cần tìm ra nguyên nhân tại sao bé học ngày càng tuột dốc, và khả năng vốn có của bé là ở những môn nào.

    Thay vì so sánh, bố mẹ nên cùng làm bạn với con để có cơ hội tiếp xúc, từ đó hiểu đầy đủ và chính xác những khó khăn mà con gặp phải. Có thể phương pháp truyền đạt của giáo viên không phù hợp với trẻ không tìm được những người bạn như ý nên tỏ ra chậm chạp, nhút nhát, thậm chí khó chịu. Cũng có thể những nhận xét, đánh giá của bố mẹ làm trẻ thêm mặc cảm. Một lời động viên, tâm sự nhỏ của hai mẹ con như một bí mật riêng tư sẽ là liều thuốc tốt nhất cho trẻ trong những tình huống như thế này.

  • 3

    Mỗi đứa trẻ một biểu đồ phát triển

    Tôi cũng có hai con trai: bé lớn học lớp 4, trầm tính, học rất tốt các môn khoa học; còn cậu nhỏ mới lớp 2 thì sôi nổi, hoạt bát nhưng lại không chú tâm vào chuyện học lắm. Bản thân tôi không căng thẳng hay đặt nặng chuyện tại sao con mình không thích học. Tôi để con mình tự lựa chọn, ví như cậu nhỏ không thích các môn học ở trường nhưng lại thích nhạc, hoạ, cờ vua, có khi còn làm thơ nữa. Bởi con còn nhỏ nên tôi đặt chuyện vui chơi, học theo sở thích lên hàng đầu. Tôi không câu nệ con phải thật giỏi những môn cơ bản như toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, nhưng thi thoảng tôi cũng khuyến khích con bằng những trò chơi toán học đơn giản, để kích thích sự sáng tạo và thích thú của cháu. Với tôi, con có thích, có hào hứng với môn nào thì mới học tốt môn đó.

    Mỗi đứa trẻ có một biểu đồ phát triển sống khác nhau, không nên vì đứa này giỏi giang, thông minh mà áp đặt đứa kia phải giỏi theo. Mọi áp đặt sẽ khiến trẻ cảm thấy tồi tệ hơn, có khi trẻ lại mắc chứng tự ti, rối loạn tâm lý khi bố mẹ cứ đòi hỏi nó phải hoàn hảo.

Comments