Xử lý đúng cách khi trẻ bị sốt cao co giật

12:45 11/02/2014

(Giúp bạn)Trong cơn co giật trẻ thường nôn mửa, nếu người lớn không có cách xử trí đúng và kịp thời thì trẻ có thể gặp nguy hiểm, vì hít phải chất nôn hoặc bị viêm phổi nặng do chất nôn từ dạ dày trào ngược vào phổi gây tổn thương phổi.

  • 1

    “Co giật khi sốt” hay “Sốt cao co giật” là hiện tượng chỉ xảy ra khi nhiệt độ cơ thể (thân nhiệt) tăng lên rất nhanh và trong một khoảng thời gian ngắn. Hiện tượng này rất có hại cho cơ thể và bộ não của trẻ do bị thiếu ôxy não, nhất là nếu cơn co giật kéo dài và tái đi tái lại nhiều lần. 

  • 2

    Nhận biết cơn co giật do sốt cao

    - Thường gặp ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi.

    - Bé bị sốt trên 39 độ C (điều này giúp phân biệt với co giật do động kinh).

    - Trẻ thường co giật lan toả toàn thân. Mỗi cơn co giật thường kéo dài không quá 10 phút. Trong cơn co giật, trẻ gồng cứng, co rút người và rung giật toàn thân, mắt trợn ngược, sùi bọt mép và hơi thở nông, khò khè, nghiến chặt răng, tiêu tiểu không tự chủ được. Trẻ sẽ mất ý thức tạm thời.

    - Sau cơn co giật, trẻ sẽ phục hồi ý thức hoàn toàn nhưng sẽ mệt mỏi, buồn ngủ và không nhớ gì về cơn co giật.

  • 3

    Nguyên nhân

    Có rất nhiều nguyên nhân gây sốt cao co giật, nhưng thường gặp nhất là do nhiễm khuẩn (khoảng 90% trường hợp là nhiễm virus đường hô hấp) và do yếu tố tiền sử gia đình (chiếm 10% , như có cha, mẹ từng bị sốt cao co giật...).

    Bệnh động kinh cũng có cơn co giật nhưng khác với sốt cao co giật vì không có sốt. Tuy nhiên, một số trẻ động kinh khi mắc các bệnh khác có triệu chứng sốt sẽ dễ gây nhầm lẫn. Do đó, để phân biệt một cách chính xác hơn cần phải khám bệnh cho trẻ thật kỹ càng, đặc biệt là khám thần kinh và làm điện não đồ ngay sau cơn co giật hoặc một tuần sau đó để đánh giá.

    xu-ly-dung-cach-khi-tre-bi-sot-cao-co-giat-1

  • 4

    Xử trí đúng cách khi trẻ bị co giật

    Bên cạnh việc dùng thuốc hạ sốt, bố mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước.

    - Khi trẻ bị co giật, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh và đặt trẻ nằm nghiêng một bên để đờm nhớt dễ chảy ra ngoài, không gây tắt đường thở khi bé đang co giật.

    - Cần cởi bỏ quần áo, đặt thuốc hạ sốt vào hậu môn của bé đối với trẻ nhỏ. Cần chú ý thực hiện đúng thao tác: đặt đầu nhọn của viên thuốc vào trước và bóp hai mép hậu môn lại trong vài giây. Thuốc Paracetamol được ưu tiên lựa chọn vì có tác dụng hạ sốt nhanh và dung nạp tốt nhất. Chỉ nên sử dụng Paracetamol liều 10 - 15mg/kg cân nặng, 6 giờ một lần dùng cho bé.

    Lưu ý: Không nên cùng lúc vừa cho trẻ uống vừa đặt thuốc hạ sốt. Nếu viên thuốc bị nhão do điều kiện bảo quản không tốt thì phải chọn loại khác có cùng hàm lượng đã được để đông cứng trong tủ lạnh trước đó. Tuyệt đối không được sử dụng aspirine và dùng Paracetamol với các thuốc hạ sốt khác.

    - Nếu trẻ sốt cao nhưng vẫn tỉnh táo thì không nên quá lo lắng. Đắp khăn ướt lên trán của trẻ hoặc dùng nước mát lau người cho trẻ cũng làm dịu và hạ sốt rất tốt. Nên nhớ rằng, liệu pháp vật lý tắm dịu sốt cho trẻ phối hợp với dùng thuốc đúng quy định sẽ có hiệu quả tốt và an toàn cho trẻ

    .- Cho trẻ uống nhiều nước. Nên pha 1 gói oresol 27,5g vào một lít nước nguội rồi cho trẻ uống từ từ từng ít một.

Comments