Làm sao để lắng nghe
(Giúp bạn)Nam giới thường dễ có cảm giác "bị buộc tội" khi phụ nữ bộc lộ sự bực tức. Đó là sự khác biệt cơ bản giữa hai giới; Thực ra nàng chỉ có nhu cầu cần chia sẻ cảm xúc với người thương, còn chàng lại sai lầm vì tưởng nàng đang buộc tội và đổ lỗi cho mình.
- 1
Lời trìu mến diệu kỳ
Bất kỳ một mối quan hệ tốt đẹp nào đều đòi hỏi cả hai bên cùng có thiện chí. Các quí ông nên nhớ: Đôi khi những lời than thở không nhất thiết là lời buộc tội mà nhiều khi chỉ là nàng muốn chia sẻ, rũ bỏ nỗi buồn bực mà thôi. Còn các quí cô- khi nói về vấn đề đang bức xúc, bực bội nào đó, cũng nên ngụ ý cho chàng hiểu rằng: Dù bực bội đến mấy thì em vẫn tôn trọng, đề cao anh.
Tuy nhiên, thực tế nhiều phụ nữ lại không nghĩ tới việc đề cao chàng vì cứ tưởng anh đã biết rõ ý mình! Nhưng chàng không hề biết. Vì thế, khi than phiền, hãy tỏ cho chàng biết mình vẫn yêu và khâm phục anh. Đề cao và công nhận chàng, sẽ giúp chàng hiểu rằng: Lắng nghe chính là giải pháp tốt rồi.
Nàng không cần phải đè nén hay thay đổi cảm xúc của mình để làm vui lòng đối tác. Tuy nhiên cần diễn đạt theo cách khiến chàng không cảm thấy bị buộc tội hay đổ lỗi. Một chút thay đổi trong cách cư xử sẽ làm nên sự khác biệt trong mối quan hệ đôi lứa.
Theo chuyên gia tâm lý, lời thần kỳ để vỗ về cánh đàn ông là: Không phải lỗi của anh. Khi diễn đạt sự bực bội, thỉnh thoảng hãy làm như vô tình nói: Em rất vui vì anh lắng nghe, nếu cách nói của em có làm anh tưởng em đang đổ lỗi thì không phải đâu, không phải lỗi của anh.
Một người chồng tìm đến Trung tâm tư vấn để xả... "xìtret" vì người vợ hay kể lể, than thở khó khăn khiến anh cảm thấy như bị vợ trút tội. Sau khi nghe các nhà tâm lý tư vấn; Về nhà, quí ông đó đã vừa nghe vợ nói vừa tự kìm nén để không đưa ra lời bình phẩm nào! Sau một hồi lắng nghe vợ kể lể với những câu đáp như: Ừ, thế hả; thật không... một lúc sau, người vợ kết thúc và cảm ơn chồng vì đã lắng nghe. Mối quan hệ của họ từ đó không còn căng thẳng nữa khi người chồng được khích lệ để trở thành một người nghe dễ tính.
- 2
Nghệ thuật lắng nghe
Nếu các ông chồng cứ khăng khăng đổ lỗi cho vợ khi nói về khó khăn thì tức là chính chàng đang buộc tội oan cho "đối tác".
Đây là rào cản cho mối quan hệ, nó làm nghẽn các "kênh thông tin" giữa hai người. Khi chị cằn nhằn: Tất cả những gì chúng ta chúi mũi vào chỉ là công việc, chúng ta chẳng có thú vui nào khác, anh thật là cứng nhắc...
Trước mỗi lời than thở như thế, anh rất dễ vơ lời buộc tội vào mình. Các nhà tâm lý khuyên: Thay vì "đốp" lại: "Anh thấy hình như em đang đổ lỗi cho anh" thì quí ông hãy bình tĩnh: Hình như em cho rằng anh có lỗi khi chúng ta không có thú vui nào khác ngoài công việc? Lời nói trên tạo cơ hội cho chị rút lui và thanh minh.
Phụ nữ luôn có nhu cầu bộc lộ cảm xúc cho nên các đức ông chồng cứ để họ được giải tỏa. Một khi được nói thoải mái thì họ sẽ khuây khỏa ngay. Chàng cứ việc nghỉ và lắng nghe. Hành động này là một mũi tên trúng hai đích. Thứ nhất: Nàng sẽ rất cảm kích và biết ơn. Thứ hai: Nếu có ý đổ lỗi thật thì nàng cũng không có gì để bám víu mà trách anh.
Khi nam giới biết lắng nghe phụ nữ "diễn giải" cảm xúc, chắc chắn sự giao tiếp giữa hai người sẽ trơn tru hơn. Nhưng khả năng biết lắng nghe cần phải được khổ luyện. Mỗi ngày, người chồng chủ động hỏi vợ về những điều xảy ra trong ngày để tập kỹ năng này.
Thách thức lớn nhất với người đàn ông là phải gồng mình để không bị chạm tự ái là hay hiểu lầm vợ. Khi ấy quí ông phải luôn tự nhủ rằng: Cả hai đang nói hai thứ ngôn ngữ khác nhau, bản năng khác nhau. Một hồi sau khi nhận ra sự kiên nhẫn của chàng, nàng sẽ hiểu!
Dẫu lắng nghe là một kỹ năng quan trọng cần trau dồi nhưng nếu "một ngày xấu trời" nào đó, đang trong tâm trạng ủ ê, chẳng thể tĩnh tâm mà lắng nghe nàng kể lể thì chàng đừng cố sức làm gì. Khi ấy chỉ cần thông báo: Đây không phải lúc thích hợp, để sau em hãy nói!
Khi tìm ra phương thức giao tiếp phù hợp với sự bất đồng ngôn ngữ và hiểu được nhu cầu của nhau, cuộc hôn nhân sẽ dễ thở hơn nhiều. Bão tố sẽ qua đi nếu quá trình thông tin liên lạc phản ánh sự công nhận và tôn trọng tính khác biệt của hai giới.