Mối tình có một không hai trong lịch sử các triều Vua nước Việt
(Giúp bạn)Giải tán hậu cung, xóa bỏ chế độ phi tần được coi như một cải cách đáng ghi nhận của Vua Bảo Đại. Nhưng đi cùng với chính sách này, Bảo Đại cũng đã chống đối mẹ và triều đình trong việc cưới vợ. Mối tình của ông với Nam Phương hoàng hậu mãi còn là sự tò mò của hậu thế.
- 1
Sự sắp xếp, tính toán lâu dài của người Pháp
Tác giả Đỗ Mậu đã nghiêm khắc cho rằng cuộc hôn nhân này là một âm mưu chính trị và tôn giáo. Đỗ Mậu viết: “Hãy nhìn vào cuộc hôn nhân của ông Bảo Đại để thấy chính sách cai trị thâm độc và chặt chẽ của thực dân.
Trong những năm cuối cùng của Bảo Đại ở Pháp, họ cho một nữ sinh tên là Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, con một nhà phú hộ theo Công giáo là ông Nguyễn Hữu Hào ở Nam Kỳ, đi Pháp du học. Tất nhiên cô Marie Thérèse phải là một tiểu thư dù không hoàn toàn sắc nước hương trời thì vẫn có được cái đẹp kiều diễm đài các để có thể làm rung động trái tim của một nhà vua trẻ đang đến tuổi rạo rực tình yêu đôi lứa.
Trong thời kỳ ông Bảo Đại còn bận học hành, họ chưa cho đôi trai tài gái sắc gặp nhau, mà đợi đến khi ông xuống tàu về nước chính thức cầm đầu triều đình, họ mới tổ chức cho Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan gặp ông Bảo Đại.
Tuy nhiên nhà nghiên cứu người Pháp Daniel Grandcléme và ngay trong hồi ký của Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương đều cho rằng vào tháng 9/1932, sau khi đậu tú tài toàn phần, Nguyễn Hữu Thị Lan về nước trên chiếc tàu d'Artagnan của hãng Messagerie Maritime. Bảo Đại cũng về nước trên chiếc tàu đó để lên ngôi vua, nhưng hai người không gặp nhau.Nam Phương hoàng hậu, Bảo Đại và các con đi dạo ở vườn hoa Đà Lạt.
- 2
Dạ tiệc và những cuộc gặp ở thành phố tình yêu Đà Lạt
Đỗ Mậu tiếp tục đưa ra bằng chứng về âm mưu của Pháp: “Vua Bảo Đại về nước được một thời gian, việc triều chính tạm yên thì vợ chồng ông Charles, người giám hộ, bắt đầu lo chuyện thành hôn cho ông. Vào khoảng cuối năm 1933, ông bà Charles rủ vua Bảo Đại đi Đà Lạt, tại khách sạn Lang Biang huy hoàng tráng lệ, bà Charles dẫn tiểu thư Marie Thérèse chính thức giới thiệu với nhà vua trẻ tuổi trước sự chứng kiến của quan Toàn quyền Pierre Pasquier”.
Trong hồi ký Nam Phương Hoàng Hậu cũng ghi lại cuộc gặp đầu tiên này: “Hôm đó, ông Darle, thị trưởng Đà Lạt gởi giấy mời cậu Lê Phước An của tôi và tôi đến dự tiệc tại Hotel Palace. Tôi không muốn đi, nhưng cậu An năn nỉ và hứa chỉ đến tham dự và vái chào nhà Vua xong thì về, nên tôi phải đi một cách miễn cưỡng. Tôi chỉ trang điểm sơ sài và mặc chiếc áo bằng lụa đen mua từ bên Pháp.
Chúng tôi đến trễ. Bữa tiệc bắt đầu từ lâu. Cậu tôi kéo ghế định ngồi bên ngoài, thì ông Darle trông thấy, chạy đến kéo chúng tôi vào trong nhà. Ông nói: "Ông và cô phải đến bái yết Hoàng thượng mới được".
Khi cánh cửa phòng khách vừa mở, tôi thấy vua Bảo Đại ngồi trên chiếc ghế bành giữa nhà. Ông Darle bước đến bên cạnh nhà vua, nghiêng mình cúi chào, và kính cẩn nói: “Tâu Hoàng thượng, đây là ông Lê Phước An và cháu gái, cô Marie Thérèse”.
Nhờ các nữ tu ở trường Couvent des Oiseaux chỉ dạy, nên tôi biết phải làm thế nào để tỏ lòng tôn kính đối với một quân vương, vì thế, tôi không ngần ngại đến trước mặt hoàng đế, quỳ một gối và cúi đầu sát sàn nhà, cho đến khi bàn tay của cậu tôi kéo dậy. Nhà vua gật đầu chào tôi, thì vừa đúng lúc, tiếng nhạc trỗi lên theo nhịp Tango, ngài ngỏ lời mời và dìu tôi ra sàn nhảy.
Rồi chúng tôi bắt đầu trò chuyện.Về sau, khi đã thành vợ chồng, ngài cho biết là hôm đó, ngài rất chú ý đến cách phục sức đơn giản của tôi. Tôi nghĩ rằng, nhà vua chú ý đến tôi, một phần là, tôi là người Việt Nam duy nhất biết nói tiếng Pháp và hành lễ đúng cung cách lễ nghi đối với ngài".
- 3
Tiên đế đồng lòng?
Về tác động của buổi gặp này với cuộc tình duyên, Bảo Đại viết như sau: "Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi gặp mặt nhau trao đổi tâm tình, Marie Thérèse thường nhắc đến những kỷ niệm ở trường Couvent des Oiseaux một cách thích thú. Cũng như tôi, nàng rất thích thể thao và âm nhạc. Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam, pha một chút Tây phương, do vậy, tôi đã chọn hai chữ Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng.
Các vị Tiên Đế của tôi cũng thường hướng về người đàn bà miền Nam. Nếu tôi nhớ không sai thì trước Hoàng hậu Nam Phương, có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế. Khi chọn phụ nữ miền Nam làm vợ, hình như đức Tiên Đế và tôi đều nghĩ rằng trước kia đức Thế Tổ Cao Hoàng (tức vua Gia Long) đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam".
Đỗ Mậu phân tích hậu quả của cuộc hôn nhân chính trị này là lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, triều đình Việt Nam có một vị Hoàng Hậu theo Công giáo La Mã qua sự sắp đặt của các thế lực phương Tây. Sau 400 năm, công tác truyền giáo đạt đến cao điểm bằng sự có mặt của một nữ tín đồ trong chốn thâm cung của triều đình Việt Nam. Và cô Marie Thérèse từ nay được mang danh hiệu là Nam Phương Hoàng Hậu.
Nhưng với cái nhìn hết sức đơn giản, Bảo Đại biện bạch là ông chỉ làm theo gương các vị tiên vương: “Cô Lan có vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê và tôi cũng nghĩ lại xưa kia đất Gò Công đã có người làm hoàng hậu là bà Từ Dũ, thì nay tôi chọn người con gái thứ hai cũng ở đất Gò Công là vợ chắc chẳng có gì trở ngại cả. Vì vậy tôi ngỏ ý xin cưới và cô đã đồng ý nhưng với điều kiện gia đình cho phép đã”.
Daniel Grandcléme bình luận về quyết định này: “Vị Hoàng đế tân học còn gây nên một cuộc đảo lộn, một cơn choáng váng sẽ làm hại ông trong suốt thời gian trị vì. Năm 1934 người dân An Nam rất sửng sốt khi được biết ông quyết định cưới làm vợ một cô gái theo đạo Thiên chúa ngoan đạo, khăng khăng đòi chấm dứt hẳn chế độ cung phi của các triều đại trước để lại.
Một chuyện tình đẹp đẽ không đi đôi với những tiền lệ. Vị Hoàng đế trẻ tuổi không phải là không biết tục lệ truyền thống nhưng ông tự dành cho mình quyền được cải tổ tập quán cũ và trong số những quyền lực hiếm hoi còn lại trong tay ông ta, có quyền định ra những nghi thức mới”.