Những tips làm lành siêu hiệu quả
(Giúp bạn)Hãy thử nghía qua một vài tips làm lành siêu hiệu quả sau đây và vận dụng ngay vào câu chuyện của bạn, nếu hai người đang giận nhau nhé!
Giận dỗi và cãi vã là những điều không thể tránh trong tình yêu. Nó là gia vị khiến tình yêu trở nên nhiều màu sắc và thú vị hơn, nhưng đôi khi nó còn khiến cả hai cảm thấy rất đau đầu nữa. Chẳng ai muốn đối phương lại chiến tranh lạnh và giận dỗi lâu đúng không?
- 1
Ai là người xin lỗi?
Lời xin lỗi là điều đầu tiên cần nói mỗi khi giữa hai người xảy ra chuyện. Ai có lỗi, người đó phải nói xin lỗi là điều dễ hiểu. Thế nhưng, bạn nên nhớ, khi đã cãi nhau thì đừng bao giờ im lặng và chờ đối phương lên tiếng trước. Bạn xin lỗi dù bạn không sai, đó sẽ chẳng là điều gì to tát cả đúng không? Lòng kiêu hãnh của mỗi người là thứ quan trọng, nhưng hạ cái tôi để giữ gìn cho tình yêu lâu bền cũng rất xứng đáng mà.
Đôi khi, người ta xin lỗi vì xem trọng mối quan hệ hiện có, và có trách nhiệm với người còn lại, chứ không phải vì lỗi lầm là do mình gây nên. Tự nhận ra sai lầm và biết lỗi, đó là điều cần thiết. Và nhớ là hãy cố gắng khắc phục sai sót của mình, nên tránh việc phải xin lỗi nhiều lần chỉ vì một lý do.
- 2
Gặp mặt nếu có thể
Trực tiếp nói chuyện với nhau sẽ tốt hơn rất nhiều lần việc chỉ nhắn tin hay gọi điện để giải thích và làm lành. Bởi khi đó bạn có thể thể hiện suy nghĩ một cách dễ dàng và đối phương cũng có thể hiểu những gì bạn nói rõ ràng nhất có thể. Đó còn chưa kể đến việc thể hiện tình cảm trực tiếp sẽ khiến bên kia cảm động, dễ chấp nhận lời xin lỗi và tha thứ hơn.
Không nên để việc giận dỗi kéo dài dù vì lý do gì đi nữa. Nếu người kia có từ chối gặp mặt thì hãy cố gắng để gặp họ sớm nhất có thể. Trong trường hợp này, mọi việc để lâu đều không tốt cho cả hai.
- 3
Khoảng lặng là điều cần thiết
Đôi khi, việc giữ yên lặng cũng là điều cần thiết. Khi đối phương nói “anh/ em muốn một mình” thì hãy cho họ một không gian riêng, và đừng cố tình làm phiền họ. Nhưng điều đó không có nghĩa là bỏ mặc. Một tin nhắn nói rằng dù giữ im lặng nhưng người kia sẽ không phải cảm thấy một mình, thế là đủ cho họ an tâm và sống trong suy nghĩ của mình. Khoảng không sẽ sớm kết thúc nếu họ có thể bình tâm.
- 4
Trách móc hãy để sau
Đừng bao giờ cố bao biện cho mình và trách móc người kia ngay khi vừa xảy ra chuyện. Hãy để mọi thứ được giải quyết đâu vào đấy, và lắng lại đã rồi hãy “thẳng ruột ngựa”. Khi mọi thứ được xoa dịu thì những lời tâm sự sẽ dễ dàng được chấp nhận và cảm thông hơn.
Hãy nhớ, đừng bao giờ “đổ thêm dầu vào lửa” khi cơn giận chưa được dập tắt hẳn. Nhún nhường và tạm thời “ngọt nhạt” cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh, sau đó hãy thẳng thắn nói về suy nghĩ của mình.
Thực ra, khi đã dành tình cảm cho nhau một cách chân thành thì cơn giận sẽ hết rất nhanh và không hề khó khăn để làm lành. Tuy nhiên, để khiến đối phương hết giận cũng cần có “nghệ thuật” và hết sức khéo léo đấy. Và bạn hãy chú ý đừng để những cuộc cãi vã cũng như chiến tranh lạnh diễn ra thường xuyên, điều này cũng có thể khiến mối quan hệ của bạn rơi vào bế tắc đấy.