Những trường hợp không tiêm vắcxin thủy đậu?
(Giúp bạn)
Khi nào thì không nên tiêm vắcxin thủy đậu?Cảm ơn chuyên mục!
Trước tình hình bệnh thủy đậu xuất hiện và tăng mạnh gần đây, khiến nhiều người đổ xô cho con đi tiêm vắcxin thủy đậu, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo liên quan về việc này.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Không tiêm vắcxin thủy đậu trong các trường hợp trẻ đang sốt, bị bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, người mẫn cảm với các thành phần của vắcxin, người bị thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, phụ nữ đang mang thai cũng không được tiêm vắcxin này.
Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước, nhưng cũng có thể gây ra biến chứng từ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.
Tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắcxin đều có thể mắc bệnh. Mọi người đều phải chủ động phòng bệnh thủy đậu bằng cách tránh tiếp xúc với người bị bệnh và tiêm vắcxin phòng bệnh. Tuy nhiên, không tiêm vắcxin thủy đậu với các trường hợp đã khuyến cáo ở trên.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo: Để phòng lây lan bệnh thủy đậu trong cộng đồng, người lớn mắc bệnh phải nghỉ làm tránh tiếp xúc với người khác. Trẻ nhỏ mắc bệnh phải nghỉ học từ 7-10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh cho đến khi các nốt bọng nước khô vảy hoàn toàn.
Đồng thời, sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng như khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa; vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 9‰, tăng cường vệ sinh cá nhân; vệ sinh phòng ở của người bệnh, đồ vật nhiễm mầm bệnh hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.
Min