Sẽ có gì ở những chiếc smartphone tương lai?
(Giúp bạn)
Sẽ có gì ở những chiếc smartphone tương lai?
Một hoặc hai năm nữa, chiếc điện thoại tân tiến bạn đang sở hữu rất có thể sẽ... lỗi mốt?
Smartphone của hôm nay đã vượt ra khỏi biên giới của một thiết bị liên lạc và giải trí đơn thuần, chúng đã trở thành một trong những vật bất li thân của không ít tín đồ công nghệ. Chỉ mới xuất hiện trong vòng 20 năm trở lại đây, khó ai có thể tưởng tượng được tốc độ phát triển khủng khiếp của những chiếc điện thoại thông minh. Vậy công nghệ sẽ mang đến điều gì tiếp theo cho con người? Hãy cùng điểm qua một số xu hướng công nghệ đang được quan tâm và phát triển hiện nay để phần nào có thể hình dung về những chiếc smartphone trong tương lai không xa.
1. Công nghệ tương tác thực tế - Augmented Reality.
AR – Công nghệ đầy mới mẻ và hứa hẹn.
Augmented Reality (AR) được hiểu là công nghệ cho phép con người quan sát những vật trong thế giới thật cùng thông tin về nó thông qua một thiết bị điện tử.
Smartphone với tính di động cao là một nền tảng lý tưởng để thực hiện công nghệ này. Bạn chỉ việc lấy chiếc điện thoại của mình ra và truy vấn mọi thông tin cần thiết một cách nhanh chóng và thuận tiện. Hầu hết các ứng dụng AR đang khả dụng đều tận dụng công nghệ GPS để định vị tìm kiếm tuy nhiên trở ngại lớn nhất đối với AR ở thời điểm hiện tại nằm ở mức độ nhận diện chính xác còn chưa cao khi chúng ta ghi lại những hình ảnh thông qua camera của máy. Để AR có thể hoạt động hoàn thiện hơn cần phát triển một tiêu chuẩn chung cho tính năng này trong tương lai. Tính năng City Lens của Nokia có thể nói là phương pháp AR đầu tiên xuất hiện trên thiết bị smartphone, một thư viện trực tuyến được cập nhật bởi người dùng sẽ giúp cho AR ngày một phát triển.
2. Màn hình có tính linh hoạt cao
Smartphone trong tương lai cũng được kì vọng sẽ có thể hiển thị hình ảnh ở cả hai phía trước và sau của máy.
Có lẽ sẽ chỉ một thời gian ngắn nữa thôi điện thoại thông minh sẽ được trang bị những màn hình rất lớn để phục vụ cho quá trình sử dụng trong khi vẫn giữ được kích thước máy nhỏ gọn. Với công nghệ OLED đang phát triển nhanh chóng, màn hình điện thoại sẽ có thể gấp mở thoải mái trong tương lai gần.
Concept thiết bị mang tên Morph của Nokia.
Với tính vật lý linh hoạt này, Nokia thậm chí còn đang lên kế hoạch phát triển một thiết bị có hình dáng một chiếc đồng hồ đeo tay, tuy nhiên có thể tháo gấp để trở thành một chiếc điện thoại khi cần thiết, ý tưởng này có tên Morph.
3. Tích hợp máy chiếu
Beam là một trong những chiếc điện thoại đầu tiên có máy chiều đi kèm. Cũng có một vài nguồn tin cho rằng thế hệ iPhone tiếp theo sẽ được tích hợp máy chiếu.
Nếu màn hình có tính linh hoạt cao chưa làm bạn thỏa mãn, tại sao không chọn cho mình một chiếc điện thoại có tích hợp sẵn máy chiếu bên trong? Chưa cần đợi đến tương lai, trở lại thời điểm nửa cuối năm 2010, Samsung Galaxy Beam đã ra đời với một thiết bị máy chiếu WVGA đi kèm. Ứng dụng của chúng là gì? Một trong số đó phải kể đến khả năng biến điện thoại thành một chiếc máy chơi games đích thực mà không cần kết nối qua màn hình TV, tất cả những gì bạn cần chỉ là một bề mặt phẳng để trình chiếu. Thêm vào đó, nếu được trang bị thêm các thiết bị như camera thông minh và chức năng điều khiển bằng giọng nói tương tự như Kinect, bạn cũng có thể quên đi phương thức chơi games bằng phương thức sử dụng tay cầm vật lý truyền thống.
Tuy nhiên, trước khi tính năng này được phổ biến đại trà, chắc chắn các nhà sản xuất sẽ phải cân nhắc giải quyết hai vấn đề khá nhức nhối liên quan đến thời lượng pin và lượng ánh sáng của hình ảnh được trình chiếu.
4. Điều khiển bằng giọng nói
Siri là bước tiến xa nhất chúng ta đang đạt được ở công nghệ nhận diện giọng nói.
Điều khiển bằng giọng nói đã nhận được rất nhiều sự chú ý khi Siri ra đời. Mặc dù đã xuất hiện ở khá nhiều dòng điện thoại, tính năng này vẫn cần được nghiên cứu và phát triển thêm rất nhiều để có thể trở nên hoàn thiện.
Đối với Siri, sản phẩm này có tính đột phá bởi thay vì nhận diện các câu lệnh thông qua sóng âm, Siri đoán các cú pháp giống như cách chúng ta nhận diện giọng nói nhờ công nghệ Tương tác người dùng thông qua ngôn ngữ tự nhiên.
Siri đã đặt một dấu mốc quan trọng và là dấu hiệu của sự phát triển trong tác vụ nhận diện giọng nói của các thiết bị điện tử trong tương lai. Tính năng này kết hợp với các thao tác vật lý quen thuộc chắc chắn sẽ mang trải nghiệm của người dùng lên một tầm cao mới.
5. Màn hình 3D và giao diện ba chiều.
Giao diện tương tác 3D sẽ có mặt trong tương lai gần?
Với khả năng hiển thị hình ảnh sắc nét hơn những gì mắt thường có thể cảm nhận, có lẽ màn hình Retina của Apple đã là đỉnh cao trong phạm trù độ phân giải màn hình. Xu hướng nào sẽ diễn ra tiếp theo? Một số nhà sản xuất điện thoại đã bắt đầu chuyển hướng từ màn hình 2D thông thường sang màn hình 3D và quả thực trên thị trường hiện nay đã xuất hiện một số dòng điên thoại màn hình 3D có thể kể đến như LG Optimus 3D hay Motorola MT810.
Vượt xa hơn khỏi giới hạn trình chiếu 3D thông thường, những chiếc smartphone tương lai còn có thể mang yếu tố 3D vào giao diện tương tác người dùng. Ví dụ, bạn có thể thay đổi kích thước các hình ảnh bằng cách “kéo thả” hay “phóng to thu nhỏ” bằng tay các hình ảnh 3D đang xuất hiện trước mắt.