Báo chí nước ngoài đưa tin về lễ tang đại tướng?

16:28 07/11/2014

(Giúp bạn)

Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ khiến cho cho người dân Việt Nam mà còn có cả bạn bè thế giới niềm thương tiếc vô hạn. Không biết những ngày vừa qua báo chí nước ngoài đã đưa tin như thế nào về lễ tang của Đại tướng ạ?


Cùng với báo chí trong nước, rất nhiều báo chí nước ngoài cũng đã đưa tin về lễ tang của Đại tướng.

 

Hãng tin AP mở đầu bằng việc diễn tả cảnh “hàng trăm ngàn người xếp hàng dài 40km từ thủ đô tới sân bay Nội Bài sáng chủ nhật (13-10) để nói lời từ biệt cuối cùng với người anh hùng chiến tranh huyền thoại, người đã lãnh đạo người Việt Nam tới chiến thắng Pháp và sau đó là Mỹ”.

 

Phóng viên của Hãng AP tại Hà Nội tường thuật: “Người dân hô vang: “Tướng Võ Nguyên Giáp muôn năm” và nhiều người bật khóc khi quan tài phủ quốc kỳ của ông nằm trên chiếc linh xa chạy qua". Hãng AP cũng trích dẫn lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc trong điếu văn sáng nay nhấn mạnh công lao to lớn của Tướng Giáp sẽ “mãi mãi in dấu trong lịch sử dân tộc”.

 

Nhật báo tiếng Anh Global Times của Trung Quốc sáng 13-10 đưa một chùm 10 ảnh do Hãng tin Tân Hoa xã cung cấp về lễ viếng và tình cảm của người dân Việt Nam ở Hà Nội và tỉnh Quảng Bình dành cho cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Nhật báo Anh Telegraph đưa tin với tiêu đề “Việt Nam tổ chức quốc tang cho Tướng Võ Nguyên Giáp”. Telegraph mô tả Đại tướng là “một vị tướng tự học không ngừng và sáng chói, người đã đẩy Pháp ra khỏi Việt Nam để giành tự do khỏi ách thực dân và sau đó buộc người Mỹ phải từ bỏ mưu toan ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở nước này".

 

 

Các nhà lãnh đạo cao cấp của VN đi sau linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên ngoài nhà tang lễ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hãng tin Anh BBC sáng 13-10 đưa tin “Lễ an táng Tướng Võ Nguyên Giáp được bắt đầu ở Việt Nam” ngay sau khi nghi thức truy điệu được bắt đầu tại Hà Nội. BBC đăng tải video clip quay từ tang lễ ở Hà Nội dài hơn 2 phút, gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “vị tư lệnh được kính trọng với việc đánh bại quân đội Pháp và Mỹ tại nước mình”. Phóng viên Jonathan Head của BBC tường trình trực tiếp từ Hà Nội rằng: “Hàng trăm ngàn người bày tỏ lòng tôn kính tại tư gia của Tướng Giáp ở Hà Nội”.

 

Với một bài dài kèm theo 3 ảnh chụp bên trong nhà tang lễ quốc gia lúc diễn ra lễ viếng chính thức và cảnh người dân xếp hàng bên ngoài chờ viếng Đại tướng, báo Independent tường thuật chi tiết lễ viếng, phỏng vấn một số người về tình cảm đối với Đại tướng - người mà báo này bình luận rằng: “Sự ra đi của vị tướng thời chiến Võ Nguyên Giáp đã làm bùng nổ niềm khóc thương của dân chúng ở Việt Nam khi 150.000 người xếp hàng để bày tỏ lòng tôn kính đối với người được gọi là “Napoleon Đỏ”.

 

Independent dẫn lời của ông Nguyen Chan, 78 tuổi, một cựu binh từng tham chiến ở Điện Biên Phủ năm 1954, khi ông đang đứng trong một công viên xem truyền hình trực tiếp tang lễ Đại tướng chiếu trên màn hình lớn: “Ông ấy là một vị tướng nổi tiếng, nhưng lại là một người đàn ông rất giản dị và rất gần dân. Đối với chúng tôi, ông là tổng tư lệnh, là thầy giáo và cũng là một người cha”.

 

Tờ báo tài chính Mỹ nổi tiếng Wall Street Journal có một bài dài kèm 4 ảnh với tiêu đề “Cuộc chiến mới của Việt Nam đối với di sản của một anh hùng chiến tranh”. Trong bài phân tích sự nghiệp và lý tưởng của Đại tướng, Wall Street Journal cũng tường thuật lễ tang chính thức và nhấn mạnh: “Tướng Giáp là một nhân vật biểu tượng ở Việt Nam và trên khắp thế giới. Chiến thắng của ông trước các lực lượng Pháp tại trận Điện Biên Phủ năm 1954 đã khiến sự suy tàn mau chóng của chủ nghĩa thực dân trên khắp thế giới. Và vai trò của ông trong những chiến dịch sống còn chống các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn đã dẫn đến sự sụp đổ của Saigon (cũ) năm 1975”.

 

Từ Singapore, nhật báo Straits Times đăng phóng sự ảnh và bài về lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người được Hãng tin Pháp AFP gọi là “một thiên tài quân sự về chiến thuật du kích đã đánh bại cả hai quân đội Pháp và Mỹ”.

 

Ngay cả ở đảo quốc Malta của châu Âu giữa Địa Trung Hải, báo Malta Today cũng có bài và ảnh về lễ tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Biên tập viên của báo mở đầu bài bằng hình ảnh “hàng trăm ngàn người tập hợp bên ngoài ngôi nhà của Tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội và tại các doanh trại quân đội trên khắp cả nước để bày tỏ lòng tôn kính đối với Đại tướng”.

 

Malta Today khép lại bài với thông tin cũng như lời giải thích cho hiện tượng Đại tướng được toàn dân thương tiếc: “Đã hơn 30 năm kể từ khi Tướng Giáp không giữ bất cứ vị trí quyền lực nào, nhưng đối với nhiều người, ông vẫn còn được coi là một anh hùng dân tộc”.

 

Sáng 13-10, nhật báo Hong Kong South China Morning Post đăng bài và ảnh tường thuật từ Hà Nội về lễ viếng chính thức Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tiêu đề về sự thương tiếc của quần chúng đối với ông.

 

Hãng tin Pháp AFP đưa tin đậm nét về lễ tang người anh hùng của Việt Nam mà họ gọi là “Napoleon Đỏ”. Bà Nguyễn Thị Bảy, 68 tuổi, xếp hàng bên ngoài nhà tang lễ ở Hà Nội để chờ được vào viếng Đại tướng, đã nói với nhà báo Pháp: “Tôi không thể ngủ được trừ khi tôi đến để được nhìn ông lần cuối. Ông là một vĩ nhân, giàu tài năng nhưng có tâm hồn thuần khiết. Tôi đã khóc cho sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bây giờ tôi khóc Tướng Giáp”.

 

Hãng tin AFP viết thêm: “Vị tướng - nguyên là một thầy giáo dạy sử trở thành chỉ huy quân sự, lãnh đạo quân đội của mình chiến thắng Pháp năm 1954 ở Điện Biên Phủ, trận đánh kết thúc sự can thiệp của Pháp ở Đông Dương. Sau đó, ông đóng vai trò chủ chốt trong sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam năm 1975”.

 

AFP nhấn mạnh rằng sau năm 1975 “Tướng Giáp vẫn còn là một thần tượng quốc gia, ngay cả trong lòng những người sinh ra sau chiến tranh”

 


Comments