Bệnh xã hội là những bệnh gì?
(Giúp bạn)
Xin chào các bác, em muốn hỏi bệnh xã hội là những bệnh gì.. có nguy hiểm không?
Tại sao lại gọi là "BỆNH XÃ HỘI" và thuật ngữ đó được định nghĩa đầy đủ như thế nào?
Thuật ngữ chung chỉ những bệnh có ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội, do tỉ lệ mắc bệnh cao ở một vùng hoặc trong phạm vi cả nước, có tính chất lây lan, có tỉ lệ tử vong cao, ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ nhân dân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội do bệnh nhân mất khả năng lao động tạm thời hay vĩnh viễn (vd. bệnh phong, sốt rét, bệnh hoa liễu, bướu cổ, lao, mắt hột, tâm thần, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải,...). Với sự phát triển kinh tế xã hội ngày càng cao, nâng cao dân trí, tổ chức y tế chăm sóc sức khoẻ tốt... có thể khống chế và thanh toán được một số bệnh xã hội.
Bệnh Giang Mai:
Bệnh giang mai do một loại vi khuẩn hình xoắn như lò xo gọi là xoắn khuẩn giang mai gây nên. Bệnh lây chủ yếu qua quan hệ tình dục và bệnh tích ban đầu (vết loét giang mai) cũng chủ yếu tại đây. Nếu không được điều trị thì các giai đoạn sau của giang mai bệnh sẽ lan ra toàn thân và trong các phủ tạng.
Chẩn đoán
Thời gian ủ bệnh trung bình từ 2 đến 4 tuần, sau đó bệnh giang mai diễn biến theo ba giai đoạn:
Giai đoạn 1 – Rất quan trọng để phát hiện và điều trị kịp thời. Biểu hiện chính là vết loét giang mai tại bộ phận sinh dục như ở quy đầu (với nam), môi lớn, môi bé, âm đạo, cổ tử cung (với nữ). Vết loét có đặc điểm nông, hình tròn hay bầu dục, bờ nhẵn, màu đỏ, không ngứa, không đau, không có mủ; đáy vết loét thâm nhiễm cứng và kèm theo nổi hạch hai bên vùng bẹn, cứng và cũng không đau. Vết loét này có thể tự biến đi sau 6 đến 8 tuần lễ kể cả không điều trị nên nhiều người tưởng lầm là khỏi bệnh nhưng thực sự là vi khuẩn lúc đó đã vào máu, bệnh vẫn tiếp tục phát triển với những biểu hiện khác.
Giai đoạn 2 – Thường bắt đầu sau khi có vết loét từ 6 đến 9 tháng, chủ yếu biểu hiện bằng các tổn thương trên da với các nốt ban màu hồng như hoa đào (đào ban), vết sẩn, nốt phỏng nước, vết loét ở da và niêm mạc.
Giai đoạn 3 – Giang mai phát triển trong các phủ tạng như não, gan, cơ bắp tim mạch …, gây nên các bệnh cảnh khác nhau tùy bộ phận cơ thể bị nhiễm giang mai.
Điều trị
Giang mai ở phụ nữ có thể gây sảy thai, làm thai chết trong tử cung, gây thai dị dạng và có thể gây giang mai bẩm sinh cho thai ngay khi còn trong bụng mẹ.
Tuy là bệnh nguy hiểm nhưng có thuốc điều trị khỏi hẳn với hiệu quả cao, miễn là phải được phát hiện sớm và điều trị đúng chỉ dẫn của thầy thuốc.
Bệnh sùi mào gà
"Tôi bị sùi mào gà, ngoài cửa mình có những hạt li ti, sau lớn lên thành chùm và hiện giờ lan ra rất nhiều, không đau nhưng ra huyết trắng và có mùi hôi. Tôi đã điều trị ở nhiều nơi nhưng chưa khỏi. Một số bác sĩ cho biết bệnh không thể chữa khỏi hẳn. Vậy tôi có thể lập gia đình và sinh con không? Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên".
Trả lời:
Những mô tả nói trên là triệu chứng của bệnh sùi mào gà, còn gọi là mụn cóc sinh dục. Bệnh do Papilloma virus (HPV) gây ra và là một trong những bệnh lây truyền theo đường tình dục. Có hơn 20 chủng HPV gây bệnh, với biểu hiện là những mụn cóc, hột cơm, u nhú hay tổn thương phẳng. Nhiều trường hợp lây nhiễm không gây tổn thương nhìn thấy được ở cơ quan sinh dục. Tổn thương xuất hiện sau khi bị nhiễm HPV từ 3 tuần đến 6 tháng. Ngay trong giai đoạn chưa thể hiện triệu chứng (cũng như đã có triệu chứng), sự lây nhiễm đã có thể xảy ra. Vì thế, cần mang bao cao su khi có quan hệ tình dục với bạn tình, nhất là khi không rõ lắm về đời tư của họ.
Một số tổn thương do HPV gây ra ở cổ tử cung có thể là nguy cơ cao dẫn đến ung thư cổ tử cung. HPV làm mọc một hoặc nhiều u nhú không cuống, không đau ở âm hộ, âm đạo, vùng cổ tử cung (có khi cả trực tràng, quanh hậu môn và bẹn). Ở điều kiện nóng, ẩm, các u nhú phát triển nhanh, có khi to và giống như hình cái súp lơ. Nếu các tổn thương u nhú bị nhiễm khuẩn, bệnh nhân sẽ ra khí hư có mùi hôi và ngứa.
Thương tổn có thể lan rộng và phá hủy mô, làm tắc đường sinh nở. Khi có thai, u nhú có xu hướng phát triển lớn hơn do nồng độ hoóc môn progesterone tăng. Nếu u nhú phát triển nhiều ở thành âm đạo, chỗ này sẽ trở nên kém chun giãn và gây khó khăn khi sinh.
Không có chống chỉ định lấy chồng hay có con ở người nhiễm HPV. Vấn đề chính là người bệnh cần được chẩn đoán sớm, điều trị đúng đắn và được theo dõi, giúp đỡ cả khi chưa có thai và khi chuyển dạ.
Điều trị: Theo chỉ định của bác sĩ.
- Bôi dung dịch Podophylline 10-15% lên mụn, sau 1-4 giờ rửa sạch để tránh bị bỏng hóa chất. Không bôi Podophylline lên tổn thương lúc có thai để tránh gây dị tật hoặc tử vong thai.
- Bôi kem 5-fluorouacil.
- Đốt điện lạnh, cắt bằng dao thường hay dao điện khi tổn thương lan rộng hoặc dùng chùm tia lazer.
Cần phải lấy hết các tổn thương (u nhú, mụn cóc) để đề phòng tái phát và thường xuyên đến bác sĩ kiểm tra.
Điều trị mụn rộp
Mụn rộp (herpes) là một loại bệnh do vi rút gây nên. Nếu không biết cách phòng và chữa bệnh kịp thời, mụn rộp sẽ lan rộng và rất khó điều trị khỏi hẳn. Dưới đây các chuyên gia sẽ giúp chúng ta cách điều trị căn bệnh này hiệu quả hơn.
1. Thủ phạm gây bệnh
Có 2 loại vi rút chính gây nên bệnh mụn rộp: HSV1 (mụn rộp ở môi) và HSV2 (mụn rộp ở âm đạo). Giống như các bệnh do vi rút gây nên, mụn rộp là một bệnh lây lan. Đặc biệt là những phụ bị bệnh mụn rộp ở âm đạo có thể truyền bệnh này cho người bạn đời của mình khi quan hệ tình dục.
2. Mụn rộp có thể xuất hiện ở đâu?
Mụn rộp có thể xuất hiện ở môi, mắt, tay, chân… Về lý thuyết, mụn rộp có thể phát triển khắp nơi trên cơ thể. Tuy nhiên số lượng những người bị mụn rộp ở cơ quan sinh dục vẫn chiếm số đông.
3. Nguyên nhân
Khác với nhiều người thường nghĩ bệnh mụn rộp chỉ có thể lây lan giữa 2 người với nhau. Trên thực tế bất cứ ai trong chúng ta đều có thể lây căn bệnh này khi đi bơi, dùng nhà vệ sinh công cộng, quan hệ tình dục… Tuy nhiên bệnh này chỉ lây từ người sang người, súc vật không phải là trung gian truyền bệnh
4. Vì sao ngày càng có nhiều người bị mụn rộp?
Ngại ngùng hay xấu hổ không dám nói căn bệnh này ngay cả với bác sỹ là nguyên nhân chính làm tăng số lượng người mắc bệnh mụn rộp, đặc biệt là những người bị mắc bệnh mụn rộp ở âm đạo. Do không được điều trị kịp thời, bệnh nhanh chóng lây lan sang các vùng bên cạnh và những vùng khác nhau trên cơ thể người bệnh.
Không thể tự điều trị khỏi bệnh còn gây cho người bệnh những tác động xấu về tâm lý như căng thẳng, stress, lo âu... và rơi vào vòng luẩn quẩn, bế tắc.
Hiện nay ở Pháp có hơn 2 triệu người bị bệnh mụn rộp ở cơ quan sinh dục và ần 70% số này gặp trục trặc trong chuyện phòng; 1/3 số này ngại ngùng không dám đến gặp bác sỹ hoặc nói với người bạn đời của mình và 4/10 người quá lo âu.
5. Vài lời khuyên giúp bạn nhanh khỏi bệnh
Khi phát hiện mình bị mụn rộp bạn cần nhanh chóng đi khám bác sỹ. Các xét nghiệm sẽ cho chẩn đoán chính xác và việc điều trị sẽ đạt kết quả tối ưukhi bạn tuân thủ các nguyên tắc:
- Không sờ vào, không gãi hoặc băng bó những vùng bị tổn thương
- Sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục khi người bạn đời của bạn bị mụn rộp.
- Rửa tay bằng xà phòng sau khi rửa, chạm vào… những vùng tổn thương
- Không dùng chung những dụng cụ như găng tay, khăn mặt… trong nhà tắm, nhà vệ sinh
- Không thơm, hôn… những người đang bị mụn rộp ở môi.
- Không đưa tay lên mắt đề phòng bệnh có thể lây lan lên phần này.
Bệnh lậu: Cách phòng và điều trị
Bệnh lậu là một trong năm bệnh hoa liễu cổ điển như giang mai, hạ cam mềm, hột xoài và u hạt bẹn, bệnh lây truyền qua đường tình dục, cấp tính hay mạn tính, do song cầu trùng gây nên, có tên khoa học là Neisseria Gonorrhoeae.
>> Bệnh lậu cũng có thể làm… chết người!
Bệnh lậu được biết từ lâu, được các thầy thuốc Hi Lạp quan niệm là bệnh của những người ăn chơi, chìm đắm trong lạc thú của thần vệ nữ. Năm 1300 người ta cho rằng bệnh lậu là bệnh đáy nóng (Chaude Pisse), trong đại chiến thứ nhất bệnh lậu thực sự bùng nổ trở thành đại dịch, đến đại chiến thứ hai và sự ra đời của Pénicilline bệnh lậu chính thức được ngăn chặn và giảm dần đến ngày hôm nay.
Năm 1897 bệnh được Neisser tìm ra, đó là vi khuẩn có hình hạt cà phê xếp thành từng cặp nên còn gọi là song cầu, có chiều dài 1,6cm, rộng 0,8cm, trên kính hiển vi, vi khuẩn bắt màu Gram âm. Lậu cầu rất yếu khi ra ngoài cơ thể, và chết nhanh ở nhiệt độ thường, ngược lại lậu cầu sống rất mãnh liệt ở môi trường ẩm của cơ thể, cho nên giao hợp vẫn là cách lây bệnh chủ yếu. Tuy nhiên, lậu cầu cũng có thể lây qua vật dụng dùng chung.
Cơ thể học và sinh lý bệnh
Cơ thể học nam giới: niệu đạo của nam giới tương đối dài hơn nữ giới, vì vậy bệnh lậu ở nam giới biểu hiện rầm rộ hơn, niệu đạo chia làm 2 phần gồm niệu đạo trước và niệu đạo sau, được ngăn cách bởi cơ thắt niệu đạo, có chiều dài từ 14 – 16cm.
Niệu đạo trước có nhiều hang, nhiều ngõ ngách đó là nơi trú ẩn của lậu cầu.
Niệu đạo sau càng phức tạp hơn cũng có nhiều ngóc ngách, xuyên qua tuyến tiền liệt, thông với túi tinh, ống dẫn tinh, mao tinh và tinh hoàn.
Ngoài ra, còn có tuyến Morgagni và tuyến Littre cũng thuận lợi cho lậu cầu sinh sôi và phát triển.
Cơ thể học nữ giới: niệu đạo của nữ giới tương đối ngắn so với nam giới, khoảng 3cm, vì vậy bệnh lậu ít rầm rộ hơn, có nnhiều tuyến quanh niệu đạo là nơi ẩn náu của vi khuẩn như tuyến Skene, tuyến Bartholine ở 1/3 trước của môi lớn và môi bé.
Sau khi lậu cầu xâm nhập vào cơ thể thông qua niệu đạo, vi khuẩn có khuynh hướng ưa thích tế bào mô bì trụ ở niệu mạc đường tiết niệu, đưa đến phản ứng viêm tại chỗ, kéo theo bạch cầu đa nhiễm đến để thực bào, từ đó trở thành tổ chức hoại tử trong quá trình viêm, được thoát ra ngoài theo nước tiểu, màu trắng hơi vàng gọi là tiểu ra mủ, vi khuẩn tiếp tục phát triển và đi dọc theo chiều dài của niệu đạo, đi đến đâu gây viêm đến đó gây viêm tiền liệt tuyến, viêm túi tinh, viêm tinh hoàn ở nam giới, viêm ống dẫn trứng, buồng trứng ở nữ giới.
Triệu chứng lâm sàng
Về triệu chứng lâm sàng lậu ở nam và nữ có khác nhau, do niệu đạo của nam giới dài gấp 5 lần, giai đoạn cấp tính lậu ở nam giới có tính chất rầm rộ, còn ở nữ thì âm thầm dễ bỏ qua, vì thế là nguồn lây nhiễm rất đáng quan tâm. Thời gian nung bệnh trung bình 3 – 5 ngày, nhưng có thể kéo dài 2 – 3 tuần, thời gian nung bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng và thời gian càng dài bệnh nhẹ hơn.
Lậu ở nam:
Giai đoạn cấp tính:
Sau thời gian ủ bệnh, bệnh nhân thấy hơi ngứa, nhồn nhột ở đường tiểu, sau vài giờ thì tiết ra chất dịch trong, sau đó đục dần rồi thành mủ, màu vàng hơi trắng. Tiếp theo đó, hai mép miệng sáo đỏ, sưng nề, khi đi tiểu bệnh nhân có cảm giác tiểu nóng rát, tiểu gắt, tiểu bốt, đau như dao cắt, mủ chảy ngày càng nhiều, trường hợp nặng có thể tiểu ra máu.
Toàn thân giai đoạn này bệnh nhân có thể sốt nhẹ, mệt mỏi, đau mình mẩy.
Giai đoạn mạn tính:
Ở giai đoạn cấp tính nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả, triệu chứng trên cũng giảm dần, nhưng vi khuẩn vẫn còn và chuyển sang giai đoạn mạn tính, vi khuẩn từ niệu đạo trước, xâm nhập sâu dần đến các tuyến và niệu dạo sau, để tiếp tục sinh sôi và phát triển, các triệu chứng trên sẽ mất dần chỉ còn lại là tiểu ra giọt đục buổi sáng, và tăng lên khi lao động nặng, thức khuya, uống rượu bia…
Lậu ở nữ:
Thời gian ủ bệnh thường rất khó xác định.
Giai đoạn cấp tính:
Triệu chứng thường âm thầm, không rõ như nam giới. Theo thống kê có khoảng 97% không có triệu chứng, chỉ có 3% còn lại mới có triệu chứng tiểu rát, tiểu buốt, khó chịu.
Giai đoạn mạn tính:
Không có triệu chứng gì đặc biệt, thường chỉ có huyết trắng, hoặc có những biểu hiện của biến chứng mà thôi.
Lậu ở trẻ sơ sinh: Trẻ bị viêm kết mạc mắt do tiếp xúc với dịch ở âm đạo của mẹ bị nhiễm lậu cầu lúc sanh, từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 21, mắt bé bị sưng phù, đỏ và có mủ vàng. Tình trạng này có thể phòng, bằng cách nhỏ mắt bằng Nitrat bạc lúc sanh. Ngoài ra lậu ở đường sinh dục nam và nữ, lậu còn gây bệnh ở các cơ quan khác như lậu ở tim, khớp, cổ họng, amidan, hậu môn, trực tràng…
Điều trị
Nguyên tắc điều trị: Lậu cầu cứ 15 phút phân chia một lần do đó lan nhanh. Vì vậy cần điều trị sớm.
Điều trị đúng thuốc – đủ liều.
Điều trị cả với người tiếp xúc sinh lý.
Điều trị cho nữ bao giờ cũng dùng thuốc và thời gian gấp đôi liều nam giới.
Chỉ được kết luận là khỏi bệnh khi cấy hai lần liên tiếp âm tính hoặc không còn tiết dịch niệu đạo với nghiệm pháp kích thích, (cho bệnh nhân lao động nặng, thức khuya, uống rượu bia. Sáng hôm sau lấy dịch xét nghiệm lúc bệnh nhân chưa đi tiểu).
Điều trị: có thể dùng một trong các thuốc sau:
Thuốc tiêm:
Spectionmycine (Trobicin, Kirin) 2gr đói với nam, 4gr đối với nữ tiêm bắp một liều duy nhất. Trường hợp bệnh mạn tính tiêm liên tiếp 2 ngày.
Ceftriaxime (Claforan) 1gr tiêm bắp duy nhất.
Ceftriaxone (Rocephine) 250mg tiêm bắp duy nhất.
Cefoxitine 250mg tiêm bắp liều duy nhất.
Thuốc uống:
Unasyn 375mg uống 6 viên liều duy nhất.
Azithromycin (Zithromax) 250mg X 4 viên uống liều duy nhất.
Tequin 200mg uống 2 viên (400mg) uống liều duy nhất.
Điều trị lậu ở trẻ sơ sinh: Ceftriaxone 50mg/kg thể trọng, tiêm bắp liều duy nhất, tối da không quá 125mg. Đồng thời bôi mắt bằng mỡ Tetracycline 1% cách mỗi giờ một lần/ngày đầu, sau đó 8 giờ 1 lần trong 10 ngày.
Riêng điều trị lậu đối với trẻ em, nếu trên 45kg thì điều trị như người lớn. Nếu dưới 45kg thì dùng ceftriaxone 125mg tiêm bắp liều duy nhất, hoạc spectionmycin 40mg/kg thể trọng tiêm bắp liều duy nhất.
Theo dõi điều trị: Nếu điều trị đúng thuốc, đủ liều thì triệu chứng tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu nhiều lần sẽ giảm nhanh sau 24 – 48 giờ, riêng tiểu ra mủ sẽ hết chậm hơn sau 48 – 72 giờ. Các triệu chứng chung sẽ biến mất hoàn toàn sau 5 – 7 ngày.
Phòng bệnh
Cho đến nay phương pháp dùng bao cao su được xem như là phương tiện duy nhất để phòng bệnh lậu, tuy nhiên đó chưa phải là phương pháp đảm bảo tuyệt đối.