Bị thai lưu có mất khả năng làm mẹ không?

15:51 07/11/2014

(Giúp bạn)

 

Em năm nay 28 tuổi, kết hôn được 4 năm. Trong 4 năm đó, tôi thụ thai 2 lần theo cách tự nhiên nhưng đều bị thai lưu và cho đến giờ vẫn chưa thụ thai trở lại được. 

Sau 3 lần thai lưu, em cảm thấy rất lo sợ, không biết mình có khả năng làm mẹ hay không. Bác sĩ cho em hỏi vì sao em lại bị thai lưu nhiều lần như vậy, có phải do tử cung em có vấn đề gì bất thường nên không thể nuôi thai? Em cũng mong chuyên mục tư vấn giúp em cách nào điều trị hiệu quả để nhanh có thai trở lại

Thai lưu là tình trạng trứng trứng đã thụ tinh và làm tổ được trong tử cung tạo thành bào thai, nhưng bị chết và lưu lại trong tử cung. Đa phần thai khi thai chết lưu, sản phụ sẽ có những cảm giác như: giảm và mất hết cảm giác nghén, bụng nặng và hơi tức, ngực mềm đi, không còn căng tức như ban đầu nữa, tự nhiên tiết sữa non, tâm trạng bồn chồn, bất thường, hay lo lắng, ra máu đen ở âm đạo, tim thai ngừng đập, thử máu thấy sinh sợi huyết giảm… Những triệu chứng này rất dễ nhầm với chửa ngoài dạ con, đặc biệt là chửa trứng nên chỉ có đi khám, siêu âm mới có thể kết luận chính xác được.

Có nhiều nguyên nhân gây thai lưu. Thai phụ mắc bệnh mãn tính (Viêm thận, suy gan, thiếu máu, lao phổi, bệnh tim, huyết áp cao…), bệnh nội tiết (Basedow, thiểu năng giáp trạng, tiểu đường, một số bệnh lý về thận...), nhiễm độc thai nghén... đều có nguy cơ bị thai lưu cao.

Một số lý do xuất phát từ thai nhi dẫn đến thai lưu bao gồm: Rối loạn nhiễm sắc thể, thai dị dạng, bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con, thai già tháng, đa thai…

Ngoài ra, những nguyên nhân từ phần phụ, tử cung như bất thường ở dây rốn, bất thường ở bánh rau, nước ối... cũng có thể gây ra thai lưu.

Điều nguy hiểm nhất đối với người bị thai chết lưu là ối bị vỡ sớm khi chưa có dấu hiệu sẩy hay chuyển dạ, vì qua nơi màng ối rách, vi khuẩn sẽ vào buồng ối và dạ con gây nhiễm khuẩn trầm trọng, lúc này có thể nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ. Điều nguy hiểm thứ hai là khi thai lưu lại quá lâu trong dạ con (3-4 tuần trở lên) có thể gây ra tình trạng rối loạn đông máu dẫn đến băng huyết nặng ở người mẹ sau sẩy hoặc đẻ.

Các trường hợp thai lưu sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ nếu như quá trình lấy thai ra gây ra những hậu quả như nhiễm trùng, thủng tử cung... Vì vậy, nếu bạn được xử lý thai lưu  tại các cơ sở y tế tin cậy, đảm bảo uy tín thì sẽ giảm được nguy cơ nhiễm trùng, viêm nhiễm... từ thủ thuật của bác sĩ, nguy cơ vô sinh cũng được giảm thiểu. Vì vậy, bạn không nên lo lắng quá.

Trong trường hợp của bạn, tốt nhất bạn nên đi khám để biết tình trạng sức khỏe hiện tại của mình ra sao, có rắc rối gì ở cơ quan sinh sản hay không. Tốt nhất, bạn nên đến các viện chuyên sản khoa để được khám và tư vấn điều trị hiếm muộn và tăng khả năng thụ thai thành công.

HA


Comments