Bỏ điểm sàn: Vấn đề gây nhiều tranh cãi?

16:26 07/11/2014

(Giúp bạn)

Sau khi Bộ GD&ĐT tuyên bố  bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học 2014, lãnh đạo nhiều trường đã nêu những ý kiến trái chiều. Nhiều lãnh đạo đại học lo ngại, bỏ điểm sàn ĐH, CĐ sẽ khiến các trường ngoài công lập  tuyển sinh ồ ạt. Chuyên mục có thể giải đáp giúp mình đc không ạ? Tks chuyên mục nhiều!


 

 Chuyên mục xin trả lời thắc mắc của bạn như sau:

 

Sau khi Bộ GD&ĐT tuyên bố xem xét bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học 2014, lãnh đạo nhiều trường đã bày tỏ ý kiến trái chiều. Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng nhận định, khi Bộ giao quyền tự chủ cho các trường thì tuyển sinh là việc của trường nên bỏ điểm sàn là hợp lý.

 

"Chỉ tiêu, mục tiêu đào tạo khác nhau thì các trường tự quyết định điểm chuẩn, quan trọng là Bộ khống chế chỉ tiêu. Mỗi trường đưa ra tiêu chí riêng và không được tuyển quá số lượng cho phép", ông Tùng nói.

 

Theo vị lãnh đạo đại học ngoài công lập này, ví dụ chỉ tiêu đại học khoảng 200.000 nhưng các chuyên gia giáo dục cho rằng chỉ 2/3 đạt yêu cầu thì Bộ hãy khống chế chừng đó chỉ tiêu. Hiện, Bộ chỉ yêu cầu các trường đảm bảo số lượng giáo viên cơ hữu và diện tích trên đầu sinh viên mà quên mất mức đầu tư cho đào tạo.

 

"Bộ cần tạo hành lang cho các trường tuyển sinh bằng cách căn cứ vào mức đầu tư để xác định chỉ tiêu kể cả trường công và trường tư. Ví dụ, đầu tư 100 triệu thì được đào tạo một sinh viên, muốn dạy nhiều thì phải đầu tư nhiều. Điều này sẽ đẩy chất lượng lên cao hơn", ông Tùng kiến nghị.

 

Cũng theo hiệu trưởng ĐH FPT, điểm sàn chỉ có tác dụng với một số trường khó tuyển sinh, còn những trường có điểm chuẩn 20-22 thì điểm sàn 13, 15 hay không có cũng chẳng ý nghĩa gì. Những trường chịu ảnh hưởng của điểm sàn chiếm số ít, chỉ khoảng 20% (gồm tất cả các trường ngoài công lập và 10% trường công lập tốp dưới).

 

Ông Tùng nhấn mạnh, quan trọng nhất là Bộ Giáo dục tìm giải pháp nâng cao chất lượng của cả hệ thống. Cơ quan quản lý tuyển sinh của Bộ phải xác định trường như thế nào thì được tuyển sinh chứ không phải đặt câu hỏi tuyển thí sinh như thế nào?

 

Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Tùng, Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Huế lại cho rằng, bỏ điểm sàn ngay năm nay là hơi sớm. Trước khi quyết định bỏ điểm sàn, Bộ cần phải xây dựng được khung tiêu chí đánh giá chất lượng thí sinh bởi lâu nay điểm sàn là cơ sở để đánh giá chất lượng đầu vào tối thiểu của thí sinh.

 

"Khi các tiêu chí đánh giá còn chưa được xây dựng và đang rất mơ hồ sẽ gây khó khăn trong việc tuyển sinh chung", ông Xuân Tùng nói.

 

Mặc dù vậy, vị hiệu phó cũng cho rằng, bỏ điểm sàn là điều tất yếu phải làm khi Bộ quyết định đến năm 2016 sẽ bỏ tuyển sinh 3 chung. Nhiều trường sẽ tuyển sinh thay vì thi tuyển nên không thể lấy điểm sàn làm cơ sở đánh giá chung.

 

Đối với ĐH Khoa học Huế, ông Tùng chia sẻ, nhiều năm nay ngành Ngôn ngữ, Lịch sử, Hán Nôm... chỉ lấy ngang điểm sàn nhưng việc tuyển sinh rất khó. Để đảm bảo chất lượng, dù Bộ bỏ điểm sàn, trường vẫn không tuyển ồ ạt.

 

Còn ông Ngô Đức Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Luật TP HCM lo ngại, nếu bỏ điểm sàn thì nhiều trường sẽ ồ ạt tuyển sinh. Những trường ở top trên hàng năm lấy điểm chuẩn cao thì việc bỏ điểm sàn sẽ không ảnh hưởng nhiều. Nhưng nếu Bộ chưa xây được khung đánh giá chất lượng đầu vào thì nhiều trường sẽ hạ điểm chuẩn để tuyển sinh, dẫn đến chất lượng đầu vào rất thấp.

 

"Kỳ thi ĐH đã gần tới nhưng Bộ vẫn chưa đưa ra được tiêu chí đánh giá chất lượng đầu vào có thể gây hoang mang cho thí sinh cũng như gây khó khăn trong việc tuyển sinh cho các trường", ông Tuấn nói.

 

Điểm sàn đại học là mức điểm xét tuyển tối thiểu được Bộ GD&ĐT tạo đưa ra để các trường căn cứ vào đó xét trúng tuyển ĐH, CĐ và nhận hồ sơ xét tuyển NV2, NV3. Mức điểm sàn này thay đổi theo các năm, phụ thuộc vào độ khó dễ của đề thi. Hàng năm, khoảng nửa triệu thí sinh trượt đại học vì mức điểm sàn và phải tìm cơ hội ở khối cao đẳng, trung cấp. Gần đây, phần lớn trường ngoài công lập và một bộ phận trường công lập tốp dưới... không tuyển đủ thí sinh.

 

H.D


Comments