Cách hay rèn luyện tính tự lập cho trẻ mẫu giáo?

16:10 07/11/2014

(Giúp bạn)

Xin chào chuyên mục. Bé nhà mình năm nay 3 tuôi rưỡi đang học mẫu giáo. Mình muốn tập cho bé thói quen tự lập nhưng không biết phải bắt đàu từ đâu. Chuyên mục có thể cho mình biết những cách hay để rèn luyện tính tự lập cho trẻ mẫu giáo được không? Mình cảm ơn


 

Chuyên mục xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Tính tự lập giúp con người trưởng thành, vượt qua được mọi khó khăn, nắm giữ vận mệnh cuộc sống. Hiển nhiên là một người có tính tự lập cao chính là người thành đạt, biết sắp xếp một cuộc sống hoàn chỉnh, trái ngược với người sống dựa dẫm, ỷ lại, thiếu sáng tạo sẽ luôn gánh thất bại.

Giáo dục tính tự lập cho trẻ là phương pháp giáo dục cần áp dụng với trẻ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, trong một gia đình, nếu không thống nhất một phương pháp giáo dục tốt, lại nuông chiều trẻ, trẻ sẽ nảy sinh tính ỷ lại, bướng bỉnh, không nghe lời. Gia đình chị Hòa nên thống nhất phương pháp giáo dục con, cháu. Có thể tham khảo phương pháp rèn luyện tính tự lập cho trẻ theo các bước sau:

- Lập một thời gian biểu cho trẻ, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như dạy đúng giờ, tự đánh răng, lựa chọn quần áo…

- Hãy cùng với trẻ bắt tay vào việc thực hiện thời gian biểu, khi trẻ đã có ý thức về những việc trẻ phải làm, hãy để trẻ tự làm, thời điểm này bố mẹ không nên quá quan trọng về thành quả công việc của trẻ.

- Tạo cho trẻ thời gian riêng, không gian riêng, để trẻ được làm một số việc trẻ muốn.

- Tạo tình huống cho trẻ: Ví dụ để bé tự đi bộ, chơi đùa với một vài trẻ lạ trong công viên, quan sát cách bé đối diện với những tình huống sẽ xảy ra.

- Để trẻ tự giải quyết vấn đề: Ví dụ đọc một câu chuyện, hỏi trẻ về cách gỡ nút thắt của câu chuyện; hoặc khi phát sinh vấn đề trong cuộc sống, giao tiếp của trẻ hãy hỏi trẻ cách trẻ muốn xử trí?

- Tạo môi trường để trẻ tự rèn luyện, lúc đó bạn sẽ là hướng dẫn viên bước đầu cho bé, sau đó hãy lùi ra xa để khuyến khích trẻ.

- Tạo tình huống mâu thuẫn cho trẻ: Hãy chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu, đúng sai trong mỗi hiện tượng, vấn đề, sau đó đưa ra tình huống mâu thuẫn, khuyến khích trẻ lý giải, xử lý.

- Cho trẻ quyền được sáng tạo, thảo luận, giải quyết vấn đề theo hướng trẻ mong muốn. Bố mẹ chỉ nên đóng vai trò phân tích và cùng thảo luận với trẻ.

Trong quá trình rèn luyện tính tự lập của trẻ, bố mẹ nên khuyến khích, động viên, khen thưởng nếu trẻ tiến bộ, đồng thời giúp trẻ hiểu việc trẻ sẽ bị phạt, bị kỉ luật khi không hoàn thành cam kết, là điều sẽ xảy ra. Khi trẻ ý thức được về khen thưởng và kỉ luật, trẻ sẽ biết xử lý vấn đề, thúc đẩy rèn luyện tính tự lập.

 

HV

 


Comments