|
Một chế độ ăn uống lành mạnh, chăm chỉ luyện tập thể thao sẽ giúp bạn phòng tránh bệnh tiểu đường. Ảnh: minh họa. |
Tại Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh chiếm tới 5,7% dân số; trong đó, nữ giới mắc nhiều hơn nam giới gần 5%.
Việt Nam: Tỉ lệ mắc bệnh cao hơn thế giới
Hiện có khoảng 350 triệu người trên thế giới phải chung sống với bệnh tiểu đường và 80% trong số họ tại các nước đang phát triển. Số liệu mới nhất từ Hiệp hội Đái tháo đường Quốc tế cho thấy cứ 8 giây có một người tử vong vì căn bệnh này. Con số này dự kiến tăng lên gần 70% vào năm 2030, do dân số toàn cầu đang già hóa và phong cách sống không lành mạnh của nền kinh tế hiện đại.
Những dấu hiệu cần được lưu ý ngay
> Rất khát nước và uống nước rất nhiều (còn gọi là háo nước); > Đi tiểu tiện nhiều hơn bình thường; > Rất đói và ăn nhiều một cách bất thường; > Giảm cân nhiều trong một thời gian ngắn; > Khó tập trung làm việc hay học tập, cơ thể mệt mỏi, dễ nổi cáu; > Nhìn mờ. Tuy nhiên, không phải tất cả các dấu hiệu đều xuất hiện cùng lúc, do đó nếu bạn nhận thấy mình có một hay nhiều hơn những dấu hiệu kể trên, hãy dành thời gian để đến kiểm tra sức khỏe tại những cơ sở y tế tin cậy càng sớm càng tốt. |
Còn tại Việt Nam, con số người mắc bệnh này đang tăng lên. TS Nguyễn Vinh Quang - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, theo điều tra mới nhất mà BV thực hiện tại 6 vùng sinh thái trong cả nước, tỉ lệ người mắc bệnh tiểu đường ở nước ta chiếm 5,7% dân số. Tây Nam bộ có tỉ lệ cao nhất với 7,2% dân số và thấp nhất là khu vực Tây Nguyên với 3,8% dân số. Tỉ lệ nữ giới mắc đái tháo đường nhiều hơn nam giới gần 5%. Điều đáng lưu ý là những người trên 45 tuổi, người có vòng eo lớn và trong gia đình từng có người bị đái tháo đường sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn từ 2 - 5 lần so với người bình thường. Những người bị huyết áp cao cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 3 lần những người khác.
Một thực trạng đáng quan tâm là tỉ lệ người bệnh đái tháo đường trong cộng đồng không được phát hiện là 63,6%, trong đó Tây Nam Bộ cao nhất chiếm 72,1%. Trong khi đó, tỉ lệ này trên thế giới là 50%. Một con số đáng báo động khác là trong vòng 10 năm qua, tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng tại Việt Nam đã tăng gấp đôi; còn trên thế giới, phải mất 15 năm cho việc tăng gấp đôi này.
TS.BS Trần Quang Khánh - Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM cho biết, hàng ngày có rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường đến khám tại các bệnh viện trong thành phố. Năm 2012, chỉ riêng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trung bình mỗi ngày tiếp nhận khám ngoại trú 120-150 bệnh nhân đái tháo đường, kể cả bảo hiểm y tế lẫn khám theo yêu cầu. Theo TS Quang Khánh, bệnh đái tháo đường (type 2) được ví như “cơn sóng thần” hay một “đại dịch” của thế kỷ 21 với tỉ lệ ngày càng tăng nhanh và tuổi chẩn đoán bệnh ngày càng trẻ hóa. Nếu như vào những thập niên cuối của thế kỷ trước, bệnh nhân đái tháo đường thường được chẩn đoán ở độ tuổi 60 - 70 thì hiện nay là ở độ tuổi 40 - 50 tuổi, thậm chí có trường hợp mới 20 - 30 đã bị đái tháo đường.
Tăng cường hiểu biết và kiểm soát
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tiểu đường có thể gây những biến chứng về mắt, tổn thương thận, tổn thương thần kinh, bệnh mạch máu ngoại vi, loét chân dẫn đến cắt cụt, nhiễm trùng, bệnh tim và đột quỵ ở các nước phát triển. Trong đó, bệnh võng mạc do tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù loà.
Tiểu đường là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn tới suy thận mãn. Bệnh tim và bệnh đột quỵ là nguyên nhân của khoảng 75% trường hợp tử vong của bệnh nhân tiểu đường. Nguy cơ tử vong do bệnh tim, đột quỵ và bệnh thận nặng tăng 3 lần khi bị bệnh tiểu đường. Nguyên nhân của sự gia tăng tỉ lệ đái tháo đường trong thời gian gần đây là chế độ dinh dưỡng mất cân đối và ít hoạt động thể lực dẫn đến một loạt các yếu tố bệnh sinh bắt đầu từ những hội chứng: Thừa cân, béo phì, kháng insulin, rối loạn chuyển hóa lipid và tăng huyết áp. Một số trường hợp phụ nữ mang thai bị mắc tiểu đường và chấm dứt sau khi sinh. Những phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ có nhiều khả năng phát triển thành bệnh đái tháo đường type 2 sau này.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, triệu chứng chung của bệnh tiểu đường thường gặp là: Khát không ngừng, đi tiểu thường xuyên, đặc biệt ban đêm. Cơ thể luôn mệt mỏi, uể oải, giảm cân. Bộ phận sinh dục hay bị ngứa hoặc bị nấm âm đạo tái diễn. Nếu mới ở giai đoạn đầu, thường các các triệu chứng ít gặp hơn như hay bị chuột rút, táo bón, nhìn mờ và nhiễm trùng da tái diễn. Khi ở giai đoạn tiểu đường tupe 2, các triệu chứng có thể không được nhận ra trong nhiều năm liền, chỉ tới khi có biến chứng như loét chân hoặc nhìn mờ thì bệnh mới được chẩn đoán. Theo bác sĩ Nguyễn Trần Kiên, Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết TƯ, loét bàn chân là biến chứng thường gặp ở người đái tháo đường. Nguyên nhân gây loét là do bệnh tiểu đường gây tắc động mạch chân, gây hoại tử khô, sau đó nhiễm trùng gây hoại tử ướt. Khoảng 10 - 30% bị loét bàn chân bị cắt chi; nhưng cũng không giải quyết được triệt để bởi tỉ lệ tái cắt chi và nguy cơ tử vong sau khi cắt sẽ cao.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi bệnh đái tháo đường được phát hiện sớm để thực hiện việc điều trị, bạn sẽ có nhiều khả năng tránh được nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này. Trong khi đó, 75,5% số người được hỏi đều có kiến thức rất thấp về bệnh này. Để kiểm soát và điều trị bệnh tốt cần phải có thái độ bình tĩnh để sắp xếp lại mọi sinh hoạt, thói quen ăn uống… và cách sống phù hợp với tình trạng bệnh. Người bệnh nên sống năng động hơn, không nên ngồi một chỗ suốt ngày. Mỗi ngày nên dành từ 30 – 45 phút để đi bộ. Ngoài ra có thể chơi các môn thể thao khác phù hợp với sức khỏe và cũng là một phương pháp điều trị không dùng thuốc hiệu quả cho bệnh nhân đái tháo đường.