Câu chuyện xúc động khi làm sách về Đại tướng?
(Giúp bạn)
Những người viết sách về Đại tướng chắc cũng có nhiều kỷ niệm về người khi làm công việc đầy ý nghĩa này. Em cũng muốn tìm hiểu sâu về vấn đề này để chuẩn bị cho một bài viết của riêng em. Mong mọi người giúp đỡ e tìm kiếm thông tin xung quanh vấn đề này với.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là nguồn cảm hứng cho quân đội, nhân dân ta trong suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người còn là nguồn cảm hứng cho những trang sách gửi lại thế hệ sau một tinh thần, một trí tuệ, một nhân cách lớn.
Tiểu thuyết “Không phải huyền thoại” của nhà văn Hữu Mai.
Phải nói sách xuất bản về Đại tướng của chúng ta không ít, nhưng gần đây nhất, vào dịp ông hưởng đại thọ 100 tuổi, đồng loạt xuất hiện nhiều tác phẩm giá trị tái hiện lại chân dung một con người văn - võ toàn tài, gắn bó cả đời mình với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Có thể kể đến "Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam" do NXB Quân đội nhân dân giới thiệu năm 2010; cuốn "Võ Nguyên Giáp - Hào khí trăm năm" của NXB Trẻ năm 2011; cuốn "Ở với Người, ở với Đời" của NXB Thời đại và Tạp chí Xưa và Nay in đầu năm 2012; dịch phẩm "Võ Nguyên Giáp" của nhà sử học Georges Boudarel do NXB Thế giới và Thái Hà Books ấn hành cuối năm 2012… Có những cuốn sách xuất bản trước đó như tiểu thuyết "Không phải huyền thoại" của Hữu Mai, NXB Trẻ ấn hành năm 2009 vẫn tiếp tục tái bản nhiều lần cho đến nay. Thậm chí, mới đây, Thái Hà Books - một đơn vị làm nhiều sách về Đại tướng cũng cho biết lực lượng biên tập viên đang dốc sức hoàn thành một cuốn sách ảnh ghi lại 100 sự kiện tiêu biểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bức ảnh của cậu bé đi viếng Đại tướng
Những ngày qua, trong đoàn người đi viếng Đại tướng, có một cậu bé được cha cõng trên lưng, tay ôm bức ảnh Đại tướng. Dễ nhận ra đây chính là bức ảnh được in rời, kèm trong cuốn "Võ Nguyên Giáp - Hào khí trăm năm" của tác giả Trần Thái Bình (NXB Trẻ ấn hành). Tác giả bức ảnh là bà Catherine Karnow - con gái một nhà sử học Mỹ chuyên nghiên cứu về Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ khẳng định: "Chúng tôi đã làm cuốn sách này rất công phu, thực sự rất công phu. Thậm chí, chấp nhận lỡ thời điểm phát hành để bảo đảm tối đa về chất lượng. Tôi dám khẳng định ở đây có khá nhiều thông tin mới về Đại tướng của chúng ta". Nhà văn, biên tập viên Nguyễn Trương Quý, người trực tiếp cùng các đồng nghiệp làm "bà đỡ" cho cuốn sách cũng chia sẻ: Thách thức đặt ra là với nguồn tư liệu trải rộng như vậy thì phải xử lý sao cho có điểm nhấn, mới mẻ. Chúng tôi chọn những câu nói của Đại tướng, những nhận định ấn tượng về ông hoặc những sự kiện tiêu biểu làm tiêu đề cho từng câu chuyện nhỏ ở mỗi chương. Ví như "Người sinh viên Luật có cái đầu bốc lửa", "Đôi mắt thông minh nhất mà tôi từng thấy", "Xin các đồng chí yên tâm. Chúng tôi có cách đánh của chúng tôi!"…
Bên cạnh đó, cuốn sách đặc biệt chú trọng yếu tố tâm hồn, đời sống, tình cảm của một vị Đại tướng trong lòng nhân dân. Trong tác phẩm có biên niên cuộc đời bên cạnh biên niên sử về sự nghiệp. Lần đầu tiên, những người làm sách cũng đưa vào sách trích gia phả của gia đình Đại tướng. Lúc đầu cũng có nhiều ý kiến cân nhắc về việc này, tuy nhiên tất cả đã đi đến thống nhất chung bởi lẽ qua những gian khổ, mất mát, hạnh phúc riêng tư của ông, chúng ta thêm hiểu và càng kính yêu Đại tướng.
Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử đầu tiên về Đại tướng
Nhắc đến những tác phẩm viết về Đại tướng, không thể không nhắc đến nhà văn Hữu Mai - người thể hiện 5 cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là: "Từ nhân dân mà ra", "Những năm tháng không thể nào quên"; "Chiến đấu trong vòng vây"; "Đường tới Điện Biên Phủ"; "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử".
Ở đây, chúng tôi nhấn mạnh tới tác phẩm "Không phải huyền thoại", được coi là cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử đầu tiên viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng những câu chuyện bên lề xúc động về cuốn sách do nhà thơ, nhà báo Hữu Việt - con trai nhà văn Hữu Mai kể lại.
Hữu Việt cho biết: "Cuốn tiểu thuyết được viết trong vòng 3-4 năm cuối đời của cha tôi và khi ông mất năm 2007 thì cuốn sách chưa ra đời. Tôi đã tìm thấy bản thảo tác phẩm này trong máy tính của cha, rồi nó được xuất bản lần đầu tiên ở NXB Quân đội nhân dân, sau đó đến năm 2009 được NXB Trẻ in lại và liên tục tái bản nhiều lần từ đó đến nay".
Cũng về cuốn tiểu thuyết trên, nhà thơ Hữu Việt còn cho biết: "Cha tôi, nhà văn Hữu Mai là người viết rất kỹ, thông thường những cuốn sách của ông kể cả những bộ tiểu thuyết đồ sộ như "Vùng trời", "Ông cố vấn" với hàng nghìn trang cũng đều được ông viết đi viết lại không dưới 3 lần: Từ khởi thảo, sửa lần một, lần hai, rồi trước khi đưa nhà in vẫn tiếp tục sửa và đến khi đọc bản bông lại sửa nữa. Với bản thảo "Không phải huyền thoại", nếu còn sống chắc chắn ông sẽ còn sửa cho đến lúc xuất bản. Tuy nhiên, sự chăm chút của ông với cuốn tiểu thuyết này cho đến tận phút cuối cùng trước khi phải rời nhà đi bệnh viện (mà một tháng sau đó thì ông mất) khiến tác phẩm đã hoàn chỉnh và cũng không phải can thiệp gì nhiều ngoài những yếu tố kỹ thuật. Sau khi cuốn tiểu thuyết ra đời, tôi và mẹ tôi mang tặng Đại tướng và phu nhân. Đại tướng nhận và viết một bức thư, như muốn để lại lưu bút, đại ý rằng: Anh Hữu Mai đã ra đi, nhưng những cuốn sách của anh sẽ còn ở lại!".
Chúng ta cũng tin rằng những cuốn sách về Đại tướng sẽ còn ở lại mãi mãi, ngay cả khi Đại tướng không còn hiện hữu bên ta nữa.
H.A