Có ai biết Thông tin về việc lây truyền bệnh viêm gan B không???
(Giúp bạn)
Xin hỏi cả nhà có ai biết gì về Viêm gan B không?
Ví dụ như: Tác hại, hậu quả có lớn lắm k? Con đường lây truyền, cách phòng tránh? Nếu phải thường xuyên tiếp xúc với người dương tính với viêm gan B (đồng nghiệp, người nhà) thì mình phải phòng tránh thế nào là tốt nhất? Có vacxin phòng ngừa không nhỉ? Và nếu có thì phải tiêm/uống ở đâu, và chi phí tiêm phòng khoảng bao nhiêu nhỉ?
Chân thành cảm ơn!
Gan là tuyến lớn nhất trong cơ thể, có trọng lượng trung bình từ 1,2 kg đến 1,6 kg và nằm ở góc trên bên phải xoang bụng.
Gan có tới hơn 500 nhiệm vụ khác nhau, trong đó có nhiều chức năng quan trọng trong sự tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng như là:
a- Gan tổng hợp mật, chứa trong túi mật trước khi đưa vào tá tràng. Mật giúp nhũ hóa chất béo tại tá tràng để diếu tố lipase của tụy tạng biến đổi dễ dàng hơn thành các acid béo và glycerol, là những chất sẽ được hấp thụ vào máu.
b-Gan là nơi quan trọng để chuyển hóa các chất dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, carbohydrat;
c- Gan điều hòa lượng đường glucose trong máu, biến đổi lượng glucose thặng dư thành glycogen để được dự trữ cho nhu cầu trong tương lai;
d- Gan loại bỏ các amino acid thặng dư bằng cách phân hủy chúng thành ammonia, urea và được thải ra ngoài;
e- Gan tạo hồng huyết cầu ở thai nhi và sản sinh protein trong huyết tương;
g- Gan tổng hợp các sinh tố A, B12, D và K;
h-Gan vô hiệu hóa các chất độc hại, tiêu hủy hồng cầu già và các chất bất lợi cho cơ thể như estrogen ở nam giới;
i-Gan tổng hợp các chất đông máu thiết yếu prothrombin, fibrinogen, heparin và các chất kháng đông.
Như vậy, có thể thấy rõ là gan có rất nhiều mối liên hệ với dinh dưỡng. Một rối loạn, tổn thương nào đó trong cấu trúc hoặc chức năng của gan đều đưa tới các hậu quả không tốt cho việc ăn uống, nuôi dưỡng cơ thể.
Gan là một trong số rất ít cơ quan có khả năng tái tạo các tế bào để thay thế những tế bào hư hao. Nhưng nếu sự hư hao quá lớn thì các chức năng của gan cũng bị suy yếu.
Với y học hiện đại, gan có thể được ghép từ người cho sang người nhận. Phẫu thuật ghép gan hiện nay đã có tỷ lệ thành công khá cao.
Bệnh của gan có thể là ung thư gan, xơ cứng gan, gan nhiễm mỡ, suy gan, viêm gan...
Viêm (inflamation) là một đáp ứng của cơ thể với một thương tích, bao gồm các dấu hiệu như đau, nóng, đỏ, sưng và mất chức năng của vùng bị tác động.
Viêm có thể cấp tính hay mãn tính. Cấp tính là đáp ứng bảo vệ tức thì của mô bào với các tổn thương gây ra do các tác nhân khác nhau như nhiễm trùng, hóa chất, vật lý...Viêm cấp tính thường kéo dài dưới 6 tháng. Khi tồn thương không lành được thì bệnh chuyển sang viêm kinh niên, kéo dài trên 6 tháng, có khi cả nhiều năm.
Trong bệnh viêm gan, tế bào gan bị tổn thương và hoại tử. Viêm gan thường do virus gây ra, nhưng cũng có thể do hóa chất độc như rượu, thuốc, vi khuẩn, nấm độc...
Viêm gan gây ra do virus là nhóm bệnh thấy ở khắp mọi nơi trên thế giới. Chúng thường có nhiều điểm tương tự về triệu chứng nhưng lại do các virus khác nhau gây ra. Mỗi loại virus gây ra một bệnh viêm riêng biệt, chứ không phải khi mắc viêm gan A rồi sau một thời gian sẽ chuyển thành viêm gan B, rồi thành C. Do đó việc chăm sóc và điều trị cũng khác.
Viêm gan B vẫn còn là mối quan tâm của mọi người.
Lý do là tỷ lệ mắc bệnh của người Việt tại Hoa Kỳ cao hơn so với các sắc dân khác. Cứ 10 người Mỹ gốc Á châu là có 1 người bị viêm gan B kinh niên.
tại Việt Nam, có từ 15% tới 20% dân chúng bị viêm gan B kinh niên. Những người này có thể truyền bệnh cho người khác mà đôi bên đều không hề hay biết.
Theo thống kê dịch tễ, trên thế giới có khoảng 2 tỷ người nhiễm viêm gan B, trong số đó gần 500 triệu người ở trong tình trạng viêm gan mãn tính. Riêng tại Hoa Kỳ, mỗi năm có trên 200,000 trường hợp bệnh này và trên 4000 tử vong vì các biến chứng của bệnh.
Bệnh viêm gan loại B (Hepatitis B) trước đây được gọi là viêm gan huyết thanh vì nhiều người cho rằng bệnh chỉ lây truyền khi tiếp nhận máu có nhiễm virus. Kết qủa các nghiên cứu trong những năm vừa qua chứng minh rằng virus viêm gan B còn có ở trong nước miếng, nước mắt, tinh dịch, nước tiểu, mồ hôi... của người bệnh. Bệnh cũng có thể lan truyền qua hoạt động tình dục
Virus gây bệnh có rất nhiều trong máu. Ra khỏi cơ thể, virus có thể sống 6 tháng trong không khí có nhiệt độ bình thường, và nhiều năm trong môi trường đóng băng. Tia cực tím, cồn, ether không đủ mạnh để tiêu diệt virus viêm gan B.cho nên viêm gan B dễ lan truyền hơn virus bệnh HIV- AIDS. Nhiệt độ 100ºC sẽ tiêu hủy virus trong vòng năm phút.
Cách lây truyền bệnh.
Trước thập niên 1960, nguyên nhân chính để truyền bệnh viêm gan B là tiếp nhận máu của người bị bệnh, đặc biệt là từ những người nghiện rượu thuốc dùng chung ống tiêm chích. Ngày nay, người cho, bán máu đều được thử nghiệm các bệnh nhiễm, cho nên máu tương đối an toàn.
Virus viêm gan B lan truyền bằng những cách sau đây:
- Sử dụng chung các vật dụng dính máu như kim tiêm, ống chích nhiễm virus khi người nghiện ma túy dùng chung.
-Xâm da, xỏ lỗ tai, châm cứu, với dụng cụ có nhiễm virus.
-Tiếp xúc tình dục với người bệnh mà không tự bảo vệ.
- Tiếp xúc, đụng chạm vào nước dịch, vào các vết thương trên da người bệnh.
-Dùng chung đũa bát, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, đồ cạo gió, dụng cụ cắt móng tay... với người mang bệnh.
-Từ mẹ sang con trong lúc sinh đẻ. Ðây là cách truyền bệnh viêm gan B phổ biến nhất ở một số quốc gia tại châu Á.
Những người sau đây đểu có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh:
-Người làm các công việc có tiếp xúc với máu hoặc dịch lỏng từ cơ thể người bệnh
-Người lọc máu khi bị thận suy.
-Người tiếp nhận máu. Mặc dù độ an toàn của việc lấy máu và truy!ên máu đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây, nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ nhiễm virus viêm gan B qua cách này.
-Nhân viên y tế, nhân viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhân viên phòng thí nghiệm... thường tiếp xúc với người bệnh viêm gan B.
Triệu chứng.
Thời gian từ khi nhiễm bệnh tới khi có triệu chứng kéo dài tới từ 1 tháng tới 6 tháng, trung bình là 2 tháng. Đây là thời kỳ bệnh lây truyền mạnh nhất.
Trên 50% trường hợp viêm gan B không có triệu chứng, nhất là ở trẻ em.
Một số bệnh nhân có các dấu hiệu tương tự như khi bị cảm cúm. Đó là mệt mỏi, ăn mất ngon, suy yếu cơ thể, ói mửa, nóng sốt, nhức đầu, đau nhức toàn thân, da mần ngứa, nước tiểu vàng, phân trắng, vàng da và tròng con mắt...
Trong các trưòng hợp thông thường, 90% bệnh nhân bình phục sau 6 tháng dù không được điều trị. Khoảng 10% bệnh nhân chuyển sang tình trạng mãn tính vì trong cơ thể còn nhiều siêu vi viêm gan B. Họ là nguồn gốc truyền bệnh đồng thời cũng có nhiều nguy cơ bị suy gan, xơ cứng và ung thư gan.
Xác định bệnh
Bệnh được xác định bằng thử nghiệm máu, siêu âm gan, CT Scan, sinh thiết tế bào gan.
a.Thử nghiệm kháng nguyên bề mặt (Hepatitis B surface Antigen -H BsAg):
Kết quả thử nghiệm dương tính (HBsAg(+) : cơ thể đang bị nhiễm bệnh. Kháng nguyên này tăng lên rất nhanh trong vòng 10 tuần lễ đầu sau khi mắc bệnh. Nếu cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng tốt thì kháng nguyên này giảm dần và hoàn toàn biến đi trong vòng 6 tháng. Bệnh nhân hồi phục và được miễn dịch với virus viêm gan B suốt đời.
Nếu kháng nguyên HBsAg tiếp tục tồn tại trong máu sau thời gian 6 tháng, bệnh chuyển sang tình trạng người lành mang virus viêm gan B mãn tính.
b. Thử nghiệm kháng thể bề mặt virus B (Hepatitis B surface Antibody–HBsAb)
. Thử nghiệm dương tính khi cơ thể đã có tính miễn dịch chống lại với khoảng 75% virus viêm gan B, vì siêu vi này có nhiều loại khác nhau.
c. Thử nghiệm kháng thể chánh viêm gan B (HBcAb) dương tính cho biết cơ thể đã tiếp xúc với virus viêm gan B.
đ. Thử nghiệm men gan ALT và AST: khi gan bị tổn thương các enzym này do gan sản xuất sẽ tăng lên rất cao trong máu.
Khi có thai, người mẹ nên thử nghiệm máu để coi có bị nhiễm viêm gan B hay không. Mẹ bị viêm gan B đều truyền bệnh sang con trong khi sanh và có tới 90% trẻ sơ sinh nhiễm viêm gan B sẽ bị bệnh viêm gan kinh niên.
Sinh thiết gan (liver biopsy) là thử nghiệm quan trọng để đánh giá sự hư hại của gan và góp phần quyết định việc điều trị.
Điều trị
Viêm gan cấp tính thường tự hết trong vòng 6 tháng dù không được điều trị.
Trong trường hợp viêm gan B mãn tính, sự điều trị có mục đích loại bỏ các virus còn lại trong cơ thể và phục hồi các chức năng của gan.
Có hai loại thuốc được chấp nhận để tiêu diệt virus viêm gan B:
a-Thuốc Interferon do bệnh nhân tự chích dưới da mỗi ngày một lần, trong vòng 4 tháng. Thuốc rất công hiệu: 40% bệnh nhân sẽ thuyên giảm hoặc hoàn toàn hết bệnh.
Hiện nay, có loại Interferon mới, chỉ cần chích mỗi tuần một lần.
Thuốc có nhiều phản ứng phụ như nhức đầu, đau mỏi bắp thịt, buồn nôn, chóng mặt, nóng sốt, buồn phiền...nhưng chỉ sau vài lần chích thì các khó khăn này giảm dần.
b-Thuốc viên uống Lamivudine (Epivir-HBV), Adefovir (Hepsera),Entecavir (Baraclude)...cần được dùng mỗi ngày một lần trong thời gian lâu hơn, có thể là từ 8 tới 12 tháng.
Việc dùng các loại thuốc này cần được bác sĩ ấn định và theo dõi.
Phòng ngừa
Viêm gan B có thể phòng ngừa bằng cách áp dụng các phương thức vệ sinh cá nhân, bằng cách đề phòng khi tiếp xúc với người có bệnh và bằng tiêm ngừa.
Việc tiêm ngừa được áp dụng cho mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em sơ sanh, và đặc biệt là những người có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh như nhân viên y tế, người có quan hệ tình dục bừa bãi, người đồng tính luyến ái.
Thuốc ngừa được tiêm làm 3 lần theo lịch trình tháng thứ nhất, thứ 2 rồi tháng thứ 6.
Mấy tuần lễ sau khi tiêm ngừa lần thứ nhất, cơ thể đã tạo ra kháng thể chống cự lại với virus viêm gan B. Cần tiêm ngừa đủ ba lần để được miễn dịch hoàn toàn với bệnh.
Thuốc chủng ngừa được sản xuất bằng một chất đạm lấy từ virus viêm gan B, nên rất an toàn và công hiệu. Hãn hữu lắm mới có phản ứng mạnh, còn bình thường chỉ hơi sưng đau ở chỗ tiêm.
Dinh dưỡng trong bệnh viêm gan
Trong bệnh viêm gan B, ngoài dược phẩm, sự điều trị lệ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn uống tốt và sự nghỉ ngơi của cơ thể.
Bệnh nhân thường có cảm giác đói bụng nhưng lại mất khẩu vị, biếng ăn. Do đó họ thiếu chất dinh dưỡng trong khi gan lại rất cần chất bổ để phục hồi và tái tạo các tế bào bị tổn thương.
Đôi khi người bệnh bị nôn ói sau khi ăn. Vì thế thực phẩm nên phân chia thành nhiều bữa nhỏ.
-Mỗi ngày cần khoảng 60 gram chất đạm với thịt động vật và rau trái.
-Không cần giới hạn chất béo trừ khi người bệnh không tiêu hóa được chất này.
-Chất béo từ sữa, trứng dễ tiêu hơn là từ món ăn chiên xào với mỡ hoặc lẫn trong thịt..
-Dùng carbohydrat vừa phải.
-Nên ăn nhiều rau, trái cây.
-Tuyệt đối không uống bia, rượu; tránh dược phẩm gây hại cho gan.
-Có thể dùng thêm sinh tố, khoáng chất nhưng nên giới hạn thực phẩm có nhiều chất sắt. Quá nhiều sắt gây tổn thương cho gan, tim, tụy tạng đồng thời cũng làm giảm công hiệu của thuốc Interferon.
Nếu bệnh nhân ói mửa quá nhiều sau khi ăn thì phải sử dụng phương pháp nuôi ăn bằng ống hoặc qua mạch máu.
Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức