Có ai dùng Dell Vostro 5460 chưa cho mình xin đánh giá với

16:18 07/11/2014

(Giúp bạn)

Mình định mua laptop tầm trung, con Dell Vostro 5460 giá cũng hợp lý 13,5 tr nhưng ko biết hiệu năng thế nào, có ai cho mình xin bài đánh giá được ko ?


Vostro là một thương hiệu máy tính nổi tiếng của Dell và đây cũng là dòng sản phẩm nhắm vào phân khúc các doanh nghiệp nhỏ của hãng điện tử Mỹ. Nhắc đến Vostro, chúng ta thường nhớ đến một thiết kế có phần vuông vức, sang trọng và rất doanh nhân, rất khác so với các dòng máy tính còn lại như Inspiron, XPS. Nối tiếp xu hướng máy tính mỏng nhẹ đang thịnh hành, hồi tháng 5 vừa qua, Dell đã chính thức ra mắt một thành viên mới được xem là mỏng và nhẹ nhất của gia đình Vostro từ trước đến nay với tên gọi Vostro 5460. Hôm nay thì mình đã có cơ hội dùng thử chiếc máy này và dưới đây xin gởi đến các bạn một vài cảm nhận.

Thiết kế:

Vostro_5460_04.


Dell Vostro 5460 được xếp vào dòng Ultrabook, vì vậy máy hiển nhiên có thiết kế mỏng theo những tiêu chuẩn do Intel đặt ra. Cái nhìn đầu tiên của mình về Vostro 5460 là một cái gì đó chắc chắn, không mỏng manh yếu ớt. Mặt ngoài nắp máy được ốp bằng nhôm phay xước khá tinh xảo, chính giữa là logo Dell sáng bóng. Mặt trong được làm bằng nhựa sần và tỉ lệ viền màn hình theo mình là khá hợp lý: viền màn hình 2 bên khoảng 1 cm, phía trên khoảng 1,5 cm do cần khoảng trống cho Webcam. Thành phần bằng nhựa này khiến màn hình nhẹ hơn, từ đó giúp màn hình không bị rung lắc khi chúng ta thao tác với bàn phím. Đáng tiếc là bản lề của máy lại được bọc nhựa thay vì kim loại, không được chắc chắn như một số Ultrabook sở hữu bộ vỏ nhôm toàn bộ. Thêm nữa, mặc dù là Ultrabook nhưng Vostro 5460 không "nhẹ" như lý thuyết. Với trọng lượng khoảng 1,5 kg, máy sẽ khá nặng nếu bạn cầm máy từ mặt bàn lên bằng một tay.

Dell Vostro 5460 có khá nhiều cổng kết nối tiêu chuẩn mặc dù có thiết kế mỏng. Bên cạnh trái chúng ta có 2 cổng USB 3.0, cổng cắm nguồn hình tròn nhỏ gọn và 1 khe đọc thẻ 3-in-1. Bên cạnh phải thì có thêm 1 cổng USB 3.0 nữa hỗ trợ Power Share, cổng HDMI tiêu chuẩn, cổng LAN RJ-45 và jack cắm tai nghe/mic combo. Cạnh sau là hệ thống tản nhiệt và mặt dưới phía trước là hệ thống loa với một chiếc Subwoofer.

Bàn phím & bàn rê:

Vostro_5460_13.


Bên dưới màn hình là khu vực bàn phím với layout phím tiêu chuẩn, thiết kế phím dạng chiclet không có đèn backlit. Chất liệu nhựa tương tự tiếp tục được sử dụng tại vỉ phím nhưng được làm mịn. Đây là đặc điểm thiết kế và chất liệu mà mình thích nhất trên chiếc máy này. Các phím bấm được bố trí rộng rãi, mặt phím được phủ nhám chống bám vân tay và tạo cảm giác gõ tốt hơn. Tuy nhiên, do có thiết kế tối giản nên một số phím chức năng quan trọng như Home/End được nhét chung vào các phím điều hướng và chúng ta phải sử dụng tổ hợp Fn để sử dụng, khá bất tiện đối với những ai thường xuyên soạn thảo văn bản. Thêm nữa, các phím bấm khá nông và kết cấu phím không ổn định khiến tốc độ gõ phím chậm đi khá nhiều. Mình viết bài đánh giá này trực tiếp trên Vostro 5460 và thật khó chịu khi phải liên tục sửa lại những chữ bị gõ sót/dính chữ do tình trạng flex của phím.

Nối tiếp bàn phím là khu vực chiếu nghỉ tay và bàn rê. Khu vực này lại sử dụng chất liệu kim loại tương tự nắp máy và theo mình thì kim loại cho phần chiếu nghỉ tay là lựa chọn tốt hơn cả bởi nếu sử dụng nhựa, qua thời gian lớp nhựa sẽ bay màu hoặc trầy xước, xuống cấp. Chính giữa khu vực này là bàn rê đa điểm lớn với kích thước khoảng 9,5 x 7 cm. Bàn rê có bề mặt nhám, 2 nút chuột trái phải được làm chìm tạo cảm giác liền mạch. Trừ ra kích thước của bàn rê, phần để tay mỗi bên còn khoảng 10 cm chiều ngang, rất thoải mái. Tuy nhiên, vì bàn rê nằm chính giữa, trong khi phím Space trên bàn phím lại nằm lệch sang bên trái nên thiết kế này vô tình tạo một cảm giác khó chịu khi sử dụng. Cụ thể, phần lòng bàn tay thường chạm vào bàn rê khiến con trỏ nhảy lung tung mỗi khi soạn thảo còn nếu những ai đã quen với thiết kế cân xứng, họ sẽ phải mất thời gian làm quen với bàn phím của Vostro 5460. Để ngăn lòng bàn tay tiếp xúc với bàn rê, mình dịch tay trái sang một chút nhưng như vậy lại khiến các ngón tay với xa hơn, hành trình phím xa khiến tay chóng mỏi. Thêm vào đó, do bàn rê nhám, ma sát lớn nên các thao tác như cuộn, vuốt khá nặng nhọc. Thiết nghĩ đây là một bất cập trong thiết kế của chiếc máy này.

Màn hình:

Vostro_5460_23.


Vostro 5460 có màn hình 14" đèn nền LED, công nghệ Truelife và độ phân giải 1366 x 768 px. Màn hình sáng và trong, cho chất lượng hiển thị tốt mặc dù độ phân giải không cao. Thêm vào đó, khi sử dụng ngoài trời, hình ảnh vẫn hiển thị rõ ràng, không bị chói nhiều. Màu sắc được thể hiện khá tốt với màu đen thì rất đen, không bị quá sáng. Tuy nhiên, nhược điểm lớn của chiếc màn hình này là góc nhìn. Khi sử dụng trực diện bình thường thì bạn có thể mở màn hình ra góc tối đa, khoảng 120 độ. Góc nhìn 2 bên khá hẹp trong khi từ trên xuống thì hầu như không thấy gì. Nói chung thì màn hình của Vostro 5460 chấp nhận được nếu đòi hỏi của bạn không quá cao.

Loa:

Vostro_5460_22.


Xưa nay với dòng máy Ultrabook, mình thích nhất hệ thống loa B&O của ASUS bởi âm thanh trong và độ chi tiết cao. Với Vostro 5460, Dell cũng chịu khó đầu tư khi trang bị thêm cho máy 1 chiếc Subwoofer (2W) bên cạnh 2 loa tích hợp (1,5 W x 2). Subwoofer đi kèm hỗ trợ khá tốt về mặt hiệu ứng trầm cho hệ thống loa 2.0. Mặt loa hướng xuống dưới tạo hiệu ứng cộng hưởng và khi nghe nhạc, chúng ta sẽ có cảm giác rung động âm thanh tại khu vực chiếu nghỉ tay. Mặc dù vậy, chất lượng âm thanh của hệ thống loa trên Vostro 5460 chỉ ở mức "thường thường bậc trung", không xuất sắc. Âm thanh thiếu chi tiết, bass kém, thiên về dãy âm cao nên trải nghiệm âm thanh trên chiếc máy này không khác nhiều so với một chiếc laptop bình thường.

Hiệu năng:

Chiếc máy mình dùng để đánh giá có cấu hình như sau:

System_Info.JPG

 

  • CPU: Intel Core i5 3427U thế hệ Core i 3rd (Ivy Bridge), xung nhịp 1,8 GHz
  • GPU: nVidia GeForce GT 630M, 2 GB VRAM + Intel HD Graphics 4000
  • RAM: DDR3 4 GB bus 1600 MHz
  • HDD: 500 GB 5400 rpm + 8 GB bộ đệm SSD.
Windows_Exp_Index.JPG

Hệ thống đánh giá Windows Experience Index cho thấy Vostro 5460 có điểm hiệu năng CPU cao nhất với 6,9 điểm, các điểm khác như bộ nhớ tạm thời (RAM), tốc độ ổ cứng, hiệu năng xử lý 3D đều khá cao, xấp xỉ 5,9 đến 6,1 điểm. Riêng điểm hiệu năng đồ họa Desktop chỉ 4,8 và căn cứ theo thang điểm thấp nhất, WEI cho Vostro 5460 4,8 điểm. Do Vostro 5460 tích hợp cả 2 card: onboard Intel HD Graphics 4000 và nVidia GeForce GT 630M nên có thể WEI chỉ chấm điểm dựa trên hiệu năng card onboard ở chế độ không tải.

CrystalDisk_Mark.JPG
Benchmark ổ cứng bằng CrystalDisk Mark, tốc độ đọc của ổ cứng khoảng 100 MB/s trong khi tốc độ ghi đạt 96,84 MB/s.

 

3DMark_11.JPG


Thử nghiệm với 3DMark 1, Vostro 5460 đạt 998 điểm Graphics và 1119 điểm hiệu năng tổng thể với thiết lập cấu hình tiêu chuẩn. Đây là một mức điểm khá đối với một chiếc máy giải trí với card đồ họa rời tầm trung GeForce GT 630M.

Cinebench.JPG


Tương với bài thử nghiệm Cinebench, bài test OpenGL đạt 26,40 khung/giây và điểm xử lý CPU đạt 2,37 điểm.

Nhìn chung về khả năng đồ họa thì Vostro 5460 hoàn toàn có thể đáp ứng những nhu cầu giải trí trung bình như xem phim HD, chơi các game không quá nặng hoặc vẫn chơi được game nặng nhưng với thiết lập cấu hình thấp. Nếu muốn chơi những game với thiết lập đồ họa cao nhất thì dĩ nhiên Vostro 5460 không phải là một sự lựa chọn phù hợp.

PCMark_07.JPG


Ngoài đánh giá năng lực đồ họa, mình cũng benchmark hiệu năng tổng thể của máy với PCMark 7. Vostro 5460 đạt điểm số khá cao với 3525 điểm.

Pin & nhiệt:

Vostro 5460 được trang bị pin 3-cell nhưng do sử dụng vi xử lý Intel Core i5 3427U - một dòng chip tiêu thụ điện năng thấp nên thời lượng pin của máy lên đến 5 tiếng ở độ sáng màn hình 100%. Mình sử dụng máy để viết bài, lướt web, nghe nhạc thử loa, và nhiều tác vụ làm việc khác ở độ sáng màn hình 60% - 70% từ 10h30 sáng thì đến 1h chiều pin vẫn còn khoảng 50%. Vì vậy, có thể nói thời lượng pin thực tế và theo thông số sản xuất khá tương đồng.

Về nhiệt độ, Vostro 5460 là một chiếc máy vận hành rất mát mẻ. Đo bằng phần mềm Speccy, nhiệt độ CPU ở chế độ không tải luôn ở khoảng 50 - 55 độ C trong khi nhiệt độ GPU nVidia khoảng 39 - 40 độ. Thêm vào đó, với công nghệ tản nhiệt Intel Hyperbaric Cooling, luồng khí mát được lấy từ bên ngoài vào máy qua bàn phím để làm mát phần cứng và khí nóng được đưa ra hệ thống tản nhiệt ở cạnh sau máy. Qua đó, hạn chế tối đa tình trạng nóng cục bộ và thực tế là mình đã sử dụng máy ngoài trời nhưng rất thoải mái.

Kết luận:

Nếu xét về mặt hiệu năng thì đây là một chiếc máy khá toàn diện về khả năng đáp ứng nhu cầu làm việc lẫn giải trí. Mặc dù vậy, thiết kế của máy vẫn còn vài nhược điểm, ảnh hưởng ít nhiều đến trải nghiệm tổng thể. Với mức giá gần 13,5 triệu thì Vostro 5460 là một sự lựa chọn khá hợp lý nếu bạn không đòi hỏi quá cao. Mình xin tóm lược một số ưu nhược của Vostro 5460:

Ưu điểm:

  • Thiết kế đơn giản, cứng cáp;
  • Hiệu năng tốt;
  • Thời lượng pin khá.

Nhược điểm:

  • Bàn phím bàn rê chưa hợp lý;
  • Góc nhìn màn hình hẹp, phân giải thấp.

Comments