Có phải càng ít ngủ càng dễ phì không?
(Giúp bạn)
Có phải càng ít ngủ càng dễ phì không?
Nhưng số đối tượng này sở dĩ sụt cân nhanh sau mấy đêm trăn trở là vì chuyện mất ngủ xảy ra bất ngờ khiến tuyết giáp “rồ ga” đốt sạch chất mỡ dự trữ từ tình cảnh gia chủ lo lắng tính toán suốt đêm trường.
Nếu vì thế rồi tưởng ngủ càng ít càng dễ sụt cân thì hố nặng. Thường khi trái lại mới tức cành hông cho người vừa khổ vì thắm da thắm thịt vừa buồn vì thiếu… ngủ! Các nhà nghiên cứu ở Đức đã chứng minh mối liên hệ mật thiết giữa chuyện thiếu ngủ và tình trạng béo phì do rối loạn nội tiết tố.
Cảm giác thèm ăn, nhất là mê ăn món ngọt, món béo, bội tăng đến mức ngoài vòng kiểm soát nếu gia chủ không ngủ thật sâu trong 4 giờ đầu. Khi đó lượng nội tiết tố leptin, chất có nhiệm vụ phong bế cảm giác thèm ăn, giảm sút đến mức thiếu hụt trầm trọng, trong khi chất đối kháng có tên là ghrelins, chất làm đói bụng cồn cào, sớm muộn cũng chiếm thế thượng phong.
Gia chủ vì thế giật mình khi mới canh hai vì đói đến độ mơ thấy nhà hàng buffet cạnh bên giường. Phần lớn trong số họ cách mấy cũng tìm cách ăn khuya, tất nhiên ăn vụng! Đã vậy vì ngon miệng nên thường ăn… hết!
Nói có sách, mách cũng phải có chứng. Kết quả của một công trình nghiên cứu kéo dài 16 năm với sự tham gia của gần 70.000 phụ nữ ở xứ không bao giờ thiếu bia và món giò heo nướng giòn da cho thấy, người càng ngủ ít càng dễ tăng cân.
Đáng nói là tình trạng này vẫn xảy ra cho dù nạn nhân ăn uống kiêng cử và thậm chí không quên vận động! Điều đó cho thấy giấc ngủ quan trọng hơn cả chế độ dinh dưỡng nếu giữ thể trọng trong định mức khỏe mạnh.
Đáng nói hơn nữa, cũng theo các nhà nghiên cứu, giấc ngủ của người dân ở các quốc gia được tiếng văn minh tiên tiến, ở các thành phố công nghệ với nhịp sống căng thẳng, đã giảm không dưới hai giờ đồng hồ trong thập niên vừa qua và chắc chắn sẽ tiếp tục bị xén trong thận niên trước mắt. Không lạ gì nếu tình trạng béo phì đang và sẽ tiếp tục là áp lực trên sức khỏe của cư dân chốn thị thành, theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Thực trạng đó càng nhanh chân hơn nữa nếu nạn nhân của chuyện ngủ xong còn thèm lại:
- Uống nước không đủ trong ngày khiến tạp chất, phế phẩm không được bài tiêt qua đường tiết niệu.
- Lạm dụng thuốc kháng viêm, giảm đau thay vì ưu tiên cho các phương pháp khác dùng thuốc.
- Thân thiện với thuốc lá, rượu bia thay vì cương quyết nói không để lá gan được dịp xả hơi.
Báo cáo của chuyên gia về bệnh do béo phì trên thực tế chỉ là tiếng kêu báo động được lập lại nhiều lần. Người ta đã biết từ lâu là phế phẩm được bài tiết nhanh hơn trong giấc ngủ, thực bào và kháng thể được tổng hợp nhiều hơn khi gia chủ “ngáy o o”, tiến trình thoái biến chất béo được gia tốc khi chủ nhà “hết biết trời đất”, lá gan hoạt động hiệu quả hơn nếu “chuyến tàu đêm chạy suốt đến sáng”. Nhờ giấc ngủ ngon nên gia chủ có ngoại hình thấy mà mê, thay vì thấy mà ớn!
Thêm một dẫn chứng, ai cũng biết “ăn được ngủ được là tiên”. Đâu thấy hình nào vẽ tiên béo phì? Biết đâu tiên đẹp đến thế nhờ tiên đêm nào cũng ngủ thật ngon?