Con trai có nên ở rể không?
(Giúp bạn)
Mình là dân tỉnh lẻ, học xong rồi xin việc làm và ở lại luôn Hà Nội. Mình chuẩn bị cưới vợ. Bố mẹ cô ấy ngỏ ý muốn mình về ở rể vì nhà có mỗi cô con gái. Mình không biết giờ phải thế nào vì có nhiều ý kiến trái chiều từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp trong công ty quá nên mình không biết phải làm sao. Mong anh chị trong chuyên mục hỏi đáp cho mình lời khuyên nhé. Cảm ơn chuyên mục rất nhiều.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và chia sẻ tâm sự cùng chuyên mục. Để giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn về việc ở rể, chuyên mục hỏi đáp sẽ phân tích các khía cạnh của vấn đề này một cách cụ thể và mong rằng qua đó, bạn sẽ có câu trả lời cho riêng mình.
Trước kia, bất kỳ chàng trai nào cũng xua tay, lắc đầu khi nhắc đến chuyện ở rể. Bất đắc dĩ lắm người đàn ông mới nhờ vả gia đình vợ. Tuy nhiên, quan niệm ở rể ngày nay đã khác trước nhiều, các chàng trai không còn quá e ngại chuyện này. Không ít người có định kiến cho rằng ở rể sẽ bị coi thường, người đàn ông “lép vế” so với vợ và chịu thiệt trong các vấn đề của cuộc sống. Trên thực tế, các gia đình thường quý trọng những chàng trai sẵn sàng ở nhà vợ. Điều này xuất phát từ tâm lý “dâu là con, rể là khách”, họ cố gắng để con rể cảm thấy vui vẻ và thoải mái khi sống trong nhà. Hơn nữa, các thành viên cũng chú ý cư xử và sinh hoạt làm sao để tránh người ngoài đánh giá không hay bởi xã hội ít nhiều vẫn chú ý đến gia đình có con rể ở cùng.
Nhiều cặp vợ chồng đã lựa chọn sống chung với gia đình nhà vợ bởi nhiều lý do. Chủ yếu do nhà gái ít người nên muốn con cháu xum vầy, hoặc nhà bố mẹ vợ thuận tiện công việc của hai vợ chồng, ông bà muốn tạo điều kiện tốt để chăm sóc con cháu... Trong trường hợp của bạn, việc chuyển về ở cùng bố mẹ vợ sẽ làm họ và chính bạn yên tâm hơn vì bạn thường xuyên phải đi công tác xa trong khi vợ đang có bầu. Đó là quyết định vẹn cả đôi đường.
Tuy nhiên, ở rể cũng có nhiều bất tiện. Có thể nhà vợ quý mến và đối xử tốt với bạn nhưng về lâu dài, không ai có thể khẳng định rằng sẽ tránh được những xung đột phát sinh. Ví dụ, bạn sẽ phải về sớm nếu “la cà” với bạn bè vì về muộn cũng khó xử với bố mẹ vợ; anh em, bạn bè đến chơi cũng không thoải mái, tự nhiên ăn nhậu; sau này vợ bạn sinh em bé, bố mẹ và họ hàng bên nội ra chơi muốn ở lâu với cháu cũng không tiện... Vì vậy, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng các khía cạnh để chọn cho mình quyết định hợp lý nhất.
Nếu lựa chọn sống chung với gia đình vợ, bạn cũng nên lưu ý vài điều sau để cân bằng mối quan hệ trong nhà:
- Không nên ba hoa, tự cao tự đại dù bạn có hiểu biết đến đâu, cần thể hiện sự khiêm tốn với bố mẹ và họ hàng nhà vợ.
- Bình tĩnh suy xét vấn đề khi có bất cứ xung đột nào phát sinh giữa bạn và bố mẹ vợ, tránh to tiếng vì nó chỉ làm mọi chuyện căng thẳng hơn. Bạn có thể bàn bạc với vợ để tìm cách tháo gỡ tốt nhất.
- Chứng tỏ mình là thành viên trong gia đình qua sự quan tâm đến công việc nhà, giúp đỡ bố mẹ vợ những việc vặt. Tuy nhiên, đừng đi quá sâu vào vấn đề riêng của nhà vợ nếu bạn không muốn bị đánh giá là kẻ soi mói.
- Vợ chồng nên góp ý nhẹ nhàng với nhau trên tinh thần thiện chí khi xảy ra mâu thuẫn, không nên nhắc đến những vấn đề nhạy cảm của nhà vợ trong lúc tức giận vì bạn sẽ đánh mất nhiều thứ mà không thể lấy lại.
- Khi có quyết định quan trọng và ảnh hưởng đến cả gia đình, bạn nên hỏi ý kiến mọi người trước khi thực hiện.
Với những phân tích ở trên, hi vọng bạn đã có đáp án cho câu hỏi của mình. Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, hòa thuận, êm ấm, hạnh phúc.
HV