Của hồi môn nên để ai giữ?
(Giúp bạn)
Xin chào chuyên mục. Em sắp cưới chồng, Em được bố mẹ, anh chị và người thân cho một số tiền và nữ trang kha khá. Hôm trước, mẹ chồng cũng đưa em đi sắm đầy đủ nữ trang. Gia đình chồng em cũng đã sửa sang, sắm sửa tươm tất cho phòng riêng của chúng em. Chồng em thì muốn đưa mẹ chồng vì bố mẹ đã bỏ ra khá nhiều tiền cho chuyện cưới xin của 2 vợ chồng, mọi người thì khuyên em không nên đưa cho mẹ chồng mà tự giữ. Bây giờ em không biết phải làm sao, chuyên mục có thể tư vấn giúp mình của hồi môn nên để ai giữ được không? Mình cảm ơn
Bạn gái thân mến! Đầu tiên, cảm ơn bạn đã tin tưởng và giày bày tâm tư của mình với chuyên mục.
Tâm sự của bạn cũng là băn khoăn của rất nhiều nàng dâu tương lai. Xung quanh món đồ hồi môn là hàng trăm câu chuyện, hay dở đủ cả, khen chê cũng không ít.
Từ lâu, nhiều người vẫn cho rằng con gái về nhà chồng ít nhiều cũng phải có của hồi môn không thì sẽ bị nhà chồng coi thường. Chính vì thế, nhiều gia đình dù kinh tế còn eo hẹp cũng cố chạy vạy lo của hồi môn cho con gái vì muốn con được đẹp mặt với nhà chồng và bằng bạn bằng bè xung quanh. Từ đây, vấn đề của hồi môn sau đám cưới cũng trở thành vấn đề đáng lưu tâm hơn chúng ta hằng tưởng. Quản lý, cất giữ của hồi môn ra sao cho hợp lý, vừa lòng cả hai bên gia đình?
Cô dâu mới về nhà chồng có nhiều bỡ ngỡ, kỹ năng quản lý tài chính còn kém. Vì thế, việc quyết định sử dụng, cất giữ của hồi môn cũng là vấn đề lớn. Hơn nữa, đây cũng là vấn đề nhạy cảm. Gửi tiền cho mẹ đẻ hoặc mẹ chồng, được lòng mẹ đẻ thì dễ mất lòng mẹ chồng, được lòng nhà chồng lại thấy có lỗi với nhà ngoại. Vì thế, nhiều cô dâu chọn phương án gửi tiền, vàng được cho vào ngân hàng làm “quỹ đen” phòng thân, không những an toàn mà lại sinh lời. Họ cho rằng, của hồi môn được bố mẹ cho tức đã là tài sản của mình, họ có quyền định đoạt, kiểm soát chúng. Là con gái, sau này phải chăm sóc con cái, nên cũng có những chuẩn bị riêng để đối phó với những bất ngờ không hay có thể xảy ra. Tuy nhiên, phương án này không phải lúc nào cũng an toàn, thậm chí còn là nguyên nhân gốc rễ phá vỡ hạnh phúc gia đình. Tốt hơn hết, bạn nên lựa đúng thời điểm, và căn cứ vào tính cách của chồng, mẹ chồng để nói cho họ biết rằng bạn đã đem gửi tiền vào ngân hàng, và lý do của sự lựa chọn đó. Nếu họ hiểu, họ sẽ tôn trọng quyết định của bạn!
Một số cô dâu được cho là khôn khéo, tinh tế hơn khi đã tính tới chi phí đám cưới, hoàn cảnh gia đình hai bên. Họ quan niệm, của hồi môn đó mình không làm ra, đó là tiền của ba mẹ mình và ba mẹ chồng để dành mới có được. Vì thế, số nữ trang bên ngoại cho thì gửi lại mẹ đẻ, phần nhà chồng trao trong đám cưới thì đưa hết cho mẹ chồng giữ. Hoặc, sau khi bàn bạc, hai vợ chồng sẽ gửi lại số của hồi môn theo tỷ lệ chi phí hai bên đã chi ra trong đám cưới. Phương án này làm vui lòng cả hai bên, và chồng cũng thấy thoải mái.
Trong trường hợp của bạn, để tránh những căng thẳng không cần thiết, bạn có thể gửi lại mẹ chồng phần gia đình chồng đã cho bạn. Bạn nên tỏ rõ quan điểm, những băn khoăn của bản thân với phần hồi môn còn lại đối với chồng. Thay vì gửi mẹ đẻ giữ vàng, bạn nên cân nhắc phương án gửi phần lớn vào ngân hàng, và giữ lại một phần nhỏ chi tiêu, hoặc cùng chồng lên phương án đầu tư, kinh doanh trong thời kỳ chưa đi làm. Dù “xử lý” của hồi môn ra sao, bạn cũng đừng quên bàn bạc với ông xã, và nhớ rằng bạn có quyền định đoạt khoản vốn nhỏ này của mình! Trầu Cau tin rằng, nếu chồng yêu thương và hiểu bạn, anh ấy sẽ tôn trọng ý kiến của bạn!
Cuối cùng, mong bạn không quên rằng của hồi môn trong ngày vu quy cũng nhằm mục đích tốt đẹp là hỗ trợ số vốn cho đôi uyên ương. Vì thế, đừng để đồng tiền điều khiển tình yêu và hôn nhân bạn nhé!
HV