Đánh giá chi tiết Lenovo K900 có gì nổi trội và khác biệt?

16:17 07/11/2014

(Giúp bạn)

Đánh giá chi tiết Lenovo K900 có gì nổi trội và khác biệt?


Tinhte_lenovo K900_00


Sau một vài tuần sử dụng thực tế thì cảm nhận về chiếc Lenovo K900 cũng không thay đổi nhiều so với những cảm giác ban đầu khi mình mới trên tay. Nhìn chung đây là một lựa chọn khá tốt nếu bạn cần cho mình một chiếc máy có màn hình to, mỏng nhẹ để sử dụng. Nếu lấy tiêu chí cấu hình để phân loại thì gần như không có chiếc điện thoại thứ hai sử dụng BXL Intel Atom Z2580 hai nhânClover Trail+, chính vì thế chúng ta có thể bỏ qua tiêu chí này mà quan tâm nhiều hơn về những trải nhiệm thực tế. Tất nhiên, K900 cũng có những điểm mạnh, điểm yếu mà bạn cần tham khảo trước khi quyết định lựa chọn hay không. Vậy điểm mạnh yếu của K900 là gì? mời bạn theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Thông số kỹ thuật

  • OS: Android 4.2.1 (Jelly Bean)
  • Màn hình: 5,5" độ phân giải 1920 x 1080, tấm nền AH-IPS, có thể chạm bằng găng tay hoặc bút
  • CPU: Intel Atom Z2580 hai nhân, xung nhịp 2GHz, hỗ trợ siêu phân luồng
  • GPU: PowerVR SGX 544MP2
  • RAM: 2GB
  • Bộ nhớ trong 16GB, không hỗ trợ thẻ nhớ gắn ngoài
  • Camera chính: 13 megapixel, cảm biến Sony Exmor R, ống kính f/1.8
  • Camera phụ: 2 megapixel
  • Pin: 2500mAh
  • Kết nối: Bluetooth 4.0, Wi-Fi a/b/g/n, jack tai nghe, microUSB, GPS
  • Bộ nhớ trong/Thẻ nhớ: 16GB, KHÔNG hỗ trợ thẻ microSD
  • Kích thước: 157 x 78 x 6,9mm
  • Trọng lượng: 162g

Phần cứng: Thiết kế - Kích thước

Trước tiên phải nói K900 có một thiết kế đẹp, hầu hết ai mới nhìn qua đều khen cả. Thiết kế mỏng nhưng cứng cáp, chất liệu kim loại làm tôn thêm vẻ mạnh mẽ cho máy. Máy vuông thành sắc cạnh với nhiều đường cắt thẳng, tuy nhiên ở mặt dưới của cạnh viền thì được bo tròn để người dùng đỡ bị khó chịu và không bị cấn tay trong quá trình sử dụng, nếu không bo tròn thì có lẽ sẽ giống với Xperia Z được làm bằng kim loại. Thực tế cầm trên tay đúng là không khó chịu, cảm giác hoàn toàn khác với Xperia Z, có phần giống với cảm giác cầm Xperia Z Ultra hơn, không cấn tay. Trọng lượng 162 gram của máy lại không gây cảm giác nặng khi cầm trên tay, có lẽ do trong thâm tâm mặc định máy to như thế là sẽ nặng vì thế khi cầm thấy nhẹ hơn dự tính nên chúng ta thấy hụt tay.

Tinhte_ Lenovo K900_01 

Thiết kế tổng thể thì ổn rồi, còn chi tiết thì sao? phần này Lenovo không làm tốt. Chỉ cần nhìn mặt trước là bạn có thể thấy các chi tiết đã được sắp xếp không cân đối, viền trên dưới màn hình có nhiều vị trí dư thừa. Cạnh dưới màn hình với 3 phím cảm ứng được đặt lệch lên trên, sát với màn hình chứ không phải chính giữa khoảng trống, tạo cảm giác dư thừa ở đây, cạnh trên cũng tương tự và được Lenovo lấp đầy bằng logo của hãng, không ăn nhập mấy với tổng thể. Hai viền màn hình trái phải cũng có khá dầy, tuy nhiên do màn hình kích thước lớn nên ở đây có thể tạm chấp nhận được. Do Lenovo muốn duy trì độ mỏng nên phải hi sinh kích thước khá nhiều, so sánh với một chiếc máy khác cùng có màn hình 5,5” là LG Optimus G Pro: K900 mỏng hơn khá nhiều với chỉ số 6,9mm so với 9,4mm, tuy nhiên nó lại to hơn với kích thước 157mm x 78mm so với 150,2mm x 76,1mm của G Pro.

Tinhte_ Lenovo K900_10 

Khung viền của máy làm bằng nhựa polycarbonate cao cấp giống trên các sản phẩm của Nokia, sơn phủ giả kim loại, nếu không để ý kĩ thì bạn cũng không nghĩ đây là nhựa đâu. Nó khá là đẹp và liền lạc. Khung viền bao bọc lấy toàn bộ màn hình và có phần nhô cao hơn một chút, thiết kế này để đảm bảo rằng dù bạn có úp mặt điện thoại xuống bàn thì mặt kính cũng không bị chạm. Mặt sau máy chia 3 phần khá rõ với ràng với nắp lưng kim loại lớn, 4 góc được bắt vít. Các vít này giống như để trang trí và tăng thêm vẻ nam tính cho máy nhiều hơn là để giữ nắp kim loại. Mình đã thử tháo 4 vị trí này ra nhưng cũng không tháo nắp sau ra được, hướng dẫn tháo máy cho thấy muốn khám phá bên trong thì bạn cần khò và nhấc màn hình ra chứ không phải tháo từ đằng sau. Các chi tiết trên khung viền được làm khá tốt, giắc cắm tai nghe có vòng kim loại, còn cổng microUSB thì được làm rất tốt, HTC One cũng có viền nhựa nhưng nó không được làm đẹp như trên K900 này.

Tinhte_ Lenovo K900_05 

Trong trường hợp bạn thích vân kim loại của nắp sau như mình thì có thể lựa chọn giải pháp dán keo trong để bảo vệ nó, hoặc có thể liên hệ khacten.com để thiết kế 1 miếng da vừa ý. Nắp kim loại này đẹp nhưng lại khá dễ trầy, sử dụng một thời gian là xuống màu và rất nhiều vết trầy nhỏ nhỏ xuất hiện. Còn một điểm nữa đó là có vẻ như nó sẽ bị oxi hoá do mồ hôi tay của bạn, lúc đó chỗ đen chỗ sáng, rất là xấu mà khó chịu, vì thế trong quá trình dùng bạn cần lau chùi thường xuyên, đặc biệt là ở hai cạnh nơi mà tay nắm vào.

 / 6



Màn hình

Kích thước lớn là điểm yếu nhưng màn hình lớn lại là điểm mạnh. K900 có màn hình kích thước 5,5” độ phân giải FullHD, màn hình này sử dụng công nghệ IPS cho chất lượng hiển thị khá tốt. Xem film, lướt web hay đọc sách đều rất thích. Bạn cũng có thể thao tác ngay cả khi đang đeo găng tay, tất nhiên là găng tay vải thôi, chứ loại dày thì mình chưa thử.

Màn hình này không hoàn hảo, tuy cùng công nghệ với màn hình của Oppo Find 5, cũng là một chiếc máy cùng tầm giá mà mình đã có bài đánh giá tại đây, nhưng nó lại thua ở vài điểm. Đầu tiên là về màu sắc, màn hình IPS cho của K900 chất lượng hiển thị tốt nhưng màu sắc có vẻ kém hơn Find 5. Điểm mình không thích ở màn hình này đó chính là độ sáng, độ sáng không cao và khó nhìn khi sử dụng máy ngoài trời. Sử dụng máy trong phòng hay nơi râm mát thì cũng không vấn đề gì lắm, nhưng ở ngoài trời nắng (như khi đi đường chẳng hạn) thì đọc nội dung rất khó chịu.

Tinhte_ Lenovo K900_11 

Phần mềm - Camera

Cấu hình tốt, thiết kế tốt, nhưng phần mềm của K900 thì Lenovo làm không tốt. Trước tiên là giao diện hơi xấu, có phần không hài hoà với thiết kế mạnh mẽ của máy. Thực sự thì mình không thích các icon mặc định của Lenovo chút nào, đây hoàn toàn là cảm nhận cá nhân, và vì thế mình thích dùng Nova Launcher với 1 bộ icon mới hoàn toàn. Việc Lenovo gom chung cả phần điện thoại và tin nhắn vào chung một phần mềm cũng gây đôi chút khó chịu cho người dùng. Không phải ai cũng thích cái trình sms mặc định và thường người ta sẽ cài thêm phần mềm của nhà phát triển khác, tuy nhiên khi cài thêm như vậy thì sẽ bị đụng thông báo và chưa khắc phục được.

Camera cũng là một phần gây khó chịu cho người dùng, ngoài tính năng chụp mặc định thì các tính năng và hiệu ứng kèm theo trong Super Camera của K900 rất khó sử dụng. Ví dụ như việc chụp HDR thì bạn cần phải giữ máy cố định trong 2 đến 3 giây để máy thao tác và mất thêm khoảng 2 giây nữa để nó lưu file hình lại. Tương tự như tính năng chụp panorama, bạn cần di chuyển máy và mỗi bước di chuyển thì lại phải dừng 2 giây để máy chụp, chụp xong một tấm panorama mất khoảng hơn 20 giây. Chưa bàn về chất lượng hình ảnh vì mình sẽ nói đến nó ở phần dưới đây.

Tinhte_ Lenovo K900_camera_01 

Vậy phần mềm có cái gì ngon không? Cũng có, K900 có trình radio, có phần mềm đồng hồ với giao diện khá đẹp. Đặc biệt là phần mềm Lenovo Power, trình quản lý pin riêng, trong đây bạn sẽ có đầy đủ các thông số về mức tiêu thụ pin của các phần mềm cũng như các thành phần phần cứng. Phần mềm này cũng có phần tuỳ chỉnh để thiết lập máy sang chế độ tiết kiệm pin, trong trường hợp bạn cần dùng tính năng này. Ngoài Lenovo Power thì K900 còn được cài sẵn trình quản lý file và đặc biệt là máy có khả năng đọc USB, tất nhiên là bạn phải sử dụng 1 sợi cable USB On-To-Go để chuyển từ cổng microUSB sang cổng USB thường. Khả năng này giúp cho việc mở rộng không gian lưu trữ được thoải mái hơn, bạn có thể chép film, chép dữ liệu vào usb và cắm vào K900 sử dụng bình thường.

Tinhte_ Lenovo K900_camera_02 

Không có chuyện chip Intel kén phần mềm, tất cả các phần mềm mình cài từ Google Play đều có thể chạy được bình thường. Do không thể thử hết tất cả các phần mềm nên thôi dự tính là khoảng 97% các phần mềm trên Google Play là có thể hoạt động tốt trên K900.

 / 3


Chất lượng camera

Hãy coi loạt hình dưới đây và bạn cũng sẽ có được những nhận xét của riêng mình, trong trường hợp bạn muốn coi file gốc thì có thể truy cập vào đây (Link). Nhìn chung tuy cũng sử dụng cảm biến Exmor RS của Sony nhưng chất lượng hình của K900 không bằng Find 5, có thể do phần mềm làm chưa tốt. Hình ảnh có độ chi tiết tuy nhiên nhạt màu và không nổi bật. Trong chế độ chụp tự động thì camera focus nhanh, bắt sáng tốt tuy nhiên lại không ổn định, lúc đẹp lúc xấu. Máy chụp close up rất khá, ngoài ra chụp với flash cũng tốt chứ không bị loá. Có vẻ như camera này còn bị lỗi xanh tâm (lỗi hồng tâm thì ai cũng nghe rồi, nhưng mà ở K900 thì thay vì màu hồng thì nó lại bị ám xanh...), như hình dưới đây bạn sẽ thấy rõ điều này.

Xem hình gốc tại đây: flickr.com

 / 12



Khả năng hoạt động, nhiệt độ, pin

Đua phần cứng thì phải có cái gì đó đem ra khè nhau được, chính vì thế anh em vẫn quan tâm nhiều đến các điểm benchmark. Tuy nhiên điểm số này không phản ánh được thực tế sử dụng, Mình vẫn thích những cảm nhận tực tế trong quá trình dùng hơn. Và con chip Clover Trail+ này làm việc khá tốt, không cảm nhận thấy độ trễ, có thể nói bạn không cần bận tâm nhiều đến khả năng hoạt động vì nó chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng của bạn. RAM dung lượng 2GB cũng giúp máy chạy tốt hơn, ram thường trống nhiều, thông thường vào khoảng gần 1GB.

Tinhte_ Lenovo K900_app_01 

Điểm mạnh nhất của K900 đó chính là bxl Intel Atom Z2580 hai nhân siêu phân luồng, trước đây mình rất ấn tượng với một chiếc máy khác cũng chạy bxl Intel là ASUS fonepad vì nó chạy khá mát. Và sau nhiều ngày sử dụng thì có thể thấy K900 cũng mát tương tự như fonepad, ngay cả khi mình chơi đua xe Asphalt 7 trong khoảng 30 phút thì phần trên mới nóng hơn bình thường, tuy nhiên chỉ là nóng hơn một chút chứ không gây khó chịu. Chỉ có khi mình tải phần mềm liên tục từ Google Play thông qua 3G thì phần nửa trên mới nóng hơn bình thường khá nhiều, đây là trường hợp duy nhất máy bị nóng. Còn một vấn đề khác liên quan khá nhiều đến nhiệt độ và khả năng hoạt động của máy đó là phiên bản phần mềm, hiện tại chiếc máy trong bài viết này đang dùng OS phiên bản 130603.

Với pin dung lượng chỉ có 2500mAh thì không kì vọng quá nhiều vào khả năng của K900, tuy nhiên nó cũng không quá tệ. Thông thường thì tổng thời gian mở màn hình (onscreen) trong ngày vào khoảng trên dưới 3 tiếng, đây là mức bình thường và đủ để bạn sử dụng máy một ngày, tối về sạc. Cục sạc của K900 cho ra dòng 2A nên sạc khá nhanh, từ lúc kiệt pin đến khi đầy thì mất khoảng 2 tiếng rưỡi. Các thử nghiệm của mình để chỉnh độ sáng màn hình ở mức 50%, nếu bạn để tối hơn thì thời gian pin sẽ được lâu hơn. Ngoài ra, màn hình không phải là yếu tố tốn pin nhất trên K900 mà vị trí đầu lại thuộc về radio (sóng điện thoại), cái này thì chỉ cần Lenovo chú ý và cập nhật phần mềm thì có thể khắc phục được và kéo dài thời gian sử dụng pin hơn.

Tinhte_ Lenovo K900_app_02 

Kết luận

Bỏ qua vấn đề về thương hiệu, Lenovo K900 là chiếc điện thoại có cấu hình tốt, chạy ổn định. Màn hình lớn đáp ứng được khá nhiều nhu cầu giải trí, xem film, lướt web cũng như đọc ebook của người dùng. Các điểm mạnh, điểm yếu đã được mình trình bày chi tiết ở trên, hi vọng bạn có thể dựa vào đó để quyết định xem chiếc máy này có hợp với nhu cầu bản thân không, từ đó mà có thể quyết định xem có mua hay không.

theo tinhte.vn


Comments