Điều trị bệnh gai cột sống như thế nào?

15:51 07/11/2014

(Giúp bạn)

Mẹ em năm nay 50 tuổi, hiện Mẹ đang có triệu chứng tê chân. Đôi khi thấy lạnh chân và có cảm giác tê chạy thành đường từ bàn chân lên tới hông, Nếu ngâm chân trong nuớc ấm thì có cảm giác đỡ hơn. Mẹ em đi khám thì bác sĩ cho biết là mẹ em bị gai cột sống nên dây thần kinh bị chèn. nhưng điều trị vẫ không thấy khá lên. Mẹ em đã bị gần 1 năm nay. Rất mong sự giúp đỡ của bác sĩ. Nếu cần phải đi khám xin bác sĩ cho em biết địa chỉ trong thành phố HCM. Xin chân thành cảm ơn!


Gai cột sống là sự phát triển thêm ra của xương trên thân đốt sống, đĩa sụn hay dây chằng quanh khớp. Nguy cơ mắc bệnh này tăng theo độ tuổi và nam bị nhiều hơn nữ.
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến gai cột sống:

Viêm khớp cột sống mãn tính: Quá trình viêm ảnh hưởng đến phần sụn đốt sống, lâu ngày phần sụn này bị hao mòn dần, khiến bề mặt trơn láng của nó trở nên thô ráp, xù xì và cuối cùng hai bề mặt xương tiếp xúc, cọ sát lên nhau. Đến lúc này, cơ thể sẽ có một quá trình tự điều chỉnh để khắc phục hiện tượng trên, nhưng kết quả của quá trình chỉnh sửa lại là sự hình thành gai xương. Do đó, có thể nói gai xương là một đáp ứng tự nhiên của cơ thể đối với phản ứng viêm.

Sự lắng đọng canxi ở các dây chằng, gân tiếp xúc với đốt sống: Trường hợp này thường gặp trong thoái hóa cột sống ở người lớn tuổi; đó là sự lắng đọng canxi dưới dạng calcipyrophosphat. Thoái hóa cột sống là một rối loạn có thể dẫn đến mất cấu trúc và chức năng bình thường của cột sống. Sự thoái hóa có thể xảy ra ở một trong các thành phần cấu tạo của cột sống: xương đốt sống, đĩa sụn, các dây chằng bám quanh khớp. Quá trình thoái hóa làm mất nước (chiếm 80% trong sụn) và biến đổi một số chất, làm sụn khớp dễ bị canxi hóa.

Chấn thương: Chấn thương làm hư hại xương hoặc khớp ở cột sống, và phản ứng của cơ thể để sửa chữa nơi bị tổn thương sẽ dẫn đến sự hình thành gai cột sống. Trong trường hợp này, gai cũng có thể hình thành từ sự lắng đọng canxi ở dây chằng đã dày lên do phản ứng viêm.

Nhiều người vẫn nghĩ gai có thể mọc rất dài và đâm vào tủy hoặc các thành phần khác... Thật ra, gai thường chỉ có chiều dài vài milimet. Phần lớn gai cột sống xuất hiện ở mặt trước và bên, hiếm khi mọc ở phía sau, do đó ít chèn ép vào tủy và rễ thần kinh.

Triệu chứng thường gặp khiến bệnh nhân phải đi khám là đau thắt lưng, đau vai hoặc cổ, lan xuống cánh tay, tê tay..., đôi khi làm giới hạn vận động ở cổ, vai, thắt lưng. Phần lớn gai cột sống gây đau do tiếp xúc với dây thần kinh hoặc các xương đốt sống khi cử động.

Khi được bác sĩ chẩn đoán gai cột sống, một số bệnh nhân thường nghĩ ngay đến việc mổ để cắt đi “cái gai” đáng ghét này! Nhưng thực tế việc điều trị bệnh gai cột sống thường nghiêng về bảo tồn. Những thuốc thường dùng là nhóm giảm đau kháng viêm không steroid, nhóm giãn cơ. Đôi khi người ta dùng một số dụng cụ nâng đỡ như nẹp cổ... để giảm bớt gánh nặng lên các đốt sống bị bệnh.

Các phương pháp điều trị hỗ trợ gồm châm cứu, vật lý trị liệu (giúp giảm đau và tăng vận động ở một số cơ khớp bị ảnh hưởng), tập thể dục đều đặn. Cần tránh những môn nặng bắt cột sống phải chịu một trọng lượng lớn như đẩy tạ, nhảy cao... Nên tập các môn thể thao dưới nước như bơi lội, aerobic để giúp giảm sức nặng của cơ thể.

Yoga cũng là một phương pháp giúp giảm trọng lượng cơ thể lên phần đốt sống bệnh, đồng thời làm thư giãn vùng cơ bị ảnh hưởng.

Bệnh nhân phải đảm bảo trọng lượng cơ thể vừa phải, tránh tăng trọng quá mức. Về chế độ ăn, một số nghiên cứu cho rằng nên thêm muối để giúp cơ thể tái hấp thu một phần canxi vào máu.

Phẫu thuật được đặt ra khi có sự chèn ép vào tủy, làm hẹp ống tủy hoặc các rễ thần kinh ở cột sống. Tuy nhiên, không phải cứ lấy gai đi là bệnh sẽ hết vĩnh viễn vì gai xương có thể mọc lại ở cùng vị trí cũ.
Bạn có thể đưa mẹ bạn đến khám và tư vấn, điều trị tại Chuyên Khoa Cơ Xương Khớp - BV Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Tôi năm nay 46 tuổi và bị đau lưng,hay tê chân đi khám,chụp x-quang Bs nói bị gai mỏm thân đốt L3,L4,L5 Bác cho thuốc uống thấy đỡ nhưng không khỏi.Vậy mong được sự tư vấn của bác sỹXin chân thành cảm ơn!

Chào bác!

Cháu xin được post bài này hi vọng có thể giúp bác tham khảo ạ.

Giải pháp mới cho bệnh nhân tổn thương cột sống

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, đã ứng dụng thành công phương pháp mới điều trị nhiều bệnh lý liên quan đến cột sống như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống thắt lưng, đau thần kinh tọa... cho nhiều trường hợp bằng thiết bị silicon (DIAM) giúp cột sống vững chắc, tránh cho bệnh nhân khỏi bị liệt, gù, hết đau và cử động bình thường. Đây là một phương pháp tiên tiến, hiện đang áp dụng nhiều ở các nước trên thế giới như: Mỹ, châu Âu và một số nước châu Á... Bệnh viện Việt Đức là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam áp dụng kỹ thuật này.

         TS. Thạch cho biết các bệnh lý cột sống nếu được phát hiện sớm bệnh có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc kết hợp các bài tập phục hồi chức năng, điều chỉnh những thói quen trong sinh hoạt ảnh hưởng đến bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân bị bệnh thường cố gắng chịu đựng, chỉ khi không thể chịu nổi họ mới tìm đến bệnh viện, khi đó bệnh đã nặng, có thể đã xuất hiện nhiều biến chứng. Việc điều trị nội khoa lúc này không đạt hiệu quả mà phải tính đến giải pháp can thiệp bằng phẫu thuật. Thành công của phương pháp điều trị mới này hy vọng sẽ là một giải pháp tốt cho nhiều người bệnh.  

Trả lại sự mềm mại cho cột sống lưng người bệnh

Sau nhiều năm sống chung với chứng đau lưng và đau bại một bên chân, bệnh nhân Ngô Thanh V., 54 tuổi (thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) chạy chữa nhiều phương pháp nhưng chẳng đỡ được là bao. Gần đây, bệnh nhân đau nhiều và khó khăn trong việc đi lại. Kết quả chiếu chụp cho thấy bệnh nhân bị hẹp ống sống L4-L5 và hẹp thân đốt sống L3 bị phù nề. Sau khi thăm khám, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật cột sống - Bệnh viện Việt Đức quyết định dùng phương pháp cố định động cột sống liên gai sau bằng thiết bị silicon (còn gọi là DIAM) để xử trí những đau đớn cho bệnh nhân V. Chỉ sau vài ngày đặt DIAM, bệnh nhân đã giảm đau rất nhiều và đi lại được.

PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch, Phó Giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống cho biết, trước đây đối với các trường hợp này thường được mổ mở giải hẹp, rồi nẹp vít để cố định cột sống. Tuy bệnh nhân cũng hết đau nhưng nẹp vít lại khiến bệnh nhân rất khó cử động, chỉ có ưỡn mà không thể gập được người. Hơn nữa, qua thời gian có thể mòn và gãy dễ gây tai biến, còn các trường hợp bị xẹp do loãng xương hoặc vừa loãng xương vừa chấn thương do thoát vị đĩa đệm... thì phải sống chung với đau đớn suốt phần đời còn lại do xương của bệnh nhân giòn, dễ vỡ. Còn DIAM là loại dụng cụ được đưa vào khe giữa hai mỏm gai sau đốt sống thắt lưng nhằm làm giãn và cố định động 2 đốt sống. Ưu điểm của phương pháp này không những cố định được cột sống và giải ép các nguyên nhân chèn ép thần kinh mà còn đảm bảo độ mềm dẻo của cột sống, giúp bệnh nhân cúi và ưỡn thoải mái. Đặc biệt, DIAM còn có tác dụng hữu hiệu khi phối hợp với vít cố định cột sống hoặc trên các bệnh nhân bị lấy nhân đĩa đệm... giúp bệnh nhân khỏi bị xẹp đĩa đệm, làm chậm quá trình thoái hoá diện khớp và đĩa đệm liền kề chỗ cố định. Với phương pháp này, bệnh nhân hầu như không còn cảm thấy đau, rất ít biến chứng, có thể đi lại sau 1 - 2 ngày phẫu thuật.

Theo TS. Thạch, phương pháp này ít gây tai biến cho bệnh nhân vì silicon tương thích với cơ thể con người, có độ đàn hồi tốt nên hiếm khi gây ra các biến chứng như tuột hoặc đứt.... Hơn nữa, đây là dạng phẫu thuật can thiệp tối thiểu không đụng chạm trực tiếp đến cấu trúc thần kinh vào rễ thần kinh tủy sống nên không gây ảnh hưởng đến chức năng quan trọng của vùng cột sống và phần mềm ít bị phá huỷ. Tuy nhiên, theo TS. Thạch, không phải ai cũng thực hiện được kỹ thuật này. Để tiến hành, cần phải có phẫu thuật viên chuyên khoa, được đào tạo bài bản. Kỹ thuật này không áp dụng được đối với các bệnh nhân bị trượt đốt sống mất vững, gãy đốt sống, khuyết hở eo đốt sống, vẹo cột sống bẩm sinh, khối u vùng cột sống. Trong 1 - 2 tháng đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân cần làm việc nhẹ nhàng, không mang vác nặng.


Comments