Kiểm tra Samsung Note 3 và Galaxy S4 xách tay (new)?
(Giúp bạn)
Hướng dẫn cách kiểm tra máy Samsung Note 3 và Galaxy S4
Qua một thời gian tìm hiểu và trực tiếp đi mua (tương đối nhiều) điện thoại Samsung Galaxy Note 3 và Galaxy S4 xách tay cho bản thân cũng như cho bạn bè, mình nhận thấy chất lượng máy móc trên thị trường hàng xách tay rất đáng báo động (ko chỉ đối với máy của các thương gia nhỏ, rao vặt trên mạng mà ngay các các Cửa hàng, thậm chí Cửa hàng lớn có tên tuổi). Do nhà máy Samsung Việt Nam đặt ở ngay Bắc Ninh nên bên cạnh các mặt tích cực cũng có khá nhiều mặt tiêu cực tác động trực tiếp tới người tiêu dùng. Cụ thể là việc Note 3, S4 (cũng như các điện thoại đời cao khác của Samsung) hàng dựng, đã qua sửa chữa hoặc thay thế một phần linh kiện (nhưng được bán với giá hàng brandnew, thậm chí quảng cáo là hàng nguyên seal) nhan nhản trên thị trường.
Sau khi phải trả giá bằng cả thời gian và tiền bạc của bản thân, cũng như một vài a em bạn bè, mình rút ra được một số kinh nghiệm như sau, xin chia sẻ để các a em có ý định mua Note 3, S4 xách tay tham khảo và tránh được nguy cơ dính phải hàng dựng, tiền mất, tật mang (hoặc ít nhất là vừa dùng vừa lo) vì mấy em đt đời cao này bây giờ vẫn cả một đống tiền chứ ko ít.
Trong bài viết này, mình sẽ tập trung vào các đặc điểm nhận biết của Note 3 và S4 là chủ yếu, các máy Galaxy (đời cao) khác của Samsung cũng sẽ có nhiều điểm tương tự, các bạn có thể dùng để tham khảo:
1. Cần nghiên cứu kỹ thông tin về cấu hình và mã máy định mua, điều này ko bao giờ là thừa. VD: Note 3 mã N900, N9000 chạy chip Octa Exynos; khác với Note 3 N9005, N900a,v,t… chip Snap Dragon 800; tương tự S4 i9500 chạy chip Octa Exynos còn S4 i9505, i9506 chip Snap Dragon). So sánh giá nơi mình định mua với các Cửa hàng chuyên bán hàng xách tay đã có uy tín trước khi qua xem hàng trực tiếp (nếu giá thấp hơn quá 10%, khuyên a em ko nên ham rẻ, và khỏi mất công qua xem vì khả năng hàng lởm là khá cao).
2. Nếu máy được quảng cáo là brandnew thì mọi thứ từ hộp, máy, pin đến phụ kiện đều phải hoàn chỉnh, đẹp và chất lượng từ ngoài vào trong. Bình thường mình sẽ xem hộp trước, máy xách tay sẽ có 02 tem dán ở 02 đầu hộp (ít hơn máy công ty 01 tem bên hông); tem IMEI trên hộp phải được dán keo cực kỳ chắc chắn (máy nào tem IMEI mới bóc nhẹ mà đã tung hết ra là tem IMEI fake, dán bằng hồ); tem phải in rõ ràng (đặc biệt là phần mã số mã vạch phải sắc nét, đọc được bằng các phần mềm đọc mã như Bar code scan, chứ ko phải là lem nhem, in mấy cái sọc sọc cho có); màu máy và mã IMEI phải trùng với tem IMEI dưới nắp lưng. Thông tin về máy trên vỏ hộp phải trùng khớp với mã máy định mua, máy bán cho thị trường nào sẽ được in ngôn ngữ của thị trường đó, sách vở ở trong cũng vậy (vỏ hộp thì thường in tiếng Anh, tiếng Pháp, chứ tiếng Việt thì chắc chắn ko phải hàng xách tay roài ).
3. Mở hộp, kiểm tra xem có đầy đủ phụ kiện bên trong ko: Ngoài máy, nắp lưng, pin, củ sạc, cáp sạc, tai nghe, sách vở thì máy SS thường có thêm 4 lót cao su các cỡ cho tai nghe và Note 3 có thêm bút và 05 ngòi bút + gắp ngòi đi kèm. Rất ít thương gia, cửa hàng bán máy cho bạn mà có đủ 05 ngòi bút + gắp ngòi này, họ sẽ có đủ các lý do để bao biện, thậm chí hù bạn là chỉ Note 3 VN mới có, hàng xách tay thì lấy đâu ra, nhưng mình đảm bảo là con Note 3 chuẩn nào do SS VN xuất xưởng đều có đủ gắp + 05 ngòi bút (cùng màu) đi kèm.
4. Kiểm tra tem IMEI dán sau máy (phần lắp pin): nếu tem IMEI được in chìm, sắc nét, ko thể tẩy xoá, cạo mực in, thông số đầy đủ, trùng số IMEI với vỏ hộp và thông tin trong ROM thì xin chúc mừng bạn, khả năng chiếc máy bạn đang cầm là máy xịn khá cao! Kiên quyết từ chối mua các máy ko dán tem IMEI, hoặc tem IMEI in lem nhem, mực nổi hẳn lên mặt giấy, có cảm giác cạo nhẹ cũng bay mất chữ hoặc các IMEI dán xiên xẹo, dán đè lên các chữ hoặc số viết tay phía dưới với bất kỳ lý do gì, bởi máy do SS sản xuất ko bao giờ có những tem IMEI lởm như vậy. Ở đây mình chỉ dùng từ “khả năng máy xịn là KHÁ cao” vì mình đã gặp trường hợp tem IMEI rất xịn nhưng máy đã qua sửa chữa, thay thế 1 phần linh kiện và cá biệt có cả tem IMEI xịn nhưng số IMEI fake hoặc trùng số IMEI với máy hàng Công ty, các tem này có lẽ do nhân viên của SS tuồn ra để hợp thức hoá các máy dựng, còn lại đại đa số máy dựng thường có tem IMEI lởm khởm, in lem nhem như vừa nêu ở trên.
5. Kiểm tra toàn bộ mặt phía ngoài máy, máy brandnew nghĩa là máy mới 100%, chưa có người sử dụng (test máy ko tính) nên máy phải rất mới, ko xước xát; còn nguyên nilon dán mặt trước, sau và 4 viền; màn hình phải đặt cân đối, song song với các cạnh viền máy (màn hình zin); chân sạc đen bóng, ko han gỉ; tem IMEI ko có dấu hiệu bị bóc ra dán lại; tem Bảo hành của Cửa hàng chưa được dán; toàn bộ các ốc mặt lưng phải mới tinh, trơn bóng, đồng nhất và ko có vết trầy xước (do bị vặn bằng tô-vít). Máy nào mà ốc con mới, con cũ, có các ốc bị xỉn màu, hoặc toét đầu nghĩa là máy đã qua tháo lắp, chỉnh sửa. Ngoài ra chấm tròn màu vàng ở mặt lưng (chỗ lắp pin) phải sáng vàng, ko có hiện tượng xỉn màu, nếu chấm tròn này bị xỉn màu quá mức, nghĩa là có khả năng máy đã bị rơi vào nước, vì đây chính là điểm để thử giấy quỳ của Samsung.
Các chú ý khác: máy chạy chip Snap Dragon sẽ có con tem trong suốt in chữ Qualcomm dán ở đỉnh máy, máy chạy chip Exynos sẽ ko có. Ốp lưng có chữ 4G hoặc LTE chỉ có ở một số máy chạy chip Qualcomm (ko phải tất cả), máy chạy chip Exynos ko hỗ trợ 4G/LTE nên đương nhiên sẽ ko có. Máy hàng xách tay (thường) ko có tem ốc Samsung Original Product (tem nhỏ, màu trắng) như máy công ty Samsung Việt Nam (hoặc ít nhất là mình chưa từng thấy máy xách tay nào có). Ngoài ra, nên soi thật kỹ từng mảng linh kiện ở mặt sau máy, mình đã gặp nhiều con Note 3 N9005 dựng có 1 vài mảng linh kiện in mã N900 và S4 i9005 dựng có linh kiện in mã i9500 (vì linh kiện của các dòng máy bán tại thị trường VN luôn dồi dào hơn linh kiện bán cho trị trường nước ngoài mà)! Máy chuẩn ko bao giờ có chuyện linh kiện lộn xộn vậy nha.
6. Lắp pin, giữ phím Home và phím Volume down/Giảm âm lượng, sau đó giữ phím nguồn 3 giây để bật máy vào chế độ Downloading mode. Màn hình Warning!! hiện lên thì bấm tiếp Volume up/Tăng âm lượng để hiện ra màn hình Downloading mode (có hình con Android). Các thông tin đầy đủ trên một máy Note 3 brandnew sẽ phải bao gồm và đầy đủ các thông tin sau:
ODIN MODE
Product name: SM-N9005 hoặc N900…
Current binary: Samsung Official
System status: Official
Reativation lock: ON hoặc OFF
KNOX kernel lock: 0x0
KNOX warranty void: 0x0
Và khoảng 02-03 dòng thông tin khác nữa về phần cứng.
Ở đây a em phải đặc biệt chú ý 02 dòng thông tin có chữ Offical và KNOX. Nếu thông tin trong Downloading mode của máy đã bị đổi thành Custom, hoặc KNOX nhảy thành 0x1, hoặc ko có dòng thông tin KNOX nghĩa là máy đã bị root, đã bị chỉnh sửa phần mềm. Và khi máy đã bị chỉnh sửa phần mềm thì IMEI của máy có thể dễ dàng bị flash lại sang 01 số IMEI khác cho trùng với tem và hộp, vì thế, lời khuyên của mình là ko nên lấy các máy như vậy, để tránh rủi ro và lo lắng trong quá trình sử dụng. Hiện tại chưa có cách nào để chỉnh sửa bộ đếm KNOX 0x1 về lại 0x0. Galaxy S4 hoặc các máy SS khác cũng có các thông tin tương tự, tuy nhiên sẽ ít dòng hơn và ko có 02 dòng thông tin về KNOX, nói chung, với các máy đó, nếu ko bị chuyển sang Custom thì chắc vẫn ổn.
7. Nếu máy bạn vẫn pass qua được bước 6, thì xin chúc mừng, khả năng bạn chọn được máy chuẩn đã lên đến 80-90%! Bây giờ khởi động lại máy và cài đặt ban đầu để vào kiểm tra Status trong phần Menu > setting > General > About device. Các thông tin về Model máy và Hệ điều hành Android sẽ giống như thông tin bạn đã tìm hiểu từ trước ở bước 1. Bấm vào Status để xem lại số IMEI và Device status ở dòng cuối. Nếu trùng số IMEI với tem IMEI và Device status vẫn là Official thì okie. Quay ra xem dượng lượng bộ nhớ trong (Storage), với Note 3 thì bản N900 tối thiểu là 32Gb, N9005 là 16Gb hoặc 32Gb và sẽ hiện đầy đủ cả 16/32Gb cùng với phần bộ nhớ dành cho hệ điều hành (cái này khác với các phiên bản android từ 4.2.2 về trước, như S4 sẽ chỉ hiện khoảng 9Gb-25Gb).
8. Thoát ra, vào màn hình quay số, bấm *#06# để xem lại IMEI một lần nữa. Bấm *#12580*369# để kiểm tra thông tin về ngày xuất xưởng. Sẽ có 05 dòng thông tin trong menu này, chủ yếu là về build và baseband. Chúng ta nên chú ý đến dòng thứ 4: RF cal: 2013.xx.yy, đây là thông tin về ngày xuất xưởng máy, ngày này nằm trong khoảng thời gian từ lúc dòng máy được giới thiệu đến ngày hiện tại là được. Đa số các máy dựng sẽ ko có thông tin này, 1 là RF cal bị bỏ trống, 2 là unknow và 3 là đã bị xoá luôn cả dòng RF cal!
Cá biệt con máy lần trước mình mua RF cal lên tận 2014.10.xx mà ko hiểu lúc đấy mắt mũi thế nào mình nhìn nhầm thành 2013 nên vẫn hí hửng mang về!:”> Ở bước này mà thông tin vẫn đầy đủ, ngon lành thì các bạn chuyển qua menu *#0*# để check điểm chết màn hình, khả năng hiển thị màu sắc, camera trước sau, cảm ứng, cảm biến ánh sáng, tiệm cận, rung, loa, các phím cứng, phím mềm, đèn led, bút cảm ứng… tại các ô tương ứng.
9. Kiểm tra phụ kiện:
+ Pin: Pin thì hơi khó kiểm tra và mình cũng ít hơi kinh nghiệm về check pin, nhưng bạn cứ nhìn tem dán trên pin được in đẹp, sắc nét, đầy đủ thông số, nơi sản xuất, có in mã QR code (với Note 3 và S4), chấu pin ko sước (hoặc sước rất nhẹ) thì okie. Riêng pin Note 3 và một số máy nội địa HQ sẽ có NFC trên pin (có thể check thử kết nối, truyền file qua NFC ở trong máy), pin S4 và các đời máy trước thì mình ko nhớ lắm.
+ Tai nghe: Tai nghe rất ít khi mình bóc ra check, chủ yếu nhìn xem quy cách đóng gói có chuẩn ko, có đúng loại tai nghe và đủ các đầu mút phụ đi kèm ko thôi. Tai nghe cho Note 3 là tai J5, dây bản dẹt, chống rối, các nút điều chỉnh trên dây tai nghe kiểu tròn tròn (khác với tai nghe các đời trước là dây bản tròn, nút điều khiển nhỏ, hình vuông).
+ Củ và cáp sạc: Sạc chuẩn sẽ được in đẹp, sắc nét, có đầy đủ nilon bọc và tem dán mã QR code. Củ sạc Note 3 thông số trên sạc sẽ là 5,3V/2A, in cả thông tin nước sản xuất và ngày sản xuất. Dây sạc chắc chắn, chân tiếp xúc bóng đẹp, nhìn vào phía trong cổng usb sẽ có rất nhiều điểm tiếp xúc. Dây sạc của Note 3 là dây sạc usb 3.0, chân usb nhựa màu xanh, đầu micro usb dập chìm chữ SJCJ(sạc lô ko có). Bộ phụ kiện sạc, cáp, tai nghe của Samsung ko hẳn là lúc nào cũng trùng với màu máy, thường thì mình thấy màu trắng là nhiều (như Note 3 hình như 100% màu trắng; còn bộ sạc, cáp S3 lại là màu đen ).
+ Bút cảm ứng của Note 3: Bút cảm ứng là 1 phụ kiện khá tốn xiền và làm nên điểm khác biệt của dòng Note so với các máy smartphone khác nên rất dễ bị tráo. Bút zin của Note 3 rất sắc nét, liền lạc ở các khớp nối, ko có ba-via thừa, bút đút vào máy và rút ra rất nhẹ nhàng nhưng cũng rất chắc chắn, ko hề có hiện tượng bị kẹt. Tất cả các bút zin đều có in tên nước sản xuất ở phía sau (Vietnam, China, Korea) và được đánh 04 số (in chìm) dọc thân bút. Bút lô cũng có nhiều con rất đẹp nhưng chưa từng thấy bút lô nào có đánh số như bút bóc máy. Cũng nên chú ý là ngòi bút cùng màu với thân bút và màu máy (trừ máy màu hồng có bút màu hồng nhưng ngòi màu trắng) và khi chạm vào màn hình sẽ có cảm giác rất mềm, mượt, trơn chứ ko cứng quèo như ngòi bút nhái. Nút bấm trên bút cùng phía với dòng chữ Samsung, bút trắng có nút bấm màu trắng, và bút đen có nút bấm màu ghi. Bút nào có nút bấm màu đen cũng là bút fake ạ!
10. Nếu mọi thứ đều hoàn hảo, bạn đã có thể lắp sim (và thẻ nhớ) vào để test sóng sánh, âm thanh cuộc gọi, thử tin nhắn, wifi, bluetooth… Nếu có nghi ngờ, bạn có thể nhắn tin số IMEI của máy đến tổng đài bảo hành +6060 của Samsung Việt Nam để kiểm tra thông tin. Máy xách tay chuẩn thì 100% tin nhắn báo lại là số IMEI chưa được đăng ký, máy nào đã có thông tin bảo hành nghĩa là đã bị fake IMEI của máy hàng công ty Samsung VN (trùng IMEI của một máy khác đã được bán ra trước đó). Ngoài ra có thể lên trang web www.IMEI.info nhập số IMEI và serial number (ở tem IMEI) vào để kiểm tra thêm, đa số các trường hợp cho thông tin chính xác, tuy nhiên, trong 1 vài trường hợp, mình thấy trang web báo lại thông tin cũng ko được chuẩn lắm, nên chỉ dùng để a em tham khảo thêm thôi.
11. Cuối cùng, bạn đăng nhập account Google (phụ) của bạn vào Google play store (CH play) để down app CPU-Z về để kiểm tra thêm về cấu hình máy (chip, ram, bộ nhớ trong, độ phân giải màn hình, tình trạng root…) và app Phone INFO Samsung (của bác vndnguyen) để kiểm tra lại nguồn gốc, xuất xứ và tình trạng KNOX để đối chiếu với các thông tin đã có ở trên.
Kết luận: Hiện giờ, khi đi mua máy mình đều kiểm tra qua các bước như vậy, nói chung là cũng bắt được tương đối nhiều hàng dựng, hàng lởm, hàng đã qua sửa chữa. A em có thêm cách nào nữa để check máy thì cứ góp ý, trao đổi thêm để mình bổ sung, chỉnh sửa nhé. Mục đích chỉ là giúp a em yêu công nghệ mua được hàng chuẩn, chất lượng, giá cả dễ chịu hơn hàng công ty thôi chứ ko phải “múa rìu qua mắt thợ”, hay là cản trở công việc kinh doanh của ai cả!
Còn lời khuyên dành cho các bạn ko am hiểu nhiều về máy móc là nên ra thẳng Samsung brandshop, FPT, Viettel và các trung tâm điện máy lớn mua hàng công ty nguyên seal hộp cho đảm bảo, dùng cho an tâm, chính sách bảo hành (với gói Bảo hành vàng) của Samsung bây giờ cũng thực sự có lợi hơn nhiều so với chính xách bảo hành của hàng xách tay mà?
P.S: Máy nội địa Hàn Quốc và Nhật Bản thì mình ko rành lắm, các bạn tham khảo được đến đâu thì tham khảo vậy, vì một số điểm trong bài có thể ko hoàn toàn đúng với 02 dòng máy này.
Mình định viết bài này từ 1-2 tháng trước rồi cơ, mà đợt vừa rồi bận quá nên giờ mới thực hiện được, chúc các bạn tự tin hơn khi đi mua máy Galaxy xách tay nhé!
© KangMin