Làm sao sống dung hòa với mẹ chồng?
(Giúp bạn)
Làm sao sống dung hòa với mẹ chồng?
Những xích mích, căng thẳng, hay khó chịu giữa mẹ chồng nàng dâu luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình, cho dù bạn chỉ vừa kết hôn hay đã kết hôn từ rất lâu rồi. Mẹ chồng có thể rất thích can thiệp vào việc nhà, việc riêng tư của vợ chồng bạn, có thể thật là hách dịch hoặc quá cổ hủ khiến bạn chẳng biết phải làm gì…
Cãi lại thì không thể vì bạn không muốn thiếu tôn trọng và làm cho không khí gia đình thêm căng thẳng, nhưng bạn cũng không thể chịu đựng để mẹ chồng làm chủ hết cuộc sống của bạn được. Điều đó thật sự là một cảm giác cực kì khó chịu, tuy nhiên bạn cũng cần hiểu có một số lí do cho những hành động của mẹ chồng để có thể ứng xử khéo léo hơn qua những tình huống khó khăn trong quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.
Tại sao mẹ chồng chỉ thích làm theo ý mình?
Những người lớn tuổi thường thích theo những thứ bậc, vai vế trong nhà và luôn muốn được mọi người tôn kính. Họ thích chỉ huy để tỏ rõ uy quyền và mức độ quan trong của mình trong gia đình. Sự xung đột và căng thẳng mẹ chồng – nàng dâu đồng thời cũng có thể xuất phát từ tâm lý của các bậc cha mẹ rằng chẳng ai tốt được bằng con cái của mình. Và sự mâu thuẫn chủ yếu xảy ra giữa mẹ chồng và con dâu đó là vì họ đều yêu thương cùng một người đàn ông, là chồng/con của họ.
Thật ra bình thường mẹ chồng của bạn chẳng có ý gì xấu cả, nhưng có thể khi bạn về làm dâu, bà bắt đầu cảm thấy quyền làm mẹ, chăm sóc, lo lắng cho con trai của mình nay đã được bạn thay thế, bạn và tiếng nói của bạn trong gia đình trở thành có trọng lượng. Và trong tiềm thức của mẹ chồng, bỗng nhiên bạn trở thành người chen ngang vào quan hệ mẹ con của bà. Một số người may mắn thì mẹ chồng sẽ nhanh chóng hiểu ra vấn đề, tự kiềm chế và vượt qua được. Số đông khác thì cảm thấy thật khó khăn, và sẽ mãi mãi ám ảnh với chuyện này.
Khi đã hiểu được lí do tại sao mẹ chồng mình hay khó chịu và soi mói, bạn sẽ phải ứng xử ra sao? Điều này cũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên việc đầu tiên và quan trọng nhất, đó là bạn hãy giữ thái độ cởi mở với mẹ chồng và cố gắng giữ cho mọi tình huống luôn lạc quan và tích cực. Sẽ chẳng có một công thức chung nào giải quyết được toàn vẹn tất cả mọi vấn đề mẹ chồng nàng dâu của tất cả mọi người. Nhưng khi có mẫu thuẫn xảy ra, bạn có thể làm theo một số mẹo nhỏ sau để lbình tĩnh và nghĩ tiếp cách hành xử sao cho hợp lí.
Chọn chiến lược
Điều tốt nhất bạn có thể làm là bỏ qua những thứ nhỏ nhặt khiến bạn khó chịu. Thế nhưng có một số tình huống bạn không thể và không nên bỏ qua, bạn cần phải nói lên quan điểm cá nhân của mình:
- Mẹ chồng đưa ra những lời khuyên cổ lỗ sĩ vì những thông tin của bà đã quá lỗi thời hoặc bà nghĩ mình luôn đúng. Nhưng nếu mẹ chồng bạn suốt ngày cằn nhằn bắt bạn phải nghỉ làm ở nhà chăm con, hoặc dạy cho con bạn dùng đất bôi vào chỗ bị dao cắt để mau lành hơn… bạn cần phải lên tiếng.
- Mẹ chồng can thiệp vào đời sống riêng của vợ chồng, từ những việc tủn mủn như việc chọn chén đĩa, chọn thức ăn cho đến quyết định các vấn đề của gia đình, mẹ chồng bạn đều không vừa lòng và đưa nhận xét, chê bai và chẳng bao giờ có thể vừa lòng một tí gì về bạn hay những gì bạn làm.
- Mẹ chồng luôn giành quyền làm chủ, không chỉ lên tiếng chê bai, khó chịu về những gì bạn làm, mẹ chồng còn tự ý “sửa lỗi” cho bạn, hoặc thích chỉ đạo hoặc tự quyết định tất cả mọi chuyện trong nhà bạn.
Chủ động trong giao tiếp với mẹ chồng. Cho dù bạn bực mình, ấm ức, thất vọng hay căm ghét thì mẹ chồng vẫn là một thành viên quan trọng trong gia đình và thật tuyệt vời nếu bạn có thể nuôi dưỡng tình cảm mẹ chồng nàng dâu thật tốt.
- Tiếp cận: Thật khó chịu biết mấy khi mẹ chồng cứ hễ bước vào nhà là bắt đầu than phiền cái này không đúng, cái kia không được, con phải làm thế này thế kia… Nhưng bạn có thể hiểu rằng mẹ chồng chỉ muốn giúp đỡ và muốn tốt cho gia đình bạn mà thôi. Do đó, bạn hãy thử chủ động tiếp cận với mẹ chồng, hỏi ý kiến của bà trong những vấn đề mà bạn cảm thấy mình cởi mở và linh hoạt được, và bày tỏ thái độ tôn trọng. Bạn nhớ nhé, tôn trọng ý kiến người khác và nghe theo ý kiến đó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
- Hỏi về lời khuyên: Bạn biết đấy, mẹ chồng là một nguồn bất tận của các lời khuyên. Và bạn có thể ngăn ngừa việc phải nghe những câu chê bai ngoài ý muốn bằng cách xin lời khuyên từ mẹ chồng trước khi bà kịp ý kiến. Cách này cũng sẽ làm cho mẹ chồng bạn cảm thấy có vui hơn, hài lòng hơn, và biết rằng gia đình bạn vẫn cần có bà.
- Đừng bao giờ quên quyền của bạn: Khi ở gần mẹ chồng, có thể bạn sẽ cảm thấy mình thật non nớt, trẻ con và chẳng có kinh nghiệm gì cả. Thế nhưng bạn đừng quên rằng, bạn là một người trưởng thành với đầy đủ quyền quyết định cái gì tốt hay không tốt cho gia đình mình. Khi tình huống cần thiết xảy ra, bạn hãy tin vào khả năng phán đoán và bày tỏ quan điểm của mình, nhất là khi chồng bạn chẳng thế trình bày dứt khoát rõ ràng với mẹ mình thì bạn chính là người phải quyết định trong việc này.
- Biết ơn mẹ chồng: Bởi vì bà là người đã sinh ra và nuôi nấng người đàn ông của đời bạn cho dù nhiều lúc mẹ chồng quả là khó chịu. Hãy giữ thái độ bình tĩnh và cảm ơn mẹ chồng mỗi khi bà đưa lời khuyên đang cố gắng giúp đỡ bạn. Biết ơn không hẳn là đồng ý. Và chúng ta hoàn toàn có thể có một mối quan hệ tốt cho dù không phải lúc nào cũng đồng tình với nhau.
- Hãy khách quan: Dành thời gian để suy nghĩ và phân tích những tình huống xảy ra và đặt mình vào vai trò của mẹ chồng xem thử những ý kiến của bà liệu có khả thi hay không? Có phải mẹ chồng khó khăn vậy là vì tình yêu và quan tâm đối với bạn, chồng bạn và gia đình? Trả lời được những câu hỏi này có thể giúp bạn hiểu và thông cảm hơn với mẹ chồng của mình.
Có thể sẽ rất khó khăn để sống dung hòa được với một bà mẹ chồng biết hết tất thảy mọi thứ. Tuy nhiên, với một cái nhìn sâu sắc hơn và một vài chiến lược, bạn sẽ loại bỏ được sự lúng túng đấy và giúp không khí giữa các thành viên trong gia đình thân thiện hơn, chan hòa và hạnh phúc hơn.