Làm thế nào để vượt qua cú "sốc" sau hôn nhân?

16:10 07/11/2014

(Giúp bạn)

Xin chào chuyên mục. Chúng mình cưới nhau được hơn 4 năm rồi nhưng vì nhiều lý do mà chúng mình phải quyết định ly hôn. Mình mấy ngày hôm nay tâm trạng rất tồi tệ và suy sụp đi rất nhiều. Chuyên mục có thể cho mình biết làm thế nào để vượt qua cúc sốc sau hôn nhân được không? Mình cảm ơn


 

Chia tay cũng giống như việc bạn mất đi một người thân yêu trong gia đình, trong trái tim, chia tay cũng sẽ trải qua những giai đoạn đau buồn và thậm chí là suy sụp về tinh thần. Theo Sheknows, dưới đây là diễn biến của quá trình không hề dễ dàng và cách để vượt qua nó:

 

 

 

Giai đoạn 1: Sốc: "Chuyện gì đã xảy ra vậy?"

“Sốc” là phản ứng bảo vệ tự nhiên của cơ thể để chống lại sự đau đớn và tổn thương của con người. Cho đến khi mối quan hệ tình cảm đầu tiên của bạn bắt đầu, bạn có thể sẽ không muốn phải đối mặt với những gì điềukhông tích cực diễn ra tiếp theo: Đó là những cảm giác quá ghê sợ, quá đơn độc và không thể hiểu nổi. Trạng thái hoài nghi, ngờ vực này có thể xảy ra trong một khoảng thời gian ngắnhoặc dài, có thể chỉ là vài phút, hay một vài ngày, tuần, hay thậm chí đến hang tháng và có khả năng kéo dài lâu hơn nếu cuộc chia tay bất ngờ xảy ra. Đừng bất ngờ nếu bạn cảm thấy khó thở, khó ngủ khi đối mặt với sự thật phũ phàng đó

Điều nên và không nên làm:

Nên: Bạn nên tự "kê đơn" thuốc chữa lành vết thương con tim cho mình bằng những cách như thiền, đi bộ, tập yoga hàng ngày...

Không nên: Quá lăn tăn, lo lắng. Bạn sẽ vượt qua những cảm giác này sớm thôi.

 

Giai đoạn 2: Phủ nhận: "Điều này không thể là sự thật".

Ở giai đoạn này, bạn sẽ luôn trong tình trạng  phủ nhận tất cả những gì của thực tế và muốn lưu giữ những cảm xúc. Bạn không chấp nhận sự thật về sự đổ vỡ này, nghĩ rằng nó không thể xảy ra, và hy vọng mọi thứ sẽ quay trở lại như ban đầu, vào đúng vị trí của nó. Trong suốt giai đoạn này, những cuộc điện thoại, những email hay những status trên các mạng xã hội sẽ được bạn sử dụng một cách triệt để như một công cụ hữu ích để làm “bình thường hóa” những điều tồi tệ đang xảy ra.

Điều nên và không nên làm:

Nên mở lòng chia sẻ tâm sự với một người bạn thân, đáng tin cậy của mình để bắt đầu giải tỏa nỗi sợ hãi, cảm giác lo lắng luôn thường trực trong bạn và để xác định lại tư tưởng về những điều bất hợp lý đó.

Không nên cố tình phủ nhận sự hiện diện của giai đoạn này. Giả vờ sự tan vỡ là không cần phải đối mặt sẽ dẫn đến sự tê liệt cảm xúc và khiến bạn tâm trạng của bạn càng rối ren hơn rất nhiều.

 

Giai đoạn 3: Tự cô lập bản thân: "Hãy để tôi một mình"

Một khi bạn đã thừa nhận sự tan vỡ trong cuộc tình của mình, bạn lại mắc vào một vấn đề khác có vẻ nghiêm trọng hơn nhiều. Đó là những "thước phim" về mối quan hệ vừa qua tua đi tua lại trong đầu bạn một cách liên hoàn mà bạn không thể kiểm soát được. Bạn sẽ cố gắng xác định lý do nó đổ vỡ và làm thế nào để cứu vãn. Lúc này, suy nghĩ của bạn có thể sẽ bị phân tán và rất lộn xộn.

Tự cô lập bản thân sẽ khiến bạn không còn tha thiết bất thứ thứ gì xung quanh. Bạn thậm chí không còn đoái hoài gì đến việc cập nhật status mạng xã hội hay kiểm tra mail nữa. Bạn tự cuộn tròn mình lại giống như con ốc thu mình trong vỏ và thậm chí không muốn ra khỏi nhà, không muốn gặp bất cứ ai. Ngồi trong yên lặng, bóng tối... khiến bạn cảm thấy tốt hơn là đi ra ngoài và thừa nhận với cả thế giới rằng: mọi chuyện đã chấm hết.

Điều nên và không nên làm trong giai đoạn này:

Hãy tắm thường xuyên để những dòng nước sẽ mang đi tất cả những gì tồi tệ nhất mà bạn đang phải hứng chịu và tự tạo ra lý do để dối diện với những việc thường ngày như đi làm, các hoạt động xã hội...

Đừng tự gặm nhấm nỗi đau và chìm đắm trong những suy nghĩ thương hại, dày vò bản thân như "Tôi sẽ không bao giờ yêu nữa".

 

 

 

Giai đoạn 4: Bực tức lên đến đỉnh điểm: "Tôi hận anh vì đã làm tan nát trái tim tôi". 

Trong giai đoạn này, trái tim của bạn sẽ chuyển từ đau buồn, xót xa thành những cơn điên cuồng. Có thể bạn sẽ trở nên giận dữ với người cũ hoặc với chính bản thân mình, vì bất cứ lý do gì, sự việc gì có liên quan đến sự đổ vỡ.

Có thể, bạn sẽ tự “tẩy não” bản thân mình, đốt đi tất cả những bức ảnh của người đó, ném những đồ kỷ niệm giữa hai ngườ vào thùng rác, nói xấu anh ta với bạn bè mình hay tệ hơn nữa. Nếu bạn giận dữ với chính mình, bạn có thể tự sám hối, tự sỉ vả mình... Mong muốn sâu xa của những việc làm này là tìm một nơi để có thể trút bỏ tất cả lỗi lầm lên đó.

Điều nên và không nên làm:

Để tâm trạng được tốt hơn, bạn có thể giãi bày tâm sự bằng cách viết chúng ra một cuốn nhật ký hoặc chọn một người để có thể chia sẻ.

Không nên biến sự tức giận này thành những hành vi mù quáng, mê muội và  thiếu suy nghĩ.

 

Giai đoạn 5: Giảng hòa bằng cách thương lượng: "Điều gì có thể làm anh ấy thay đổi quyết định?".

Bạn sẽ cố gắng tìm đủ mọi cách để níu kéo người cũ quay trở lại, từ cầu nguyện đến việc thay đổi bản thân, điều chỉnh lại bản thân  nếu chính bạn đã làm điều gì đó sai dẫn tới sự chia tay. Tuyệt vọng trong việc đàm phán với chính mình hay với người cũ, trong đầu bạn có thể nảy ra những suy nghĩ mang tính chất cực đoan hay trở thành một con người khác (như mềm mỏng hơn, bớt ghen tuông...) để sửa đổi, trong khi sự thật chỉ càng làm cho nỗi đau hiện tại trở nên nặng nề hơn.

Điều nên và không nên làm:

Nên tạo ra một danh sách những điều bạn tự yêu thích ở bản thân và những điều làm bạn hạnh phúc cũng như những thứ bạn muốn cho tương lai.

Một điều quan trọng là đừng bao giờ thêm vào ý "muốn người ấy quay trở lại" trong bảng danh sách trên.

 

Giai đoạn 6: Trầm cảm "Sẽ không bao giờ tôi có thể quên được anh ấy"

Bạn nhận ra rằng sự mất mát đã trở nên quá quan trọng trong suy nghĩ của bạn. Bạn có thể kết thúctrong một giai đoạn đau buồn sâu sắc, thậm chí giống như cơn trầm cảm nhẹ. Trong thời điểm này, việc ra khỏi nhà cũng trở nên quá khó khăn và bạn thậm chí cảm thấy thân xác cũng có những cơn đau dữ dội do cảm giác bất lực, tuyệt vọng và sự đau khổ gây ra.

Điều nên và không nên làm:

Hãy ở những nơi có thật nhiều ánh sáng mặt trời với những con người vui vẻ cùng những suy nghĩ tích cực của họ.

 Đừng biến mình trở thành nạn nhân của những hành vi thiếu lành mạnh như ăn uống vô tội vạ, không điều độ, không đúng giờ, thiếu dưỡng chất hay chìm đắm trong những cơn say.

 

 

 

Giai đoạn 7: Học cách chấp nhận: "Tôi đã hiểu tất cả và tôi thấy ổn khi chấp nhận sự thật đó".

Học cách chấp nhận sự thực là mối quan hệ đã tan vỡ rất khó khăn mà không phải người nào cũng có thể làm được. Cuối cùng bạn cũng sẽ tìm lại được những cảm xúc đã vô tình đánh mất như cảm giác chào đón cuộc sống và giải tỏa mọi cảm xúc. Hãy nhìn về quá khứ để nói lời chào tạm biệt với nó, đứng trên hiện tại và hướng tới tương lai tươi sáng đang chờ đón bạn ở phía trước. Sau cơn mưa, trời lại sáng, mặt trời sẽ lại tỏa nắng và bạn bắt đầu cảm thấy mình đã trở về đúng với con người mình, đúng với những gì mình có, sẵn sàng để tiến về phía trước.

Điều nên và không nên làm:

Hãy biết trân trọng những gì bạn học được trong sự đổ vỡ của chính mình.

Đừng quá ngạc nhiên nếu trong một khoảnh khắc nào đó bạn vẫn cảm thấy buồn. Điều đó là bình thường. Chỉ cần bạn luôn tin và hy vọng rằng con đường tương lai của bạn sẽ trải đầy hoa hồng và rực rỡ ánh hào quang.

Chúc bạn sớm vượt qua chuyện này nhé!

 

HV

 


Comments