Lễ ăn hỏi và lễ đính hôn khác nhau như thế nào?
(Giúp bạn)
Mình được biết trước ngày cưới sẽ có lễ đính hôn hoặc lễ ăn hỏi, nhưng mình không hiểu lễ đính hôn và lễ ăn hỏi khác nhau như thế nào. Các bạn cho mình hỏi lễ ăn hỏi có gì khác với lễ đính hôn không? Ai biết trả lời cho mình với nhé! Thanks!
Theo phong tục cưới truyền thống của người Việt Nam, lễ ăn hỏi là nghi thức không thể thiếu. Ý nghĩa của lễ ăn hỏi là đánh dấu đôi bạn trẻ chính thức đính ước, trở thành vị hôn phu, hôn thê tương lai của nhau. Dù ý nghĩa tương đồng, nhưng ở hai miền Nam - Bắc, nghi lễ truyền thống này có nhiều điểm khác biệt riêng, trong đó, miền Nam thường gọi là lễ đính hôn, còn ở miền Bắc, các gia đình lại quen với tên gọi lễ ăn hỏi.
1. Lễ ăn hỏi ở miền Bắc
- Thời điểm: Lễ ăn hỏi ở miền Bắc thường diễn ra gần sát ngày cưới, cách lễ đón dâu khoảng một tháng, thậm chí một tuần.
- Địa điểm: Lễ ăn hỏi diễn ra tại nhà cô dâu.
- Phong cách: Người miền Bắc coi trọng nghi lễ truyền thống, nên hầu hết đám hỏi diễn ra trang nghiêm vì có sự tham dự của họ hàng, các bậc phụ huynh lớn tuổi.
- Lễ vật: Mâm tráp trong lễ ăn hỏi là bánh cốm, bánh đậu xanh... hoặc gia đình có điều kiện sẽ chuẩn bị thêm gà, lợn để làm phong phú mâm tráp truyền thống.
- Trang trí: Các gia đình miền Bắc thường không chuộng việc trang trí hiện đại cho lễ đính hôn, nên nhiều gia đình vẫn giữ cách trang trí với phông đỏ, chữ xốp ánh kim. Nhiều nhà hiện đại hơn sử dụng phông bạt, cắt chữ nhưng màu sắc được ưa chuộng nhất vẫn là những gam màu truyền thống như hồng, đỏ, tím.
- Trang phục: Cô dâu sẽ diện áo dài, chú rể mặc vest nghiêm trang và đây là những trang phục không thể thay thế trong lễ ăn hỏi.
2. Lễ đính hôn ở miền Nam
Cùng với tư duy hiện đại ở miền Nam, nhiều cô dâu chú rể chọn cách tổ chức lễ đính hôn ảnh hưởng phong cách phương Tây hiện đại. Một số đôi uyên uonwg trẻ trung không đặt nặng về nghi lễ truyền thống mà chú trọng vào tiệc và chuẩn bị thêm nhiều hoạt động vui vẻ sau tiệc. Nhiều người còn tổ chức tiệc đính hôn long trọng như tiệc cưới.
- Thời điểm: Lễ đính hôn ở miền Nam thường cách xa ngày cưới. Có đôi uyên ương tổ chức đính hôn trước đám cưới tới 6 tháng, thậm chí là một năm. Tuy nhiên theo Quỳnh Anh, một wedding planner ở TP HCM, xu hướng hiện đại nhằm đơn giản thủ tục, nên nhiều gia đình gộp luôn lễ đính hôn vào ngày đón dâu. Như vậy nhà trai chuẩn bị lễ vật, đội bưng quả, đỡ tráp một lần, nhằm tiết kiệm chi phí và giảm gánh nặng cho cả hai gia đình.
- Địa điểm: Lễ đính hôn cũng diễn ra tại nhà gái.
- Phong cách: Ngoài những gia đình truyền thống vẫn giữ không khí ngày đính hôn trang trọng, một số người tổ chức đính hôn với phong cách thân mật, là nơi giao lưu giữa hai gia đình, giống buổi tiệc hơn là buổi lễ. Lễ đính hôn có nhiều phần, mở đầu là đón khách, sau đó là nghi lễ đơn giản, xin phép và ra mặt họ hàng hai bên hợp thức hóa quan hệ.
Sau khi hoàn thành xong các thủ tục truyền thống, nhà gái sẽ đãi tiệc nhà trai nên nhiều gia đình coi lễ đính hôn như tiệc cưới của nhà gái và tổ chức hoành tráng. Trong bữa tiệc, cô dâu chú rể có thể chia sẻ câu chuyện tình yêu của mình và cùng bạn bè ôn lại nhiều kỷ niệm trong chặng đường tình yêu.
- Lễ vật: Theo nghi thức Việt, khi tới lễ đính hôn tại nhà gái, nhà trai vẫn chuẩn bị các mâm tráp với lễ vật tỉ mỉ. Ngoài ra trong lễ đính hôn ở miền Nam thường có phần chú rể trao nhẫn đính hôn hoặc cầu hôn cô dâu trước sự chứng kiến của mọi người. Ở miền Bắc, tới lễ đón dâu, phần trao nhẫn cưới mới diễn ra.
- Trang trí: Dù không phải tiệc cưới, nhưng các gia đình miền Nam khá coi trọng việc trang trí cho lễ đính hôn. Đặc biệt, nếu tổ chức tiệc lớn, việc trang trí càng cầu kỳ.
- Trang phục: Vì đa số tiệc đính hôn gồm phần lễ và phần tiệc nên trong lúc làm lễ ra mắt họ hàng, cô dâu thường chọn áo dài, nhưng tới phần tiệc sau lễ, cô dâu sẽ thay váy dạ hội dáng dài hoặc váy ngắn trẻ trung.
Mỗi miền với nét văn hóa và phong cách riêng, cô dâu chú rể cần tìm hiểu cụ thể về nghi thức cũng như những khâu chuẩn bị cần thiết trong lễ ăn hỏi, đính hôn để buổi lễ diễn ra suôn sẻ, chu đáo,
D.T