Lưu ý khi tiêm thuốc tránh thai?
(Giúp bạn)
Vợ chồng tôi đều sinh năm 82, đã có 1 cháu nhỏ 2 tuổi. Hiện tại, chúng tôi chưa muốn sinh cháu thứ 2 nên đang tìm kiếm cách tránh thai phù hợp. Vì không muốn uống thuốc tránh thai hay dùng bao cao su lâu dài nên chúng tôi áp dụng phương pháp nào đó có hiệu quả trong thời gian tương đối. Theo tôi được biết thì tiêm thuốc tránh thai có thể giúp ngăn ngừa có thai trong vài tháng. Nhưng vì chưa biết cụ thể nên tôi chưa dám áp dụng. Mong nhận được lời tư vấn của chuyên mục.
Thuốc tiêm tránh thai là biện pháp tránh thai tạm thời. Thuốc được tiêm có chứa nội tiết progestin và có tác dụng tránh thai trong vài tháng. Đây là phương pháp được sử dụng cho những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản muốn dùng một biện pháp tránh thai tạm thời và có hồi phục về sau này.
Thuốc tiêm tránh thai có ưu điểm là tránh thai được lâu dài (khoảng 3 tháng) và có hiệu quả tránh thai cao (99,6%). Với đặc tính liều dùng cao, hấp thu chậm nên thuốc luôn luôn có mặt trong cơ thể, phát huy hiệu lực cao, có thể coi như đình sản tạm thời. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế rụng trứng gần như 100%. Ngoài ra, thuốc còn ức chế chất nhầy cổ tử cung cũng rất mạnh, khiến cho tinh trùng không thể thâm nhập được để lên buồng tử cung, niêm mạc tử cung teo đi khiến trứng khó có khả năng làm tổ.
Tiêm thuốc tránh thai là phương pháp được sử dụng cho những phụ nữ muốn dùng một biện pháp tránh thai tạm thời và có hồi phục về sau này. Ảnh minh họa
Thuốc tiêm tránh thai phù hợp cho những phụ nữ khó dùng các biện pháp tránh thai khác, ví dụ như bị tác dụng phụ do estrogen (có trong viên thuốc tránh thai loại uống) hoặc không thể dùng được estrogen do chống chỉ định hoặc những người hay bị các triệu chứng tiền kinh nguyệt như đau bụng nhiều vào thời gian rụng trứng...
Tuy nhiên, đây cũng không phải là biện pháp tránh thai phù hợp với tất cả chị em, Những chị em bị ung thư vú, lớn tuổi, hút thuốc lá, tiểu đường, tăng huyết áp, thuyên tắc mạch,ra máu âm đạo bất thường chưa được chẩn đoán nguyên nhân, bệnh lý gan nặng… cần hết sức chú ý khi muốn dùng phương pháp này. Tốt nhất, trong trường hợp này, chị em nên tham khảo tư vấn của bác sĩ chuyên sản khoa để biết mình có phù hợp với tiêm thuốc tránh thai hay không.
Tuy nhiên, thuốc tiêm tránh thai có nhược điểm là nếu chẳng may có tác dụng phụ không chịu đựng được thì lại không thể đưa thuốc ra nhanh khỏi cơ thể. Một nhược điểm khác là hay gây rối loạn kinh nguyệt, mất kinh.
Sau khi ngừng tiêm thuốc tránh thai, kinh nguyệt của phụ nữ không đều ngay, thậm chí có người bị mất kinh trong thời gian dài. Việc thụ thai sẽ khó khăn hơn với những phụ nữ có chu kỳ kinh không đều.
Vì vậy, bạn nên cân nhắc cẩn thận và đi khám sức khỏe tổng thể trước khi quyết định có lựa chọn tiêm thuốc để tránh thai hay không. Dựa vào tình trạng sức khỏe và nhu cầu hiện tại của bạn, các bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên nên sử dụng biện pháp tránh thai nào là phù hợp nhất.
HA