Ly hôn, làm thế nào để con đỡ tổn thương?

16:09 07/11/2014

(Giúp bạn)

Tôi có hai cháu trai một 10 tuổi, một 12 tuổi. Vợ chồng tôi quyết định chia tay, thỏa thuận mỗi người nuôi một con.

Nhà hai chúng tôi cũng gần nhau. Tôi rất băn khoăn và thương các con phải chia rẽ anh em mỗi người một nơi và không biết sẽ ảnh hưởng đến các cháu thế nào. Giải pháp nào là tốt nhất cho các con? Tôi xin cảm ơn! (Nguyen Hanh)


Trước hết, tôi xin chia sẻ với chị về hoàn cảnh của gia đình cũng như những băn khoăn của chị đối với các cháu. Trong hoàn cảnh hiện tại, để giúp các cháu thì cha mẹ cần nghiêm túc đánh giá xem việc ly hôn đã thay đổi bối cảnh và những nguồn lực cũng như gây ra những sức ép nào trong cuộc sống của trẻ.

Tôi xin đưa ra 4 khó khăn chung như sau để giúp chị định hướng suy nghĩ:

- Sự vắng mặt của cha/mẹ:

Ly hôn làm cho trẻ mất đi sự quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ trong học tập và cuộc sống đối với trẻ ở ông bố hoặc bà mẹ không có quyền nuôi con. Kể cả việc cha mẹ bình thường không dành được thời gian nhiều bên con nhưng bố mẹ vẫn được xem như một nguồn hỗ trợ về cảm xúc, bảo vệ, hướng dẫn và giám sát con cái. Trong một số gia đình cách thức giải quyết vấn đề này là tìm một người lớn khác (như ông bà hoặc người thân) để bù đắp cho một số chức năng của cha/mẹ vắng mặt.

- Tâm lý của cha/mẹ đơn thân sau ly hôn:

Ly hôn còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của cha mẹ (thường là ức chế và lo âu). Từ đó dẫn đến những cảm xúc xấu và ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc con cũng như làm giảm tính hiệu quả trong việc chăm sóc con, có xu hướng kỷ luật khắc nghiệt hơn với con. Trẻ sẽ tốt hơn nếu cha mẹ nhận ra được điều này và cố gắng bày tỏ sự yêu thương, giải thích hợp lý cho các nguyên tắc mới và có sự giám sát ôn hòa hơn.

- Xung đột giữa cha mẹ sau ly hôn:

Trẻ có thể bị mâu thuẫn về lòng trung thành sau khi cha mẹ ly hôn trong trường hợp sau khi ly hôn bố mẹ vẫn tiếp tục mâu thuẫn với nhau (ví dụ về việc hỗ trợ con cái, thời gian thăm con) và cố gắng kéo trẻ về phía mình. Trong trường hợp đó, nếu trẻ chỉ tạo một liên minh với bố hoặc mẹ và ít gặp người còn lại có lẽ sẽ đỡ bị giằng xé hơn và sẽ làm giảm các cảm giác băn khoăn, lo lắng và tội lỗi hơn.

- Sức ép về kinh tế và cuộc sống:

Ly hôn có thể dẫn tới những khó khăn về mức sống dẫn đến việc người cha/mẹ phải làm việc nhiều hơn, ít quan tâm chăm sóc đển trẻ. Ly hôn cũng có thể gây cho trẻ những sức ép khác từ dư luận xã hội hoặc việc tái hôn của bố mẹ. Cần có sự chuẩn bị trước về tâm lý cho trẻ và hỗ trợ trẻ trải qua giai đoạn khó khăn này.

Như vậy, yếu tố quan trọng nhất cha mẹ nên làm là duy trì một trạng thái “thuận tình ly hôn”, giảm thiểu các mâu thuẫn và tranh chấp không cần thiết sau ly hôn để không làm cho con cái cảm thấy giằng xé hoặc tội lỗi.

Thứ nữa, nếu cha mẹ có thể đạt được thỏa thuận cùng chung nuôi con (tức là các con vẫn thường xuyên nhận được sự hỗ trợ, chăm sóc và tư vấn về những vấn đề quan trọng như vào học trường nào) từ cả bố lẫn mẹ thì sẽ giảm thiểu các tác động tiêu cực từ ly hôn.

Cuối cùng, cha mẹ phải chuẩn bị tâm lý trước cho con trước những áp lực từ cuộc sống sau khi ly hôn, nhất là về những sự kiện thay đổi lớn (như tái hôn). Nếu cha mẹ thấy con cái có vẻ như không vượt qua được giai đoạn khủng hoảng sau ly hôn, hãy tìm đến sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn (các chuyên gia tâm lý).

Thạc sĩ Trần Thành Nam


Comments