Nâng cấp tablet lên windows 7, nên hay không?
(Giúp bạn)
Có nên nâng cấp hệ điều hành của netbook (máy tính sổ tay) đang dùng lên Windows 7 Starter?
Có thể bạn ạ. Tuy nhiên trước khi nâng cấp, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Những câu hỏi nhỏ
Điều cần lưu ý là tất cả phiên bản 32-bit của Windows 7 đều yêu cầu cấu hình phần cứng tối thiểu như nhau. Microsoft cũng cho biết hầu hết netbook đều có thể chạy cả với Windows 7 Ultimate (phiên bản cao cấp nhất). PC World Mỹ thử nghiệm trên Lenovo IdeaPad S10-2 cho thấy, phiên bản Starter chạy nhanh nhưng không nhiều so với bản Home Basic và Home Premium. Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy, Home Basic chạy nhanh hơn Home Premium chút ít mà nhiều khả năng là do giao diện đồ họa Aero Glass.
Ngoài việc không hỗ trợ Aero Glass thì bản Starter còn thiếu 1 số tính năng khác như khả năng xuất hình ảnh ra nhiều màn hình cùng lúc, không hỗ trợ phát đĩa DVD, tiện ích Windows Media Center và khả năng cá nhân hóa màn hình nền. Theo Microsoft, sự giản lược các tính năng này nhằm giảm giá thành chứ không ảnh hưởng đến hiệu năng xử lý. Do đó, nếu đang có ý định nâng cấp Windows 7, hãy chọn phiên bản phù hợp với cấu hình netbook để có được hiệu năng phù hợp.
- Máy tính không khởi động được
Nhiều bạn đọc thường “đổ tội” cho virus (máy tính) khi hệ thống gặp lỗi “màn hình xanh chết chóc” (BSoD) hoặc khi xuất hiện thông báo rằng không có hệ điều hành tồn tại trên ổ cứng, thậm chí là thông báo hệ thống không có ổ cứng nào cả.
Quan niệm này xuất phát vào khoảng năm 1990 khi các loại virus như Leonardo có thể làm cho máy tính không khởi động và không thể truy xuất dữ liệu. Hơn thế nữa, nếu máy tính nhiễm Leonardo (lây qua đĩa mềm) được khởi động vào ngày 6 tháng 3 thì virus sẽ xoá sạch mọi dữ liệu trên ổ cứng. Tuy nhiên với 1 số kiến thức và kinh nghiệm, người dùng dễ dàng khôi phục lại dữ liệu này.
Việc tạo ra những đoạn mã độc (virus hoặc malware nói chung) là sở thích của 1 số người dùng am hiểu máy tính (tin tặc hay hacker) với nhiều mục đích khác nhau (đa số là xấu). Tin tặc có thể sử dụng máy tính của bạn để gửi thư rác, lây nhiễm malware sang máy tính khác, hay thậm chí dùng làm “hậu cứ” để thực hiện các cuộc tấn công dạng từ chối dịch vụ (DDoS). Nguy hiểm hơn, khi đã kiểm soát máy tính của bạn, tin tặc có thể dễ dàng đánh cắp tài khoản và mật khẩu của thẻ tín dụng.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia bảo mật và kinh nghiệm thực tế của người viết cho thấy nếu máy tính không thể khởi động thì nhiều khả năng không phải do malware gây ra. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết “Máy tính không khởi động” (ID: A1102_102) để biết thêm cách khắc phục sự cố máy tính.
- Bảo mật mạng WiFi
Nếu không kiểm soát, người lạ (hay ứng dụng nào đó) truy cập được mạng WiFi của bạn, chắc chắn chúng sẽ "đánh cắp" băng thông; dấu hiện dễ nhận biết nhất là tốc độ truy cập Internet chậm hơn và nguy cơ đánh cắp thông tin, dữ liệu sẽ xảy ra nếu truy xuất vào máy tính cá nhân.
Do đó, để tăng cường khả năng bảo mật cho mạng WiFi cá nhân, việc đầu tiên cần làm là đảm bảo không ai có thể truy cập được nếu chưa có sự đồng ý của bạn. Hầu hết các bộ định tuyến (router) hoặc access point đều hỗ trợ chế độ mã hóa như WEP, WPA hoặc WPA2, bạn nên tham khảo tài liệu hướng dẫn đi kèm tùy thiết bị đang sử dụng. Việc thiết lập bảo mật cho mạng WiFi đòi hỏi bạn tạo ra một mật khẩu (càng "khỏe" càng tốt) để tin tặc hay người dùng khác khó lòng đoán được. Dĩ nhiên, bạn phải nhớ để nhập đúng mật khẩu này cho mọi thiết bị, từ máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại thông minh, đầu phát đa phương tiện, đĩa cứng dạng NAS hay máy in hỗ trợ mạng không dây.
Ngoài ra, cách để hạn chế sự truy cập của người dùng là sử dụng tính năng lọc địa chỉ MAC của router. Mỗi thiết bị đều được NSX gán sẵn 1 địa chỉ MAC riêng, bạn chỉ việc điền những địa chỉ này vào danh sách được phép kết nối mạng. Với máy tính chạy Windows, mở cửa Command Prompt, gõ vào lệnh ipconfig /all, sau đó ấn . Địa chỉ MAC chính là giá trị ở mục "physical address".