Nguyên nhân gây gàu là gì?
(Giúp bạn)
Nguyên nhân gây gàu da đầu là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng gầu nhưng tựu chung có 2 nguyên nhân chính: gầu nhiều không do bệnh lý và gầu do bệnh lý.
Gầu nhiều không do bệnh lý
- Do da nhờn: Một số người có tình trạng da nhờn. Chất nhờn được tuyến bã tiết ra nhiều khi bắt đầu tuổi dậy thì. Tuyến bã có số lượng nhiều và kích thước lớn ở các vùng da như: trên da đầu phía trước, da mặt (đặc biệt vùng chữ T: trán, mũi, cằm). Khi chất nhờn tiết ra nhiều thì đồng thời cũng tăng xuất hiện gầu nhiều ở vùng da đầu phía trước. Vảy trắng, mỏng, đôi khi thành hẳn một lá to, ẩm ướt, sờ vào thấy nhờn. Sau khi gội đầu khoảng 2 ngày trở ra nhiều người thấy ngứa ngáy khó chịu. Bạn có thể gội bằng các dầu gội đầu chống nhờn. Nếu vảy nhiều (có thể vảy tạo thành do các chủng nấm ký sinh ở trên da đầu trở nên gây bệnh) thì gội bằng haicneal (có chứa ketoconazol 2% và thuốc kháng viêm). Nhiều người gội bằng lá cứt lợn cũng thấy gầu giảm hẳn. Chỉ nên gội 2-3 ngày một lần.
- Do dùng dầu gội không hợp lý: Ngày nào cũng gội, sử dụng dầu gội có chất tẩy mạnh, dùng lượng dầu gội một lần nhiều quá mức cần thiết... Làm như vậy bạn đã vô tình tẩy hết lớp ceramide bảo vệ trên da đầu tạo điều kiện cho các vi khuẩn và vi nấm ký sinh trên da đầu sinh sôi phát triển và trở thành tác nhân gây bệnh. Da đầu ngứa, có nhiều gầu trắng, nhỏ, vụn, đôi khi kèm theo rụng tóc. Bạn nên lựa chọn cho mình một loại dầu gội thích hợp chứa hàm lượng chất tẩy không quá cao. Không nên dùng tùy tiện các loại dầu gội. Gội đầu 3 ngày một lần. Có thể phải có một thời gian chỉ gội đầu bằng bồ kết và chanh để cho da đầu có điều kiện hồi phục.
- Gầu nhiều do để lâu không gội: Có một số người do hoàn cảnh công việc hoặc lý do sức khỏe mà không gội được thường xuyên cũng gây ngứa và có nhiều gầu trên da đầu. Nên gội đầu thường xuyên hơn 3-5 ngày một lần, không nên để qua một tuần không gội. Nếu do tình trạng sức khỏe thì khi gội xong nên sấy khô tóc ngay. Nếu để lâu quá không gội thì các tế bào chết sẽ tích tụ lại cộng với mồ hôi tạo thành các vảy gây bít tắc các lỗ nang lông làm cản trở hô hấp qua da làm cho da đầu dễ mắc bệnh.
Gầu nhiều do bệnh lý
- Nấm: Các chủng nấm khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ sinh sôi phát triển và gây bệnh. Các sợi nấm có khả năng tiêu được chất sừng có trên bề mặt da, móng và tóc. Khi gây bệnh trên đầu chúng sẽ gây bong da trên đầu tạo thành những mảng trắng trông giống như gầu, nền da đỏ, có bờ sẩn mọc xung quanh đám tổn thương. Có thể kèm theo rụng tóc hoặc gãy tóc. Tổn thương tạo thành từng mảng trên da đầu. Giới hạn đám da bị tổn thương với da lành trông rất rõ. Bệnh nấm này có thể lây từ người sang người hoặc từ súc vật sang người. Về điều trị phải xét nghiệm tìm nấm. Nếu xét nghiệm có nấm thì phải dùng dầu gội chống nấm như nizoral, haicneal..., gội 2-3 ngày một lần và bôi các thuốc kháng sinh chống nấm như nizoral, fungiderm, lamisin kèm theo uống một đợt kháng sinh chống nấm. Khi có chỉ định uống kháng sinh chống nấm thì phải có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
- Bệnh viêm da tiếp xúc: Một số người khi dùng dầu gội hoặc thuốc nhuộm tóc, thuốc làm quăn tóc, các loại keo hoặc gôm xịt tóc... do dị ứng với một thành phần nào đó có trong các chế phẩm này mà mắc bệnh viêm da tiếp xúc. Các thể nặng thì có thể gây tiết dịch, chảy nước, mụn nước, mụn mủ cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu. Các trường hợp nhẹ, không có tổn thương rầm rộ trên da mà chỉ hơi ngứa và bong vảy da nhẹ trên đầu trông giống như có nhiều gầu thì bạn phải dừng không tiếp tục dùng các chế phẩm đó nữa đồng thời dùng dầu haicneal gội 2-3 ngày một lần trong một thời gian sau đó lựa chọn cho mình một loại dầu gội thích hợp. Khi đã biết mình bị dị ứng với chế phẩm nào thì không nên dùng lại chế phẩm đó nữa.
- Bệnh viêm da do da dầu: Bệnh này thường gây tổn thương ở các vùng da tiết nhiều chất nhờn như da đầu phía trước, đầu 2 lông mày, 2 cạnh bên của mũi, sau tai, phía trước ngực và phía sau lưng. Trên đầu nếu ở da trẻ dưới 2 tuổi thì tổn thương biểu hiện là các vảy dày, màu vàng, ẩm ướt, đóng thành mảng lớn (dân gian hay gọi là cứt trâu): bôi mỡ salicylé 2% sau đó gội lại bằng chanh. Khi hết vảy thì bôi bằng pesancort hoặc fobancort ngày một lần trong một tuần. Trên da đầu người lớn thì vảy bong dày, vảy có màu trắng hoặc hơi ngả vàng, có thể khô hoặc hơi ẩm ướt. Gội bằng haicneal 2-3 ngày một lần trong một thời gian sau đó gội bằng bồ kết hoặc chanh. Tại chỗ bôi lorinden A hoặc dibetalic ngày một lần trong 2-3 tuần. Khi xét nghiệm có nấm kèm theo thì bôi phối hợp các chế phẩm chống nấm như: nizoral, fungiderm, lamisin ngày một lần trong 2-4 tuần.
- Bệnh vảy nến: Rất nhiều người mắc bệnh vảy nến với khởi đầu là bong da ở trên đầu. Nhiều trường hợp bệnh chỉ tồn tại trên da đầu suốt đời hoặc một thời gian rất dài. Vảy trắng mủn như khảm xà cừ, bong nhiều hoặc có thể đóng thành lớp dày. Nền da phía dưới đỏ hoặc có thể sần lên kèm theo ngứa. Bệnh nhân có thể có rất nhiều tổn thương trên da khắp người kèm theo viêm dày các móng tay, chân và đau các khớp xương. Dùng dầu polytar liquid gội 2-3 lần trong một tuần, không gãi mạnh, không cào, không chà xát làm xây xước da đầu. Tại chỗ bôi lorinden A hoặc dibetalic ngày một lần trong 2-3 tuần. Phải được dùng thuốc để chữa bệnh chính là vảy nến.
Theo chúng tôi, bạn nên đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị hiệu quả.
Chúc bạn mau khỏi.