Những điều các bà mẹ cần lưu ý khi cho con bú là gì?

15:51 07/11/2014

(Giúp bạn)

Những điều các bà mẹ cần lưu ý khi cho con bú là gì? Các mẹ có kinh nghiệm mách em những điều các bà mẹ cần lưu ý khi cho con bú là gì vậy ạ.


Cho con bú là một việc hoàn toàn tự nhiên và thuộc về bản năng của người mẹ, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là việc này sẽ dễ dàng, đặc biệt là lần đầu tiên.

- Các mẹ nên tìm hiểu về cách cho trẻ sơ sinh bú mẹ qua sách vở, bài viết, video, các bà mẹ khác hoặc tham gia một lớp học. Một cách tiện lợi khác là có thể hỏi ngay chuyên gia tư vấn cho con bú hoặc y tá tại bệnh viện hoặc nơi bạn dự định sinh bé.

 

- Chuẩn bị một chiếc gối hoặc một vật mềm tương tự khác được thiết kế chuyên dùng cho con bú, hỗ trợ người mẹ dễ dàng đặt bé ở tư thế thoải mái nhất khi bé bú.

 

- Kết hợp tay và gối để đỡ em bé sao cho miệng bé ngậm vừa khít núm vú.

 

- Bạn đừng mong đợi sữa sẽ ra nhiều ngay từ lần đầu tiên cho con bú. Thực tế, một lượng nhỏ sữa non giàu dinh dưỡng là tất cả những gì bé sơ sinh cần trong lần đầu tiên bú mẹ.

 

- Hãy ghi lại giờ bạn cho con bú, mỗi lần trong bao lâu, và con đã bú bên ngực nào để lần tiếp sau chuyển bên ngực khác cho bé bú đều.

 

- Hãy nạp năng lượng cho cơ thể bằng cách ăn đầy đủ và uống nhiều nước vì nuôi dưỡng con bằng sữa mẹ sẽ lấy đi rất nhiều năng lượng từ chính người mẹ.

 

- Nuôi con bằng sữa mẹ không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ, và những lần đầu có thể gây tổn thương đến cơ thể người mẹ. Núm vú bị đau là một triệu chứng điển hình. Khi đó người mẹ có thể dùng gạc nóng hoặc lạnh để vệ sinh núm vú sạch trước và sau khi cho con bú. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng kem xoa núm vú bị tổn thương theo hướng dẫn của bác sĩ.

 

Với trẻ sơ sinh, bạn nên cho bé bú mẹ thường xuyên, trung bình từ 8 - 12 lần trong 24 giờ. Càng cho bé bú nhiều, cơ thể người mẹ sản xuất ra càng nhiều sữa.

 

Theo hướng dẫn của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), không nhất thiết phải cho con ăn theo một lịch trình cứng nhắc, người mẹ nên cho con bú bất cứ khi nào bé có dấu hiệu đầu tiên của cơn đói, ví dụ như bỗng nhiên bé tỉnh táo hơn, hoạt động nhiều hơn, lần tìm núm vú của mẹ. Khi bé khóc là dấu hiệu bé đã đói điển hình nhất nhưng lại là dấu hiệu muộn, bạn nên bắt đầu cho bé bú trước khi bé khóc đòi ăn.

 

Trong vài ngày đầu tiên, bạn có thể nhẹ nhàng đánh thức bé để bắt đầu cho con bú, và bé cũng có thể ngủ ngay giữa lúc đang bú mẹ. Nếu muốn giữ cho bé tỉnh táo trong khi ăn, bạn có thể bỏ bớt tã lót hoặc các lớp khăn quấn đang bao bọc cơ thể bé. Để đảm bảo bé bú đủ sữa mẹ, bạn có thể đánh thức bé để cho ăn sau bốn tiếng đồng hồ kể từ lần gần nhất mà mẹ cho bé bú.

 

Vì mỗi lần cho bé ăn như vậy có thể lên tới 40 phút, đặc biệt trong những tháng mới sinh, vì vậy mà người mẹ nên chọn một nơi ấm cúng và thoải mái khi cho con bú. Lưu ý giữ bé ở tư thế thích hợp để tránh bị tê tay hoặc mỏi lưng cho mẹ. Một tư thế phổ biến nhất là dùng tay mẹ để đỡ sau đầu của bé, tuy nhiên quan trọng là hãy chọn tư thế mà bạn cảm thấy thoải mái.

 

Nếu bạn đang ngồi, một chiếc gối cho con bú sẽ là một trợ thủ đắc lực cho cả hai mẹ con. Nhiều bà mẹ cũng tự tìm ra những vị trí hay bệ đỡ giúp họ ở trong tư thế thoải mái. Và cho dù bạn ngồi hay nằm thì cũng cần đảm bảo rằng bạn và em bé cảm thấy dễ chịu nhất vì bạn sẽ phải giữ ở vị trí đó trong một thời gian nhất định.

 

Mách mẹ cách cho con bú để không bị viêm tuyến vú

 

Bà mẹ mới sinh con lần đầu thường gặp phải chứng bệnh này. Triệu chứng dễ nhận thấy là: bầu vú nổi u và sưng lên căng tức, sữa ra không đều, cảm giác ớn lạnh hoặc nóng sốt như bị cảm cúm, đầu vú mưng mủ… Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm tuyến vú có thể dẫn đến chứng bại huyết, gây áp xe và phải can thiệp bằng phẫu thuật.

 

Có thể phòng tránh và hạn chế tác hại chứng bệnh này bằng những cách đơn giản dưới đây: 

 

1. Vệ sinh đầu vú

 

Trước và sau mỗi lần cho con bú, bạn nên sử dụng nước ấm cùng khăn mềm để lau rửa đầu vú và khu vực xung quanh thật sạch sẽ, khô thoáng. Khi đầu vú có mồ hôi hoặc bị bụi bẩn bám vào, cần kịp thời rửa sạch.

 

2. Cho con bú đều 2 bên

 

Thông thường cứ sau 3 – 4 giờ đồng hồ là bé lại bú một lần (buổi đêm chỉ cần 1 – 2 lần cho bú). Mỗi lần như vậy, bạn nên cho bé bú ở cả hai bên, bú hết ở bầu vú bên này mới đổi sang bên kia.

 

3. Chú ý vắt sữa thừa

 

Mỗi lần cho con ăn, tốt nhất bạn cố gắng để bé bú hết sữa ở cả hai bên. Nếu sữa nhiều mà bé bú ít, bạn nhớ nhẹ nhàng vắt cạn lượng sữa thừa để tránh tình trạng ứ đọng sữa gây viêm tắc tuyến sữa.

 

4. Cho con bú đúng tư thế

 

Điều này rất quan trọng, bởi nếu đúng tư thế (bé ngồi hoặc nửa nằm nửa ngồi) thì thuận lợi hơn trong việc mút sữa, lực tác động vào đầu vú mẹ được giảm thiểu, đồng thời tránh được tình trạng bé nhay mạnh đầu vú mẹ khi không thấy sữa chảy ra hoặc chảy ít.

 

5. Không nên cho con vừa ngủ vừa ngậm ti

 

Làm như vậy rất dễ khiến bé nhay, cắn vào đầu vú, gây nên tổn thương có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm đầu vú.

 

6. Không mặc áo ngực có gọng kim loại

 

Sữa mẹ thường chảy ra không có thời gian cụ thể, thêm vào đó là sau khi sinh ngực của bà mẹ thường căng, to và chảy xệ. Vì vậy, trong thời gian cho con bú, các bà mẹ không nên mặc áo ngực có gọng kim loại để dòng sữa được lưu thông dễ dàng và tránh tình trạng ứ đọng sữa. Thay vào đó, các mẹ nên mặc áo ngực chuyên dụng dành riêng cho các bà mẹ đang nuôi con bú.

 

7. Điều trị kịp thời ngay khi mới có triệu chứng

 

Nếu núm vú bị nứt hoặc tổn thương nghiêm trọng, bạn tạm thời ngừng cho con bú trực tiếp mà sử dụng dụng cụ hút sữa để lấy sữa ra. Trong trường hợp núm vú mưng mủ, người lại sốt cao, bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chẩn trị kịp thời, nhẹ thì phải uống thuốc kháng sinh, nặng có thể phải phẫu thuật.

 

Chăm sóc tuyến vú ngay từ khi mang thai

 

Khi mang thai đến tháng thứ 4 hoặc 5, bạn nên dùng khăn mềm, nước ấm và xà phòng để cọ rửa nhẹ nhàng hai bên bầu ngực, đặc biệt là núm vú. Làm như vậy giúp tăng cường khả năng phục hồi của lớp da bên ngoài, ngăn ngừa khả năng bị tổn thương của núm vú khi cho con bú.


Comments