Những đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp 2014?
(Giúp bạn)
Năm nay Bộ Giáo Dục có những đề xuất thay đổi như nào cho kỳ thi tốt nghiệp cả nhà nhỉ? Cho mình chút thông tin với ạ? Mình cảm ơn!
Không đợi đến sau năm 2015 khi có chương trình - sách giáo khoa mới, ngay trong năm 2014, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ có những thay đổi rất lớn về kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm vào mục tiêu: giảm áp lực cho học sinh.
Sẽ còn 4 môn thi
Bộ đã hoàn thành dự thảo phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT năm 2014 và các năm tiếp theo (giai đoạn trước khi thực hiện chương trình - sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới) và đang lấy ý kiến đóng góp.
Hình thức thi
Các chuyên gia cho biết dự thảo đưa ra các hình thức thi dự kiến như sau:
- Các môn toán, ngữ văn, địa lý và lịch sử: thi tự luận
- Các môn vật lý, hóa học và sinh học: trắc nghiệm.
- Môn ngoại ngữ có 2 phần: trắc nghiệm và viết luận.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), nói: “Tôi rất hoan nghênh sự thay đổi của Bộ theo hướng giảm căng thẳng đối với kỳ thi này. Rõ ràng, hình thức thi, cách thức tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm qua đã gây áp lực cho học sinh, tốn kém cho xã hội, bức xúc trong dư luận; chưa thực sự kích thích học sinh phấn đấu học tập, rèn luyện một cách toàn diện”.
Điểm thay đổi đầu tiên phải kể đến là giảm số môn thi. Thay vì 6 môn thi như hiện nay (trong đó có 3 môn bắt buộc và 3 môn được công bố vào cuối tháng 3 như trước), Bộ dự kiến sẽ chỉ còn 4 môn. Trong đó, 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn; 2 môn còn lại do thí sinh tự chọn trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử. Điều đáng chú ý là môn ngoại ngữ không nằm trong số môn bắt buộc cũng như tự chọn. Tuy nhiên, học sinh có thể đăng ký thi môn ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp (tùy theo xếp loại của bài thi sẽ được cộng số điểm tương ứng).
PGS Văn Như Cương cho hay ông rất tán thành ý tưởng giảm số môn thi và cho phép học sinh chọn 2 môn còn lại theo đúng nghĩa tự chọn, chứ không phải như hiện nay chờ đến cuối tháng 3 mới công bố môn thi còn lại, gọi là tự chọn nhưng không phải học sinh được chọn mà là Bộ chọn.
Kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp và quá trình học tập
Để đánh giá toàn diện hơn, Bộ dự kiến kết hợp cả thi và xét tốt nghiệp theo hướng: kết quả tốt nghiệp sẽ không chỉ tính điểm của 4 bài thi mà còn cộng với điểm trung bình của năm học lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có).
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng việc kết hợp giữa điểm thi cuối cấp và kết quả học tập, rèn luyện cả quá trình học THPT là cần thiết. Việc này sẽ giúp giảm căng thẳng khi chỉ dồn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT; tạo động lực cho thầy trò dạy thật, học thật trong cả quá trình; hạn chế tình trạng cắt bỏ môn phụ, môn không thi để đối phó với thi cử như hiện nay.
PGS Văn Như Cương nhìn nhận về mặt lý thuyết, phương án này rất hay, tuy nhiên trước khi quyết định, Bộ phải cân nhắc kỹ tình hình thực tế hiện nay. Công tác quản lý, giám sát chất lượng học tập của từng môn học, học kỳ, năm học đã đảm bảo bao nhiêu phần trăm độ tin cậy? Ngược lại, đây sẽ là nơi rất dễ nảy sinh tiêu cực.
PGS Cương nêu ví dụ: Hiện nay, mỗi năm tỷ lệ học sinh của Hà Nội tốt nghiệp THPT loại giỏi khoảng 13 - 14%. Nếu để các trường tự đánh giá thì sẽ không hiếm trường có tới 60 - 70% học sinh giỏi. “Do vậy, nếu có ý định cộng điểm xét tốt nghiệp thì khâu kiểm tra, đánh giá định kỳ của cả quá trình học phải làm thật chặt chẽ, có tiêu chí và kiểm tra, giám sát thường xuyên, công khai hơn”, PGS Cương nói.
Thêm đối tượng miễn thi
Một thay đổi nữa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là ngoài diện học sinh được miễn thi theo quy chế thi hiện hành, Bộ còn dự kiến miễn thi tốt nghiệp cho các học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt. Theo kế hoạch, năm 2014, tỷ lệ miễn thi chung tối đa là 20%; trong các năm sau, có thể xem xét điều chỉnh tỷ lệ này.
Tuy nhiên, để có thể quyết định về thay đổi lớn này, Bộ cũng xác định sẽ phải đưa ra những tiêu chí cơ bản nhất để xác định học sinh được miễn thi, làm cơ sở cho các sở GD-ĐT xây dựng tiêu chí miễn thi cho các trường THPT.
H.D