Những suy nghĩ sai lầm thường mắc về ung thư vú?
(Giúp bạn)
Ung thư vú là căn bệnh thường gặp và khá phổ biến. Nhưng bản thân em chưa có nhiều kiến thức về lĩnh vực này. Mong chuyên mục tư vấn giúp em. Em xin cám ơn.
Ung thư vú ngày càng trở nên phổ biến song vẫn có nhiều cách hiểu “ngây thơ” xung quanh căn bệnh này.
1 - Ung thư có thể “lây lan” trong một gia đình: yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư vú. Các loại gen gây ung thư từng được biết đến là BRCA1 và BRCA2. Những người mang trong mình loại gen trên đối diện với nguy cơ phát bệnh là 40-80. Song điều này không giống cơ chế lây lan ở các bệnh dịch khác
2 - Bạn chỉ chịu ảnh hưởng từ ung thư vú ở mẹ, còn những người khác thì vô can: thực tế tiền sử mắc ung thư vú của bất kỳ người thân nào trong gia đình đều làm tăng nguy cơ ở bạn. Nghiên cứu khoa học cho thấy đàn ông sở hữu gen ung thư vú thường ít có khả năng phát triển thành bệnh hơn so với nữ giới. Vì vậy, nếu bạn muốn tìm hiểu tiền sử mắc bệnh trong gia đình thì bạn nên lưu ý nhiều hơn ở những người phụ nữ bên mình
3 - Ung thư vú chỉ di truyền một thế hệ: cấu trúc gen gây bệnh có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu phụ huynh của bạn có gen bất thường thì khả năng của bạn là 50%, và nó còn tiếp tục “càn quét” ở đời con cháu sau này
4 - Những người không có tiền sử gia đình mắc ung thư vú thì “thoát” bệnh: ung thư vú là hiếm gặp ở các bé gái song khi trưởng thành thì bạn có thể “sập bẫy” bởi vô số nguyên nhân. Khoảng 80% ca ung thư ở nữ được chẩn đoán không liên quan đến vấn đề di truyền. Chính các yếu tố như chế độ dinh dưỡng, hút thuốc lá, lối sống bệ rạc… khiến ung thư dễ dàng tấn công cơ thể
5 - Không có “vũ khí” nào chống lại được ung thư vú: thực tế có rất nhiều cách đơn giản để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Kiên trì tập thể dục ba đến bốn giờ một tuần, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu cồn, ăn trái cây và rau xanh thường xuyên có thể giúp bạn đáng kể. Ngoài ra bạn cũng nên hạn chế tiêu thụ các loại thịt đỏ, thức ăn chiên xào và các đồ nướng cháy đen
6 - Chụp quang tuyến vú giúp ngăn ngừa bệnh phát triển: chụp X - quang tuyến vú đều đặn không thể ngăn chặn hay làm giảm nguy cơ ung thư vú. Việc này chỉ có thể giúp phát hiện bệnh ung thư vú mà thôi. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, bệnh ung thư vú đã tồn tại sáu đến tám năm rồi mới được phát hiện khi bệnh nhân chụp X - quang tuyến vú. Do đó, điều quan trọng là tất cả phụ nữ phải tiến hành thăm khám ngực hàng năm và chú ý tới những thay đổi bất thường trên cơ thể
7 - Sở hữu vòng một nhỏ giúp bạn nằm trong “vòng an toàn”: kích thước khuôn ngực không có bất kỳ liên hệ gì với nguy cơ phát triển ung thư vú. Ung thư vú phát triển trong tế bào tại ống dẫn hoặc tiểu thùy - các bộ phận sản xuất sữa và chuyển sữa tới núm vú. Trong khi yếu tố quyết định khổ ngực là lượng chất béo và mô xơ
8 - Ung thư vú “lây lan” qua đường sữa mẹ: sữa mẹ chỉ cung cấp chất dinh dưỡng giúp bạn phát triển chứ không mang bất kỳ “mầm mống gây bệnh nào”. Cho tới nay, không có bất kỳ bằng chứng nào có thể “đổ lỗi” cho sữa mẹ
9 - Sử dụng điện thoại, sản phẩm chống hôi nách, tia UV gây ung thư vú: thật may mắn, cho đến nay chưa có bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào cho thấy những yếu tố này làm tăng nguy cơ ung thư vú. Tác động của tia UV trong ánh mặt trời chỉ đơn thuần làm tăng nguy cơ ung thư da
10 - Phát hiện ung thư vú đồng nghĩa với việc đương đầu với “án tử”: Hầu hết các bệnh nhân mắc ung thư vú đều được chữa khỏi và thậm chí là đắc thọ, ngay cả những chị em chung sống với căn bệnh này trong thời gian dài. Thêm vào đó, những tiến bộ trong điều trị cũng hứa hẹn mang lại nhiều đột phá mới
HA