Những xét nghiệm chị em phụ nữ tuổi 30 nên làm?
(Giúp bạn)
Phụ nữ 30 tuổi nên làm những xét nghiệm gì? Cảm ơn chuyên mục!
Nhiều chị em phụ nữ chủ quan cho rằng mình có sức khỏe rất tốt nên không có thói quen đi khám bệnh thường xuyên. Điều đó chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều người khi biết mình mắc bệnh đã quá muộn. Thăm khám sức khỏe thường xuyên sẽ giúp kiểm soát và phòng tránh nguy cơ bệnh tật. Dưới đây là những xét nghiệm mà chị em nên làm để chắc chắn mình có một sức khỏe tốt.
Cholesterol
Cholesterol cao là yếu tố nguy cơ cho bệnh tim mạch và cách duy nhất phát hiện ra nó là xét nghiệm. Nếu bạn có LDL hay cholesterol “xấu” cao hơn 130, bạn nên kiểm tra lại định kỳ hàng năm. Nếu nó thấp hơn, bạn có thể đợi 5 năm sau mới cần kiểm tra lại.
Tầm soát ung thư da
U sắc tố và các dạng ung thư da khác không chỉ là mối đe dọa riêng cho những người thích sử dụng giường sưởi nắng. Người có nước da trắng có nguy cơ ung thư da cao hơn người da sẫm. Người từng bị cháy nắng trước tuổi 18 và người từng có người thân mắc bệnh u sắc tố cũng có nguy cơ bị ung thư da cao hơn.
Hãy tự kiểm tra mỗi tháng để xem có nốt ruồi nào biến dạng, to ra hoặc có gờ không đều đặn hoặc đổi màu. Báo với bác sĩ nếu các nốt ruồi hoặc vùng da thay đổi màu, to ra hoặc chảy máu. Nên khám bác sĩ da liễu hàng năm để kiểm tra toàn cơ thể.
Làm xét nghiệm cổ tử cung
Xét nghiệm này để phát hiện viêm nhiễm cổ tử cung và các tế bào bất thường, có thể là dấu hiệu ung thư cổ tử cung. Hướng dẫn mới của Mỹ cho rằng phụ nữ ngoài 30 tuổi nếu có kết quả xét nghiệm 3 năm liên tiếp là “bình thường” thì có thể kéo dài thời gian giữa các lần xét nghiệm lên 3 năm.
Xét nghiệm HPV
Loại xét nghiệm virus này được dùng cho phụ nữ ngoài 30 để phát hiện bệnh lây qua đường tình dục có thể gây ung thư cổ tử cung. Nó được thực hiện trên cùng mẫu lấy để làm xét nghiệm cổ tử cung. Vì thế, khi xét nghiệm cổ tử cung lần tới, hãy đề nghị làm luôn xét nghiệm HPV cùng lúc.
Kiểm tra mật độ xương
Phụ nữ dễ bị mất xương, loãng xương hơn nam giới, đặc biệt sau tuổi 30. Đây là lý do tại sao bạn cần kiểm tra mật độ xương ngay sau tuổi 30. Lặp lại kiểm tra 5 năm/lần là điều cần thiết bởi người phụ nữ bị mất 30% khối lượng xương của mình trong vòng 5 năm từ thời kỳ mãn kinh.
Phụ nữ nhẹ cân có khối lượng xương thấp thì càng có nguy cơ cao. Nếu mật độ xương của bạn có vẻ thấp, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên làm thêm các xét nghiệm để đo tốc độ mất đi khối lượng xương.
Ngoài ra, bạn nên bổ sung canxi cùng với Vitamin D hoặc tập thể dục để củng cố xương của bạn. Nếu bạn được chẩn đoán loãng xương, hãy đi khám bác sĩ sẽ để kê toa thuốc cùng với các khuyến nghị về chế độ ăn uống.
Min