Nước ngọt: Chỉ 2 lon là suy thận?

15:51 07/11/2014

(Giúp bạn)

Em rất thích uống nước ngọt ạ. Nhưng nghe mọi người nói uống nước ngọt gây hại cho thận rất nhiều. Mong chuyên mục tư vấn giúp em vấn đề nàt với ah. Em xin cám ơn


Nếu thường xuyên uống mỗi ngày 2 lon nước ngọt, sẽ làm gia tăng lượng muối trong máu đồng thời tăng protein trong nước tiểu, mà y học gọi là protein niệu, dẫn đến suy thận.

Mới đây, trong một hội nghị quốc tế về thận được tổ chức tại thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ với sự tham dự của gần 2.000 bác sĩ đến từ 96 nước trên thế giới, các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Osaka, Nhật Bản và Đại học Case Western Reserve ở Cleveland, Mỹ đã khiến những người tham dự phải giật mình khi họ đưa ra báo cáo rằng, nếu thường xuyên uống mỗi ngày 2 lon nước ngọt, sẽ làm gia tăng lượng muối trong máu đồng thời tăng protein trong nước tiểu - mà y học gọi là protein niệu, dẫn đến suy thận.

Để có được báo cáo này, Đại học Y khoa Osaka và Đại học Case Western Reserve đã tiến hành thực nghiệm với hơn 12.000 người - là nhân viên và sinh viên của họ. Trong hơn 12.000 người ấy, họ chia thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên gồm 1/3 chỉ uống nước trắng, nhóm thứ hai cũng gồm 1/3 được cho uống mỗi ngày 1 lon nước ngọt và 1/3 còn lại uống 2 lon nước ngọt mỗi ngày.

Sau 3 ngày, 10,7% số người thuộc nhóm thứ 3 xuất hiện protein hàm lượng cao trong nước tiểu, còn nhóm thứ 2 là 8,9%. Riêng với nhóm thứ nhất, tỉ lệ này là 6,8% (nghĩa là nằm trong giới hạn bình thường).

Bình thường, nồng độ protein trong nước tiểu là từ 0,1 đến 1g/l, và 1/3 trong đó là albumin và globulin. Nếu tiểu ra protein nhiều, kéo dài, sẽ làm giảm protein trong máu. Nếu hàm lượng protein trong nước tiểu vượt quá 3g/l thì đó là triệu chứng báo hiệu tổn thương chủ yếu là ở thận, chẳng hạn như viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, viêm ống thận cấp, thận nhiễm mỡ…, và cuối cùng là suy thận.

Tiến sĩ Ryhei Yamamoto nói: “Trong nước ngọt đóng lon, các nhà sản xuất dùng đường fructose - hay còn gọi là đường trái cây để tạo vị ngọt. Tuy nhiên, fructose làm gia tăng sự nhạy cảm của thận với angiotensin II, một protein điều chỉnh sự cân bằng muối”. Điều này có nghĩa là muối được tái hấp thu vào thận, dẫn đến bệnh tiểu đường, béo phì, suy thận, cao huyết áp.

Một khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Mỹ nhấn mạnh, với những người đàn ông trưởng thành, hằng ngày không nên dùng những loại thực phẩm mà lượng đường chứa trong đó vượt quá 9 muỗng cà phê. Với phụ nữ trưởng thành, con số này là 5 muỗng cà phê, còn trẻ em thì không quá 3 muỗng cà phê - trong khi đó 1 lon nước ngọt dung tích 350ml, có khoảng 7 muỗng cà phê đường.

Để ngăn chặn những nguy hại, ngành y tế Anh đã đề xuất tăng thuế nước ngọt đóng lon lên 20% với mục đích làm giảm khoảng 180.000 người béo phì mỗi năm. Thế nhưng, tăng thuế không phải là biện pháp hữu ích.

Ở thành phố New York, Mỹ, vào đầu tháng 3 năm nay, lệnh cấm nước ngọt đóng lon dung tích lớn do Thị trưởng Michael Bloomberg đề xuất đã gặp thất bại khi Hiệp hội Đồ uống Mỹ (ABA) cho rằng “đây là một sự can thiệp chưa từng có trước lựa chọn của người tiêu dùng”, và ABA đã yêu cầu tòa án phán quyết. Kết quả là... ABA thắng kiện.

HA


Comments