Phải làm sao khi bố mẹ giận nhau?

16:08 07/11/2014

(Giúp bạn)

Xin chào chuyên mục. Cháu năm nay học lớp 9. Bố mẹ cháu đều làm kinh doanh toàn đi làm từ sáng đến tối mịt mới về và rất hay cãi nhau khiến cháu rất chán và mệt mỏi mỗi khi về nhà. Chuyên mục có thể cho cháu biết phải làm sao khi bố mẹ cãi nhau được không ạ? Cháu cảm ơn


 

Bên cạnh những niềm vui ấm áp, gia đình nào cũng sẽ có những lúc giận hờn, cãi vã. Vậy khi bố mẹ có “chiến tranh nóng” hay "chiến tranh lạnh" bạn sẽ phải làm những điều gì?

 

1. Giữ vị trí trung lập

Khi bố mẹ khai ngòi chiến tranh, bạn sẽ là người đứng giữa, ở vị trí trung lập. Dù bạn biết nguyên nhân từ đâu cũng đừng phán xét hay thêm lời vào cuộc cãi vã của hai người vì có thể đó sẽ là “giọt nước tràn ly", dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Bạn hãy thoải mái, tươi cười, nói những câu nhẹ nhàng, hài hước như "Mai mốt con đi học xa hai người ở nhà cứ cãi nhau thế này thì con ở nhà thôi?", "Có hai người ở với nhau đến suốt cuộc đời thôi nhé, con phải đi lấy chồng xa, hic hic"… (những cái này mình hay nói với bố mẹ mình, còn bạn thì tùy vào đặc điểm của gia đình nhé). Hoặc bạn cũng có thể lái sang chủ đề nào đó như: dự án nội thất đang dang dở của của bố, quán đồ gia dụng đang giảm giá, vấn đề học hành – thi cử của bạn… miễn sao “đánh lạc hướng" khỏi cuộc công kích đang diễn ra của hai người.

 

 

 

2. Bạn phải lắng nghe cả hai bên

Tạo điều kiện để từng người nói lên suy nghĩ của mình nhưng không được đánh giá ngay ai đúng ai sai. Khi biết tiếng nói riêng của bố mẹ, bạn hãy tạo cơ hội để tất cả cùng ngồi xuống lắng nghe lẫn nhau và giải quyết khúc mắc. Sự mềm dẻo, linh hoạt và tinh ý của bạn sẽ là phương tiện để mọi thông điệp được gửi đi và nhận lại đầy hiệu quả. Khi được ngồi cùng nhau, nói ra hết thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng rất nhiều.

 

3. Hãy ở nhà nhiều hơn

Đúng hơn là bạn nên dành thời gian rảnh ở gần bố mẹ nhiều hơn. Khi chiến tranh xảy ra thì cả hai sẽ cùng xuống tinh thần. Với mẹ, bạn có thể sẽ nhận ra ngay nhưng với bố thì phải tinh ý, nhạy bén. Cho nên bạn cần gần gũi, nói chuyện động viên hai người. Những mẩu chuyện nhẹ nhàng, tươi sáng; quyển album gia đình cũ cùng những hình ảnh bạn “dì –zai “ riêng sẽ có "công lực" rất lớn trong khoảnh khắc này. Những kỉ niệm, tình thương gia đình được gợi lên, ấm nóng cũng là lời nhắc hai phụ huynh đang ở hai chiến tuyến.

 

Bây giờ chính là lúc bạn thực hiện những dự định của mình như: làm bánh, nấu một món "tủ", tỉa cây, trồng cây mới với bố (thời tiết đang rất lí tưởng để trồng và chăm sóc cây), học sửa một món đồ điện tử nào đó, cùng nhóc em tập bài hát gia đình có kèm vũ đạo "tự biên" để hát tặng bố mẹ, đi dã ngoại ngay trong thành phố nếu thời gian không cho phép… hoặc đơn giản chỉ là nói: “Chúng con yêu bố mẹ!”.

 

 

 

4. Đừng nhắc lại những đau thương đã qua

Khi hòa bình lập lại, thật tuyệt khi cuộc sống gia đình lại yên bình như xưa. Có thể bố mẹ vẫn còn ngần ngại, bởi vậy bạn nên tiếp tục những “chiến thuật" ở trên. Dù trong lúc chiến tranh, bố mẹ có nặng lời, cãi vã, đưa ra những cách giải quyết đầy “sát thương"… cũng chỉ là những lời nói trong lúc giận dữ và có đôi chút thất vọng, cô đơn giữa bộn bề cuộc sống… Dù là bố mẹ nhưng  hai người cũng có lúc cảm thấy mệt mỏi với nhiều thứ. Vô tình hay cố ý, nói lại những điều đó sẽ làm bố mẹ mặc cảm, có lỗi với chúng mình dù sự thực là không hề; hay cảm thấy ngại ngùng, buồn bã với nửa còn lại; trường hợp xấu nhất có thể là “thế chiến thứ 3" khai ngòi…  Cái gì đã qua thì hãy để nó qua, cùng hướng đến cuộc sống tươi đẹp ngày mai.

 

Trên đây là một số điều bạn có thể làm khi bố mẹ "xung đột". Là con, nhiều lúc chúng ta phải thực sự hiểu cho người lớn cũng như ta được tha thứ, yêu thương khi đi qua những lỗi lầm. Với tình yêu thương bố mẹ, gia đình của mình thì bạn nào cũng sẽ có những cách để giảng hòa, hàn gắn nơi bình yên nhất của cuộc đời.

 

Mỗi chúng ta hãy là một đại sứ hòa bình trong chính vương quốc nhỏ của mình, bạn nhé!

 

HV

 


Comments