Phát hiện được nguy cơ tự tử thông qua xét nghiệm máu?
(Giúp bạn)
Có thông tin sẽ phát hiện được nguy cơ tự tử thông qua xét nghiệm máu có đúng không?
Phát hiện "dấu hiệu tự tử" trong máu người
Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện một loại "dấu ấn sinh học" có thể giúp phát hiện sớm nguy cơ tự tử ở người thông qua xét nghiệm máu.
Các nhà nghiên cứu vừa mới phát hiện ra một chuỗi dấu ấn sinh học RNA (axit ribonucleic) trong máu có thể được dùng để tiến hành một xét nghiệm nhằm dự đoán nguy cơ tự tử ở con người.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Molecular Psychiatry này đã phân tích một nhóm nhiều bệnh nhân nam được chẩn đoán mắc chứng tâm thần lưỡng cực trong 4 nghiên cứu thuần tập trong thời gian 3 năm.
Các nhà tâm thần học và các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Y khoa Indiana, Mỹ đã phỏng vấn một loạt bệnh nhân. Đó là bài phỏng vấn làm cơ sở cho nghiên cứu, tiếp theo là 3 lần thăm khám và lấy máu của bệnh nhân định kỳ 3 hoặc 6 tháng.
Trong mỗi lần thăm khám này, bệnh nhân sẽ được chấm một mức điểm tâm thần dựa theo “Thang điểm Trầm cảm Hamilton-17”. Thang điểm này gồm các mức từ ý tưởng tự tử cho tới mức độ cảm xúc tự tử. Sau đó các đối tượng nghiên cứu được lấy máu.
Các nhà nghiên cứu phân tích các mẫu máu của những bệnh nhân có chuyển biến lớn từ không hề nghĩ tới việc tự tử cho tới ý tưởng tự tử mạnh mẽ.
Kết quả phân tích cho thấy có sự khác biệt lớn về gen giữa những bệnh nhân có mức độ suy nghĩ về việc tự tử nhiều với những người ít nghĩ về việc tự tử.
Các nhà nghiên cứu tuyên bố bên cạnh một loạt các dấu hiệu khác, họ đã tìm ra dấu ấn SAT1, một “dấu ấn sinh học” mạnh mẽ gắn liền với ý tưởng về việc tự tử.
Để minh chứng cho phát hiện này, các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu máu từ thi thể các nạn nhân tự tử tại một phòng pháp y. Các mẫu máu này cho thấy một số dấu ấn sinh học xuất hiện nhiều hơn.
Các nhà nghiên cứu sau đó phân tích kết quả xét nghiệm máu từ 2 nhóm bệnh nhân khác. Họ nhận ra rằng những người có mức độ dấu ấn sinh học này cao hơn trong máu có liên quan tới tỉ lệ nhập viện vì tự tử cao hơn trong tương lai cũng như quá khứ.
Tiến sĩ Alexander Niculescu thuộc Đại học Y khoa Indiana nhấn mạnh rằng tuy họ rất tự tin khi khẳng định những dấu ấn sinh học này sẽ được sử dụng trong các xét nghiệm huyết học tương lai để phát hiện nguy cơ tự tử nhưng các đối tượng nghiên cứu của họ lần này đều là nam giới.
Ông Niculescu nói: “Có thể có những khác biệt về giới tính. Chúng tôi cũng muốn thực hiện những nghiên cứu toàn diện và tiêu chuẩn hơn trong cộng đồng dân cư.” Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn muốn kết hợp kết quả xét nghiệm máu với các yếu tố nguy cơ về tiền sử bệnh và nhân khẩu-xã hội học nhằm tăng khả năng dự đoán hành vi tự tử.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những dấu ấn sinh học này kết hợp với các dữ liệu khác có thể giúp các bác sĩ xác định những người có nguy cơ tự tử cao để có biện pháp can thiệp, tư vấn và giúp đỡ họ tìm lại niềm tin vào cuộc sống.