Phòng và điều trị rôm sảy mùa hè như nào?
(Giúp bạn)
Phòng và điều trị rôm sảy mùa hè như nào?
Đặc điểm của rôm sảy
Rôm sảy là tình trạng nhiễm khuẩn da cấp tính, kết hợp sự bít kín lỗ thoát mồ hôi. Biểu hiện của bệnh là từng mảng da hoặc một vùng da ửng đỏ, xuất hiện những mụn nước li ti, đôi khi là các mụn nhỏ có mủ trắng. Vị trí nổi rôm sảy có thể ở khắp nơi trên cơ thể, ở lỗ chân lông, có thể là ở quanh cổ, ngực, lưng, trán, đùi... Thời tiết càng nóng bức thì bệnh càng rầm rộ. Những nơi rôm sảy gây ra tình trạng ngứa ngáy, bứt rứt khó chịu, trẻ em bị bệnh thường quấy khóc và rất thích được gãi nhẹ vào vùng bị bệnh.
Hậu quả của tình trạng này là mồ hôi không tiết ra được, làm cho cơ thể bị nhiễm độc nhẹ, cơ thể mất đi một yếu tố giải nhiệt vì khi thời tiết nóng bức, mồ hôi sẽ thoát ra và bốc hơi để giải nhiệt cho cơ thể. Đối với những người mắc rôm sảy nặng, đặc biệt là có những mụn mủ li ti thì nguy cơ xuất hiện mụn nhọt trên da là rất lớn nếu không được vệ sinh da hằng ngày sạch sẽ. Cũng có những trường hợp dẫn đến viêm da mạn tính làm cho da không tiết được mồ hôi. Hiếm gặp hơn là nhiễm khuẩn do ngứa gãi dẫn đến viêm cầu thận cấp (tuy hiếm gặp nhưng nếu bệnh xảy ra thì vô cùng nguy hiểm).
Vì sao rôm sảy xuất hiện?
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng rôm sảy. Các yếu tố thường gặp là sự keratin hóa lớp tế bào thượng bì, đó là lớp tế bào trên cùng của da bị khô đi do nắng nóng. Những người hay ra nắng mà không đội mũ, nón và mặc quần áo chống nắng rất dễ mắc bệnh. Bên cạnh đó thì mùa hè, thời tiết nóng ẩm cũng là điều kiện thuận lợi gây nhiễm khuẩn ở các lỗ chân lông, nhất là các vùng da bị quần áo che khuất. Vi khuẩn staphylococcus là hay gặp nhất. Sự mất nước, mất chất béo của lớp tế bào thượng bì cũng gây ra hiện tượng này.
Chế độ dinh dưỡng và vệ sinh thân thể cũng ảnh hưởng đến sự hình thành bệnh. Người ta cho rằng mùa hè nếu ăn nhiều những thức ăn có nhiều đường, đạm, mỡ, ăn mặn, uống ít nước cũng làm cho rôm sảy phát triển mạnh hơn, ngược lại nếu ăn những thức ăn dễ tiêu, nhiều rau, trái cây tươi, uống nhiều nước... sẽ hạn chế được bệnh.
Khi lớp tế bào của thượng bì bị khô, cộng với mồ hôi, bụi bặm và cáu ghét bám trên da nên lỗ thoát mồ hôi bị bít kín, nhưng mồ hôi vẫn tiếp tục tiết ra, làm gia tăng áp lực trong ống dẫn mồ hôi, ống dẫn bị giãn nở, sau đó bị nứt ở ngang lớp malpighi, tạo ra những nang nhỏ. Đồng thời xảy ra sự sung huyết các mạch máu biểu bì. Trong những ngày sau, hiện tượng sừng hóa tiếp tục xảy ra, làm bít kín những nang này, tạo sự tắc nghẽn ống dẫn mồ hôi ở đoạn sâu hơn, ống dẫn có thể bị nứt lần thứ 2 và tạo ra một nang khác cũng sâu hơn. Giai đoạn tạo ra những nang cấp tính ngoài da, những sẩn đỏ nhìn thấy được diễn ra ngắn hơn nhưng tạo ra những nang sâu trong da thì kéo dài trong nhiều tuần. Những nang ở sâu tạo nên những sẩn màu trắng giống trên da. Vì thế trên một vùng da có thể có hai loại tổn thương. Khi tất cả các lỗ chân lông bị bít kín, vùng da đó hoàn toàn bị khô ráp.
Phòng và điều trị rôm sảy
Nếu trên da chỉ xuất hiện những mảng sần đỏ thì cần nhanh chóng làm thoáng mát phần da này. Nếu đã có dấu hiệu nhiễm khuẩn ngoài da như các nốt rôm bỗng to khác thường, chứa nhiều mủ trắng, các mụn nhọt xuất hiện thì phải đến khám và điều trị tại các chuyên khoa da liễu. Về mùa hè, các bà mẹ cũng hay sử dụng phấn rôm cho trẻ nhưng phải dùng những loại phấn rôm được kiểm nghiệm y tế, tránh tình trạng càng làm bít tắc da trẻ hoặc tạo môi trường cho vi khuẩn và nấm da phát triển mạnh hơn.
Để phòng bệnh, mọi người, đặc biệt là trẻ em không nên để cơ thể bị tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời, đi ra ngoài nên đội mũ, nón và không nên ra ngoài khi trời nắng nóng. Cho trẻ em sống trong môi trường rộng rãi, mặc quần áo thoáng mát, làm bằng cotton thấm hút mồ hôi tốt, không nên dùng tã giấy (bỉm) cho trẻ trong mùa hè. Hằng ngày phải tắm rửa, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, nên ăn nhiều vitamin có trong rau xanh, trái cây tươi, uống nhiều nước.