Siêu phẩm đối đầu: Màn hình ai đẹp nhất?

16:15 07/11/2014

(Giúp bạn)

Siêu phẩm đối đầu: Màn hình ai đẹp nhất?


 

Chưa bao giờ cuộc so găng giữa các smartphone hàng đầu đến từ những nhà sản xuất "hạng nhất" lại sôi động đến vậy. Và tính năng màn hình luôn là 1 trong những tiêu chí đầu tiên được cân nhắc khi người tiêu dùng chọn mua điện thoại. Hiểu được điều đó, tất cả các hãng sản xuất đều nỗ lực đem vào trong sản phẩm của mình những công nghệ tiên tiến nhất mà họ có trong tay. Tuy nhiên trong thời buổi "vàng thau lẫn lộn" đôi khi những công nghệ mà nhà sản xuất đem vào màn hình của mình lại chỉ đơn thuần là 1 cái tên nghe rất kêu và hoàn toàn không có tác dụng gì đáng kể. 
Hôm nay GenK.vn và hệ thống cửa hàng CellphoneS vinh dự hợp tác để đem tới bạn đọc bài viết đánh giá chất lượng màn hình của 4 smartphone cao cấp nhất ở thời điểm hiện tại từ 4 nhà sản xuất Sony, HTC, Samsung và Nokia. Hãy cùng chúng tôi mổ xẻ phân tích để biết đâu là những tính năng thực sự cải thiện chất lượng hình ảnh và đâu là những tính năng chỉ "dành cho quảng cáo".
Siêu phẩm đối đầu: Màn hình ai đẹp nhất? 1
4 smartphone xuất hiện trong bài thử là (theo thứ tự từ trái qua trong ảnh): Sony Xperia Z, HTC One, Samsung Galaxy S4, Nokia Lumia 920.
Thông số kỹ thuật

Siêu phẩm đối đầu: Màn hình ai đẹp nhất? 2
Phương pháp thử nghiệm
Không hướng tới 1 bài thử chuyên nghiệp, GenK chỉ thực hiện 4 bài test đơn giản: Thử nghiệm độ sáng và khả năng tái tạo màu trắng, khả năng tái tạo màu đen, khả năng tái tạo chi tiết trong điều kiện màu sắc phức tạp và cuối cùng là góc nhìn. 4 bài test được thiết kế để thử nghiệm tác động của những công nghệ mà các hãng quảng cáo trên sản phẩm của mình lên chất lượng hiển thị trong thực tế. Ở đây vì giới hạn khách quan chúng tôi không thực hiện được bài thử dưới nắng. Tôi cũng quyết định không thực hiện bài thử độ nét vì thực tế là ở mật độ điểm ảnh của cả 4 smartphone, độ nét của cả 4 gần như là tương đương và hầu như không thể phân biệt được sự sai khác chỉ bằng mắt thường. Vì lẽ đó, một bài test độ nét có lẽ là điều không cần thiết.
Bài thử số 1: Độ sáng và khả năng tái tạo màu trắng
Siêu phẩm đối đầu: Màn hình ai đẹp nhất? 3
Từ trái qua: Xperia Z, One, Galaxy S4, Lumia 920. Tất cả các màn hình thiết lập sáng 100%. 
Bạn đọc bấm chuột phải vào ảnh và chọn open in new tab để xem cỡ đầy đủ.
Bài thử này để đánh giá 2 thông số rất quan trọng là độ sáng và khả năng tái tạo màu trắng của 4 màn hình. Như bất kỳ 1 bạn đọc nào từng học qua vật lý lớp 9 đều biết rằng màu trắng thực ra là sự kết hợp của 7 đơn sắc cơ bản. Nếu màn hình smartphone có thể tái tạo được màu trắng tốt đồng nghĩa với việc 7 màu cơ bản sẽ được thể hiện một cách cân bằng và chân thực, không bị ngả sang các sắc thái khác. Đây là 1 yếu tố quan trọng khi smartphone thể hiện ảnh chụp từ camera của máy. Màu sắc được tái hiện càng chân thực tức là khi bạn upload ảnh lên facebook hoặc các trang chia sẻ ảnh và người khác xem từ máy tính hoặc các thiết bị khác sẽ thấy hình ảnh với sắc màu truyền tải đúng ý đồ của bạn. Rất nhiều người từng "vò đầu bứt tai" khi ảnh nhìn trên màn hình điện thoại thì có 1 kiểu màu nhưng khi xem trên máy tính sắc thái màu lại hoàn toàn thay đổi. Màu trắng hiển thị tốt cũng khiến việc duyệt web dễ chịu hơn vì hầu hết các trang web đều chọn màu trắng là màu nền cơ bản. Bên cạnh đó độ sáng màn hình cũng là 1 yếu tố quan trọng. Độ sáng cao khiến smartphone hiển thị dưới nắng gắt tốt hơn và linh hoạt hơn trong các môi trường ánh sáng phức tạp. 
Trong bài thử này phần thắng tuyệt đối rõ ràng thuộc về HTC One. Màu trắng trên màn hình của HTC One rất gần với sắc trắng tuyệt đối, bên cạnh đó độ sáng của màn hình HTC One cũng là cao nhất, thực tế là nếu bật hết độ sáng trên màn One và nhìn ở môi trường tối người sử dụng còn có thể cảm thấy hơi hoa mắt vì... quá chói. 
Về thứ 2 là Lumia 920. Thể hiện màu trắng khá ưa nhìn và gần như tương đồng với HTC One, Lumia 920 chỉ thua kém HTC One đôi chút về độ sáng. Tiếp theo Galaxy S4 cũng gây nhiều bất ngờ ở bài thử này. Lý do là vì từ trước tới nay các sản phẩm sử dụng màn thuộc họ AMOLED của Samsung thường bị chỉ trích về tình trạng sai màu, màu trắng thường bị ngả xanh (như Galaxy S3) hoặc ố (như trường hợp của Galaxy SII). Rõ ràng ở Galaxy S4, Samsung đã rất nỗ lực cải thiện khả năng tái tạo chính xác màu sắc của màn hình AMOLED bằng cách bổ sung thêm nhiều chế độ hiển thị. Dù vậy, yếu điểm truyền kiếp của màn hình AMOLED là độ sáng vẫn chưa được cải thiện đáng kể, màn hình của Galaxy S4 vẫn là màn "tối" nhất trong 4 sản phẩm thử nghiệm. Độ sáng thấp gây ảnh hưởng nhiều tới khả năng hiển thị ngoài nắng của Galaxy S4. Dù vậy tôi vẫn ưu ái xếp Galaxy S4 ở vị trí thứ 3 vì ở bài thử này ưu tiên số 1 vẫn là khả năng tái tạo màu trắng, sau đó mới là độ sáng.
Đáng thất vọng nhất trong số 4 thiết bị thử nghiệm là Sony Xperia Z với màu trắng đã ngả sắc... nước chè. Đây cũng không phải là lỗi của riêng 1 thiết bị thử nghiệm mà dường như là lỗi chung của dòng Xperia Z vì 1 số máy khác tôi từng cầm qua cũng có hiện tượng này. Dù không có gì đáng phàn nàn về độ sáng của Xperia Z nhưng màu nền sai đến độ này thì thật sự rất khó tha thứ. Đặc biệt khi Sony lại là 1 trong những hãng sản xuất tấm nền LCD lớn nhất thế giới thì thiếu sót này lại càng đáng trách hơn khi hãng không chăm chút cho "gà nhà".
Kết luận: Tất cả các sản phẩm (trừ Xperia Z) đều có thể hiện rất đáng khen, HTC One xứng đáng về nhất trong bài thử đầu tiên.
Bài thử số 2: Màu sắc, độ tương phản trong điều kiện màu sắc, ánh sáng của hình ảnh phức tạp
Siêu phẩm đối đầu: Màn hình ai đẹp nhất? 4
(Theo chiều kim đồng hồ, bắt đầu từ góc trên bên trái) Galaxy S4, One, Lumia 920, Xperia Z. 
Bạn đọc bấm chuột phải vào ảnh và chọn open in new tab để xem cỡ đầy đủ.
Đây là 1 bài thử tương đối phức tạp và kết quả cho ra cũng không kém phần thú vị. Bài test này nhằm kiểm tra khả năng thể hiện các vùng tương phản sáng tối, tương phản màu trên cùng 1 khung hình. Thực hiện bài test này tốt đồng nghĩa với việc smartphone có khả năng hiển thị ảnh chụp với nhiều chi tiết hơn, sắc sảo hơn, xem film, xem ảnh "đã" mắt hơn. Các bạn hãy bấm vào để xem hình lớn và cùng chú ý vào các ngôi sao trên nền trời cũng như phần mây màu vàng cam ở góc bên dưới tay trái màn hình của cả 4 thiết bị. 
Trước hết hãy bắt đầu từ màn hình có thể hiện kém nhất trong bài test: Galaxy S4. Số lượng ngôi sao trên màn hình của Galaxy S4 khá thưa thớt, rất nhiều ngôi quá mờ hầu như bị màu đen "nuốt" mất, phần mây màu vàng ở góc bên dưới tay phải của Galaxy S4 cũng là mờ nhạt, ít chi tiết nhất trong số cả 4 thiết bị. Đây nhiều khả năng là hậu quả đến từ độ sáng màn hình thấp nhất của Galaxy S4. Vì vậy khi đứng 1 mình và xem trong môi trường thật tối, các chi tiết này vẫn có thể lờ mờ thấy được, tuy nhiên khi đặt cạnh các smartphone có màn hình sáng hơn, Galaxy S4 lập tức tỏ ra lép vế. Dù màu sắc rất "rực", 1 ưu điểm của màn thuộc họ AMOLED trên Galaxy S4 phần nào "chữa cháy" cho thiếu sót này, nhưng vẫn không thể khỏa lấp đi vị trí cuối bảng của siêu phẩm đến từ Samsung trong bài test này.
Đồng hạng khuyến khích trong bài thử này là Lumia 920 và One. Dù có đánh bật lên được 1 vài chi tiết như phần mây, 1 vài "ngôi sao cô đơn" nhưng màn hình của cả 2 thiết bị này vẫn còn bị thiết bị dẫn đầu bỏ 1 khoảng khá xa về độ chi tiết. Trong 2 thiết bị One có "khá khẩm" hơn đôi chút nhưng không thực sự bứt phá nên tôi quyết định xếp 2 máy này đồng hạng.
Ở bài thử này, Mobile Bravia Engine 2 (MBE2) trên Xperia Z chứng tỏ rằng mình không phải là 1 tính năng "chỉ để quảng cáo". Được giới thiệu là 1 thuật toán giúp cải thiện độ tương phản của hình ảnh hiển thị trên màn Xperia Z, MBE2 đem lại kết quả thực sự ấn tượng, đánh bật lên tất cả những chi tiết bị "bỏ quên" ở các smartphone khác. Số lượng sao trên màn hình của Xperia Z phải nói là "chi chít", ngay cả các ngôi sao rất le lói cũng được hiển thị rõ ràng, chi tiết, vùng mây với độ sáng rất thấp cũng được đánh bật lên, hiển thị sắc sảo, đã mắt. Có thể nói chỉ ở trên màn hình của Xperia Z bức ảnh mới được hiển thị ở mức 100% chi tiết. Dù vậy, có lẽ cần phê bình Xperia Z khi tăng độ tương phản hơi quá lố làm "cháy" mất phần vạch sáng chạy ngang dưới chân khung hình, làm mất đi 1 số chi tiết hiển thị rất đẹp trên các màn hình khác, đặc biệt là ở màn của Galaxy S4.
Kết luận: Không cần nói nhiều, Xperia Z về nhất, Galaxy S4 xếp cuối bảng, One và Lumia 920 nắm tay nhau về nhì.
Bài thử số 3: Góc nhìn
Siêu phẩm đối đầu: Màn hình ai đẹp nhất? 5
Từ trái qua: Xperia Z, Galaxy S4, One, Lumia 920. Độ sáng màn hình set 100%.
Bạn đọc bấm chuột phải vào ảnh và chọn open in new tab để xem cỡ đầy đủ.
Góc nhìn cũng là 1 yếu tố quan trọng trên màn hình smartphone. Góc nhìn rộng đồng nghĩa với việc bạn có thể thoải mái dùng máy ở mọi tư thế mà ko lo hình ảnh bị sai màu, lóa hay chóng mỏi mắt.
Trong bài thử này, Galaxy S4 nhẹ nhàng về nhất với khả năng tái tạo màu sắc và độ sáng gần như nguyên vẹn so với khi nhìn thẳng ngay cả ở góc trông rất hẹp. Và thực lòng mà nói, ở bài test màn hình rất khó để các màn hình thuộc họ LCD có thể qua mặt được màn AMOLED vì đặc điểm cấu tạo của họ màn hình này luôn cho góc nhìn rất rộng. Lumia 920 ngậm ngùi xếp thứ 3 khi rõ ràng độ sáng của hình ảnh bị giảm khá nhiều so với khi nhìn thẳng. One vẫn bình tĩnh giữ vị trí số 2 vì bảo toàn màu sắc rất tốt dù độ sáng có giảm đi đôi chút. 
Vị trí về bét lại một lần nữa thuộc về Xperia Z. Công nghệ TFT trên Xperia Z thể hiện rõ yếu điểm của mình ở mảng góc nhìn khi so sánh với các đối thủ AMOLED và LCD. Không chỉ sai màu, khi thay đổi góc nhìn màn hình của Xperia Z còn bị lóa khiến màu đen đổi thành màu xám nhờ nhờ và đốt cháy hết các chi tiết ở vùng sáng trong bức ảnh nhìn khá là khó chịu.
Kết luận: Galaxy S4 về nhất, One nhì, Lumia 920 về 3 và Xperia Z đội sổ.
Bài thử số 4: Màu đen
Siêu phẩm đối đầu: Màn hình ai đẹp nhất? 6
Từ trái sang: Lumia 920, Galaxy S4, Xperia Z, HTC One. Độ sáng set ở 100%.
Bài thử khả năng tái tạo màu đen chủ yếu phục vụ cho mục đích... nằm trên giường tắt đèn xem phim của người dùng. Bất kỳ ai từng tắt đèn xem phim bằng điện thoại đều có thể hiểu được cảm giác khó chịu khi 2 viền đen ở khung hình thay vì tối đi thì lại phát ra 1 thứ ánh sáng lờ mờ, gây mất tập trung và tức mắt cho người xem. Bên cạnh đó thử màu đen có thể phát hiện các khuyết tật về mặt gia công như lỗi hở sáng, khuyết tật tấm nền.
Về nhất trong bài thử này, dĩ nhiên, lại là Galaxy S4 với khả năng hiển thị màu đen "như tắt màn hình". Thực vậy, với ưu điểm các pixel hiển thị màu đen của màn AMOLED hoàn toàn không phát sáng, Galaxy S4 khiến bản thân tôi cũng không thể phân biệt được là màn hình của máy đang bật màu đen hay là đã bị tắt đi. Rất may tôi nghĩ ra "sáng kiến" bấm vào nút menu cho sáng lên để chứng minh rằng máy vẫn đang bật. Đáng ra lần này Xperia Z lại 1 lần nữa về bét vì khả năng hiển thị màu đen lóa nhòa, quá tệ nhưng phút chót tôi quyết định cho Lumia 920 đội sổ vì 2 lý do. Thứ 1 là Nokia quảng cáo Lumia 920 có công nghệ ClearBlackDisplay (CBD). Về nguyên tắc, CBD đáng ra phải đem lại cho màn của Lumia 920 1 màu đen sâu, ít nhất là ngang ngửa chiếc One về nhì. Nhưng rõ ràng CBD trên Lumia 920 chỉ là 1 tính năng "nhìn cho đẹp" vì màu đen của Lumia 920 khá tệ. Bên cạnh đó, nếu chú ý kỹ bạn có thể dễ dàng nhận ra Lumia 920 là chiếc duy nhất bị lỗi hở sáng ở mép phải, dù nhẹ nhưng vẫn là có. HTC One vẫn giữ phong độ cực kỳ ổn định bằng 1 màu đen rất đáng khen ngợi.
Kết luận: Galaxy S4 về nhất, One về nhì, Xperia Z về 3 và Lumia 920 về cuối.
Thay cho lời kết

Cả 4 smartphone đều có những ưu nhược riêng, và còn 1 bài test dưới ánh nắng mặt trời mà tôi không thể trình bày ở đây, ở bài thử này Galaxy S4 lại 1 lần nữa đội sổ, HTC One có thể hiện tốt nhất trong khi Xperia Z và Lumia 920 không có gì đặc sắc. Tuy nhiên chúng ta có thể tạm phân loại như sau: Galaxy S4 là màn hình phục vụ việc xem film tốt nhất nhờ màu đen sâu và độ sáng phù hợp. Xperia Z mạnh nhất mảng xem ảnh và xem film ở nơi sáng sủa tuy nhiên cần cẩn thận vì với cách tự ý tăng tưởng phản của bức ảnh để thêm thắt chi tiết, rất có thể bạn sẽ ngã ngửa khi ảnh nhìn trên máy 1 đằng mà đổ ra PC lại 1 kiểu. HTC One xuất sắc trong tất cả các tác vụ và đặc biệt mạnh trong khâu duyệt web nhờ màu trắng ưa nhìn. Lumia 920 cũng là 1 màn hình tốt tuy nhiên Nokia cần xem xét lại chiến lược quảng cáo của mình, lời nói cần đi đôi với thực tế.

 


Comments