Thiếu chất có thể gây trầm cảm ở phụ nữ?

15:51 07/11/2014

(Giúp bạn)

Em ăn kiêng để giảm béo nên lương thức ăn của em không đầy đủ chất dinh dưỡng. Nhưng có phải ăn uống không đủ chất khiến cho phụ nữ trầm cảm không ạ?


Sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, vitamin B1, vitamin B6 và vitamin B12 ở phụ nữ có thể gây đau đầu, mệt mỏi, trầm uất... Vậy làm thế nào để tránh tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng này ở phụ nữ?

Phụ nữ luôn luôn được cho là tình cảm hơn những người đàn ông. Tuy nhiên, đôi khi tâm trạng không tốt của phụ nữ thường có liên quan với việc thiếu các chất dinh dưỡng. Dưới đây là 5 loại chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến tâm trạng của phụ nữ.

Thiếu sắt

Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất, là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng hemoglobin (Hb) trong máu xuống thấp hơn bình thường do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu. Thiếu máu dinh dưỡng thường xảy ra ởtrẻ em, học sinh và phụ nữ có thai.

Thiếu máu thường có biểu hiện da xanh, niêm mạc nhợt, chóng mặt, hay mệt mỏi, khó thở, tim đập nhanh khi làm việc nặng , gắng sức. Xét nghiệm định lượng Hemoglobingiảm dưới ngưỡng qui định của Tổ chức Y tế Thế giới .

Để phòng chống thiếu máu thì khi có thai người mẹ cần ăn uống đủ chất, sử dụng các thực phẩm giàu sắt ( thịt, cá, trứng, gan…). Uống bổ sung viên sắt, acid folic để phòng thiếu máu cho mẹ, đồng thời tăng dự trữ sắt cho con.

Thiếu kẽm

Việc cơ thể không được cung cấp đủ chất kẽm gây tình trạng u uất, tình cảm không ổn định, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống tình dục. Đường và rượu cản trở việc hấp thu kẽm nên không được dùng nhiều.

Kẽm là nguyên tố kim loại rất cần thiết cho cơ thể. Người phụ nữ được bổ sung đầy đủ lượng kẽm sẽ dễ dàng thụ thai hơn. Kẽm cũng có vai trò tương đối quan trọng trong các hoạt động sinh lý của cơ thể người.

Trước hết kẽm là thành phần cấu tạo không thể thiếu của rất nhiều loại men cần thiết cho một loạt các phản ứng sinh hóa trong cơ thể, có tầm ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động trao đổi chất. Nếu thiếu kẽm, vị giác của con người sẽ kém nhạy bén, ít có cảm giác thèm ăn, không hấp thụ được hết các chất dinh dưỡng trong thức ăn, ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của cơ thể.

Để phòng ngừa thiếu kẽm, bạn nên chọn thức ăn giàu kẽm như hàu, gan, thịt đỏ, trứng, ngũ cốc thô, các loại đậu, các loại rau, củ, trái cây... nhưng cần ăn cân đối thức ăn thực vật và động vật. Cũng có thể chọn dùng các thực phẩm có bổ sung kẽm, một số chế phẩm chứa vitamin muối khoáng có hàm lượng kẽm khá đầy đủ.

Thiếu vitamin B1

Việc thiếu vitamin này không chỉ gây phù chân, viêm thần kinh, dị ứng thần kinh mà còn làm cho cơ thể mệt mỏi, mất tự chủ, rơi vào trạng thái bất thường. Những người uống quá nhiều rượu, khảnh ăn, sử dụng thuốc tránh thai dài kỳ rất dễ bị thiếu vitamin B1. Để phòng chống tình trạng trên, cần uống ít rượu, ăn nhiều ngũ cốc. Việc uống hoặc tiêm vitamin B1 chỉ là biện pháp bất đắc dĩ.

Thiếu vitamin B6

Thiếu vitamin B6 có thể gây hưng phấn, khó chịu, tăng phản xạ và viêm dây thần kinh ngoại vi. Hơn nữa, nó cũng có thể dẫn đến đau đầu, khó chịu, buồn ngủ, trầm cảm và thậm chí tâm thần. Nói chung, các loại hạt và bắp cải có chứa một hàm lượng cao vitamin B6, vì vậy phụ nữ bị các triệu chứng này có thể ăn nhiều hơn những thực phẩm này.

Thiếu vitamin B12

Khi thiếu vitamin B12, phụ nữ trung niên (đặc biệt là những người uống thuốc tránh thai dài kỳ, ăn ít thịt) thường có cảm giác trì độn, chân tay mỏi nhừ, viêm lưỡi, tiêu chảy... Do đó, trong bữa ăn, nên bổ sung vitamin B12. Các loại thực phẩm khác giàu vitamin B12 bao gồm động vật có vỏ, cá, lòng đỏ trứng... Ngoài ra, lá trà cũng có chứa một số lượng lớn các vitamin B12. Tiêm vitamin B12 cũng là giải pháp hữu hiệu.

Triệu chứng trầm cảm ở phụ nữ

- Buồn dai dẳng, lo lắng và buồn phiền, không quan tâm đến niềm vui trong hoạt động và tình dục.

- Cảm giác tội lỗi, vô dụng, bất lực, bi quan, tuyệt vọng.

- Bồn chồn, khó chịu hay khóc.

- Ngủ quá nhiều hoặc quá ít.

- Mất cảm giác ngon miệng và/hoặc tăng cân hoặc giảm cân nhanh chóng

- Giảm năng lượng, mệt mỏi, cảm thấy “chậm lại”

- Suy nghĩ về cái chết hoặc ý định tự tử hoặc cố gắng tự tử.

- Khó tập trung, ghi nhớ hoặc đưa ra quyết định

- Triệu chứng bệnh lý điều trị dai dẳng không khỏi như đau đầu, rối loạn tiêu hóa, đau mãn tính.

HA


Comments