Tránh bất đồng với cha mẹ trước cưới?
(Giúp bạn)
Em sắp cưới rồi, em nghe bạn bè nói những lúc như thế này cần phải tránh bất đồng với mọi người và cần phải tránh một số điều, em không rõ đó là những điều gì. Có ai biết có điều gì cần tránh khi chuẩn bị cưới không? Chỉ cho mình biết với! Thanks!
Cô dâu chú rể sắp cưới không chỉ "quay cuồng" trong những công việc cần chuẩn bị mà đôi khi sẽ gặp phải tranh cãi đến từ gia đình. Do sự khác nhau về thế hệ, có nhiều vấn đề khiến các bậc phụ huynh và cô dâu chú rể không đồng quan điểm. Ví dụ cha mẹ hai bên gia đình có thể không đồng ý về nơi đãi khách, hay không muốn uyên ương trang tiệc với màu sắc, phong cách trẻ trung... Để tránh điều này, cặp đôi nên nghĩ tới những giải pháp thiết thực, quan trọng nhất là không nên tranh cãi hay to tiếng với cha mẹ vì việc đó có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ với gia đình và làm hỏng ngày vui của bạn.
1. Cố gắng để cha mẹ hiểu đám cưới là ngày vui của hai bạn
Một trong những cách tránh tranh cãi đó là tâm sự, chia sẻ với cha mẹ về ngày vui sắp tới, để các phụ huynh hiểu đám cưới là ngày bạn mong đợi nhất và là ngày trọng đại của hai bạn. Nếu dự định tổ chức tiệc cưới với những phần khác biệt, trẻ trung, cặp đôi nên dành nhiều thời gian thuyết phục cha mẹ để hai người ủng hộ kế hoạch cưới. Việc uyên ương thường xuyên nhẹ nhàng, thủ thỉ giải thích cho cha mẹ sẽ tạo hiệu quả lớn vì đa số phụ huynh đều "xiêu lòng" với cách thuyết phục ngọt ngào.
2. Tránh những sự khó chịu không đáng có
Nếu biết cha mẹ không thích một người họ hàng nhất định nào đó, thì cô dâu chú rể không nhất thiết phải mời người đó tới đám cưới. Bạn không nên mang tới cảm giác khó chịu cho cha mẹ trong ngày vui vẻ. Để chu đáo hơn, uyên ương trực tiếp gửi thiếp báo hỷ tới người họ hàng để thông báo về đám cưới như một sự tôn trọn cần thiết.
3. Chứng tỏ khả năng tổ chức của mình
Để nhận được sự ủng hộ từ gia đình, đôi uyên ương không thể chỉ thuyết phục bằng lời mà còn cần chứng minh bằng hành động. Bạn nên để cha mẹ xem kế hoạch chi tiết những công việc bạn sẽ làm cho đám cưới để các bậc sinh thành hiểu được sự đầu tư chuẩn bị của bạn.
Chú rể có thể tự viết kịch bản MC trong tiệc, còn cô dâu chuẩn bị mua sắm mọi thứ cần thiết hoặc đi tham khảo giá cả các đồ lễ, phụ kiện cưới để sau đó gửi bảng giá chi tiết từng dịch vụ cho bố mẹ. Lúc đó, cha mẹ sẽ nhận thấy hai bạn thực sự có khả năng tổ chức đám cưới của mình và sẽ ủng hộ phong cách đám cưới hiện đại.
4. Tự chi trả phần lớn cho đám cưới
Hầu hết những tranh cãi trong đám cưới đều có liên quan tới chi phí, ngân sách. Từ trước đến nay, các gia đình Việt Nam thường có suy nghĩ, cha mẹ phải lo toan cho con cái toàn bộ đám cưới. Khi bố mẹ là người đứng ra lo liệu chính cho đám cưới, thì các cô dâu chú rể sẽ phải nghe theo ý kiến của phụ huynh về chương trình lễ thành hôn, số lượng khách mời hay thậm chí cả phong cách tiệc, trang trí.
Với nhiều cặp đôi cá tính, muốn thiết kế đám cưới theo ý mình thì đây sẽ là việc không mấy vui vẻ, nhiều khi còn dẫn đến bất đồng. Để tránh tranh cãi hiệu quả, cô dâu chú rể nên tự trả phần lớn các chi phí, hoặc chi tiền cho những phần mình quan tâm nhất như váy áo, chụp ảnh cưới, trang trí tiệc, hoặc cả trăng mật
5. Nhượng bộ một số chi tiết nếu gia đình quá khắt khe
Trong trường hợp đôi uyên ương đã thử mọi cách thuyết phục từ lời nói đến việc làm mà cha mẹ vẫn phản đối, bạn nên nhượng bộ một số chi tiết liên quan đến phong tục truyền thống như lễ ăn hỏi, đón dâu và bày tỏ mong muốn được sáng tạo trong tiệc. Thông thường đa số các vị phụ huynh đều quan trọng các nghi lễ truyền thống, còn cô dâu chú rể có thể sáng tạo trong trang trí, kịch bản tiệc cưới.
Việc bất đồng do quan điểm hai thế hệ khác nhau là điều thường xuyên xảy ra khi đôi uyên ương chuẩn bị tổ chức cưới, nhưng yếu tố quan trọng nhất giúp bạn hóa giải điều này là cần nhẹ nhàng thuyết phục cũng như kiên nhẫn để cha mẹ hiểu được thành ý và cách thức của bạn. Có như vậy đám cưới mới diễn ra vui vẻ trọn vẹn nhất.
D.T