Triệu chứng và cách chăm sóc trẻ khi mọc răng như thế nào?

15:51 07/11/2014

(Giúp bạn)

Triệu chứng và cách chăm sóc trẻ khi mọc răng như thế nào? Mọi người chỉ cho tôi triệu chứng và cách chăm sóc trẻ khi mọc răng như thế nào với, thanks all.


Mọc răng là phần quan trọng trong quá trình phát triển của bé. Nó có thể làm cho bé khó chịu một thời gian nhưng có nhiều cách để bạn giảm đau cho bé. Bài viết này sẽ chia sẻ một vài lời khuyên để giúp bé thoải mái trong giai đoạn này.

 

Các triệu chứng khi mọc răng

 

Mọc răng là một phần của sự phát triển của bé và là một trong những giai đoạn đau đớn nhất của bé trong năm đầu đời. Hầu hết các bé mọc những cái răng đầu tiên vào khoảng 6 tháng tuổi, hoặc có thể mọc răng trong giai đoạn từ 3 đến 12 tháng tuổi. Theo bác sĩ nhi khoa Lori Walsh, MD của Bệnh viện Nhi Memorial ở Chicago thì ở độ tuổi này, trẻ sơ sinh có xu hướng đưa mọi thứ vào miệng. Một số cha mẹ có thể nhầm lẫn hiện tượng này là bé sắp mọc răng. Tuy nhiên, vẫn chưa thể kết luận được vì có thể đó là sự phát triển bình thường của bé khi bắt đầu khám phá thế giới quanh bé bằng miệng.

Bệnh tật

 

Bạn có thể nhận thấy trẻ thêm cáu kỉnh, không ngủ ngon vào ban đêm, hoặc bị sốt. Đây không nhất thiết là dấu hiệu mọc răng. Bé có thể bị bệnh. Hãy nhớ rằng, trẻ rất dễ nhiễm nhiều loại bệnh ở độ tuổi này. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi cho trẻ uống thuốc dành cho trẻ mọc răng.

Răng đầu tiên

 

Khoảng 6 đến 12 tháng răng đầu tiên của bé sẽ bắt đầu nhú lên. Răng đầu tiên của trẻ phổ biến nhất là hai răng cửa dưới. Sau đó sẽ mọc hai răng cửa trên. Nhú răng mới có thể gây đau cho con trẻ, vì thế cha mẹ có thể làm dịu cơn đau của bé bằng cách dùng tay sạch cọ xát lợi của bé.

 

Từ 13 đến 19 tháng tuổi, bé sẽ bắt đầu mọc răng hàm đầu tiên và răng nanh. Cha mẹ nên chú ý là răng hàm là răng lớn nhất, vì thế mọc răng hàm sẽ gây đau đớn nhất.

Chảy nước dãi

 

Trước khi răng xuất hiện, em bé của bạn sẽ bắt đầu chảy rất nhiều nước dãi. Điều này có thể là do quá trình mọc răng hoặc do sự phát triển của răng miệng trong giai đoạn này. Chảy nước dãi quá mức này có thể gây phát ban đỏ và gây khó chịu trên cằm của bé. Để ngăn chặn điều này, vỗ nhẹ cằm của trẻ với một chiếc khăn ấm trong suốt cả ngày. Các bác sĩ nhi khoa cũng khuyên bạn nên thoa một chút dầu lên cắm trẻ để giảm bớt phát ban.

Biện pháp tự chế

 

Các bậc cha mẹ có những cách khắc phục riêng cho con mình khi mọc răng và có rất nhiều thứ đơn giản trong nhà của bạn có thể giúp bé cảm thấy thoải mái hơn. Tiến sĩ Walsh khuyên rằng bạn có thể thử cho bé nhai một chiếc khăn lạnh. Ngoài ra, việc xoa nhẹ nướu là một biện pháp hữu hiệu giúp bé giảm đau.

Thuốc mọc răng

 

Sau mọi nỗ lực bạn vẫn thấy bé đau nhiều khi mọc răng, bạn có thể cho bé uống thuốc Benzocaino nhưng nó cần phải được sử dụng đúng liều lượng. Benzocaino sẽ làm tê nướu của bé, nhưng Tiến sĩ Walsh cảnh báo rằng bạn không nên sử dụng nó nhiều lần một ngày vì nó có thể làm tê liệt phần phía sau của cổ họng. Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, bạn có thể sử dụng Acetaminophen hoặc Ibuprofen với một liều lượng nhất định để giảm đau. Hãy nhớ luôn tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi cho bé bất cứ loại thuốc nào.

Làm sạch răng của bé

 

Một khi răng mới đã đến, giống như răng người lớn, răng sữa dễ bị tích tụ mảng bám, dẫn đến sự đổi màu. Không sử dụng kem đánh răng cho đến khi trẻ đủ tuổi biết nhổ ra - khoảng 2 hoặc 3 tuổi. Bạn nên đánh răng cho trẻ với một bàn chải nhỏ mềm và nước. Bạn cũng có thể sử dụng ngón tay để đánh răng cho trẻ.

Cách chăm sóc khi trẻ mọc răng:

 

Trước khi răng nhú lên, bạn sẽ thấy lợi của bé đỏ và sưng to, kèm theo sốt nhẹ. Mọc răng thường làm bé bị đau và rất khó chịu, do đó bé hay quấy khóc và lười ăn, thậm chí có thể sút cân. Vì vậy bạn nên vỗ về bé, thay đổi chế độ ăn của bé bằng bột, sữa hoặc cháo loãng.

 

Nếu bé sốt trên 38,5oC, bạn có thể cho bé uống thuốc hạ sốt, nhưng theo chỉ dẫn.

 

Bé cũng có thể đi ngoài phân nhão, sệt 3-4 lần/ngày, trong vòng khoảng 3-7 ngày. Nếu bé đi ngoài phân sệt nhiều lần trong ngày nhưng lượng phân và lượng nước ra ít thì không cần cho uống bù nước, vẫn cho ăn uống bình thường. Nếu phân nhiều nước hoặc bé đi quá nhiều lần thì nên đưa đến bác sĩ.

 

Giữ vệ sinh răng miệng tốt cho bé: Sau khi ăn, nên cho bé uống một ít nước lọc để súc miệng, sau đó lau răng bằng khăn mềm; hoặc đánh răng cho bé. Nên làm thường xuyên nhiều lần trong ngày.

 

Bé có thể ngứa lợi, thích mút ngón tay, cắn các vật rắn. Do đó bạn nên chọn cho trẻ loại đồ chơi bằng chất liệu mềm, có hình tròn. Những đồ chơi vuông thành sắc cạnh rất nguy hiểm vì dễ làm tổn thương lợi và ảnh hưởng không tốt đến quá trình mọc răng của trẻ. Tốt nhất bạn hãy thay thế đồ chơi hàng ngày của bé bằng những miếng lê, táo hay cà rốt nhỏ.

 

Hãy mang bé đến bác sĩ nếu tình trạng quấy khóc, không chịu ăn kéo dài trong một tuần lễ, có nguy cơ gây chậm tăng cân, sụt cân. Nếu bé chỉ ăn ít trong vài ngày thì có thể không cần đi khám.

 

Nếu trẻ được 12 tháng mà chưa thấy răng nào mọc thì phải coi là bất thường do thiếu dinh dưỡng, còi xương, cần cho trẻ ăn nhiều chất đạm, uống vitamin, đặc biệt là vitamin D.

Tổng hợp


Comments