Truyện ngắn hay 20/11?

16:25 07/11/2014

(Giúp bạn)

Bọn em sắp phải nộp báo tường rồi mà chưa làm được bài truyện ngắn nào về thầy cô ngày 20/11 cả, mấy bạn lớp em cũng không có. Có anh chị nào có chuyện ngắn về thầy cô hay nhân ngày 20/11 không ạ? Cho em xin em tham khảo với! Em cám ơn các anh chị nhiều ak!


Mình sẽ cũng cấp cho bạn một số câu truyện ngắn hay về thầy cô giáo, bạn có thể tham khảo để làm cho báo tường ngày 20/11 :)

 

Câu chuyện 1: Người thầy, người cha thứ 2 của đời con!

Khi viết lên những dòng này có lẽ thầy của con đang say sưa giảng bài trên lớp cho học sinh của mình. Con biết có thể thầy sẽ không bao giờ đọc được những dòng này nhưng con vẫn muốn viết ra bằng tất cả tình cảm, lòng kính trọng của mình để tri ân thầy, tri ân người cha thứ hai trong cuộc đời của con.

Thầy là một người giáo viên tỉnh lẻ bình thường, một giáo viên vùng sâu vùng xa của đất Đồng Nai. Nhiều người cứ nghe đến Đồng Nai lại cho đó là một tỉnh giàu có, song bên cạnh đó vẫn còn nhiều những vùng quê nghèo như quê ta thầy nhỉ. Con viết những dòng này trong giờ nghỉ trưa tại cơ quan, khi mà con bất chợt đọc được Nét bút tri ân trên báo Tuổi trẻ. 

Cảm xúc của con lúc này mãnh liệt và dâng trào quá, con cũng không biết viết từ đâu, viết như thế nào. Cuộc đời con thầy không sinh con ra nhưng thầy là người đã giúp con nhận thức được giá trị của cuộc sống, nhận thức được giá trị của đồng tiền, giá trị của sức lao động và là điểm tựa để con bắt đầu một cuộc đời mới sau vấp ngã đầy cay đắng và tủi nhục.

Con lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, cái nghèo làm người ta thua thiệt và tủi thân. Chính vì thế ngay từ nhỏ con đã quen cuộc sống thiếu cái ăn cái mặc, quen những bộ quần áo cũ khi nhìn bạn bè mặc quần áo tây sơ mi thơm trắng sáng, quen đi dép nhựa rách phải hàn bằng mủ cao su bên những đôi xăng đan Bitis thơm mùi nhựa mới, quen những bữa cơm chỉ có nước mắm ăn với rau muống luộc bên những bữa cơm có thịt cá đủ đầy của chúng bạn, quen với một buổi cắp sách đến trường còn một buổi đi làm thuê cuốc mướn kiếm bát cơm no lòng.

Cha mẹ luôn động viên chúng con cố gắng học để có cái chữ, để mà thoát nghèo. Vì thế con cố gắng học, con có thể nghèo hơn, ăn mặc rách nát hơn nhưng con sẽ học giỏi hơn những người bạn của mình, con luôn xác định như vậy để vươn lên. Con cảm thấy hạnh phúc ngập tràn khi mười hai năm liền mình làm lớp trưởng, mười hai năm đạt thành tích cao, tự hào với giấy khen của trường, của sở đào tạo cho kết quả học tập, thành tích “học sinh nghèo vượt khó học giỏi”…

Ngày con học xong cấp ba và thi đậu đại học con đã khóc như một đứa trẻ, con đã làm được một điều tưởng như không thể khi thi đậu đại học, con là điểm sáng của cả cái xã nghèo này. Trong mười hai năm đó thầy là người giúp con rất nhiều để con có thể củng cố kiến thức học tập, ôn luyện để con thi đại học. Ngày con lên đường đi nhập học thầy không có gì nhiều ngoài những lời nhắn nhủ tâm huyết và một ít tiền dành dụm gởi con làm quà. Thầy ạ đối với con số tiền đó là nước mắt, là công sức lao động, là những đêm không ngủ soạn giáo án của thầy, cầm nó con lại nấc ngẹn không nói nên lời.

Cuộc sống ở Sài Gòn khác xa cái cảnh ở quê nghèo và con bị choáng ngộp thật sự, con có cảm giác ở đây người ta sống nhanh quá, gấp gáp quá. Con học đại học nhưng cũng như thời ở quê một buổi lên giảng đường, một buổi đi làm thêm, con phải tiết kiệm lắm mới có thể tạm đủ sống để đi học. Ngày đó con lúc nào cũng ốm yếu vì thiếu ăn, chỉ có thầy biết rõ nhất, những bức thư hai thầy trò mình gởi con đã nói rất rõ. Thầy đã động viên con để con học, cố gắng từng ngày từng ngày một vì ước mơ thoát nghèo của con, thầy nói ước mơ thoát nghèo của con cũng là ước mơ của cả đời thầy.

Vậy mà năm cuối đại học khi mà kỳ thực tập trước mắt con lại bị cám dỗ đồng tiền quật ngã để phải ra đi trong đau đớn, tủi hổ. Con vướng vào cá độ bóng đá và game online dẫn đến nợ nần, một phút nông nổi con đi ăn cắp điện thoại di động và tiền của bạn trong ký túc xá để tiêu xài, kết quả con bị bắt quả tang và bị buộc thôi học ngay lập tức. Với con giây phút bước ra khỏi cồng ngôi trường đại học mình gắn bó hơn bốn năm trời mãi mãi in sâu như một bài học không thể nào quên, bài học của cả đời người với riêng con.

Con trở nên điên loạn, con mất hết phương hướng và căm thù tất cả những ai muốn động viên, giúp đỡ mình. Khi ấy con cảm thấy đó là lòng thương hại, là người ta thấy tội nghiệp và điều đó làm con không muốn đi đâu, làm gì nữa. Lại một lần nữa trong tận cùng đau đớn, tủi nhục thầy lại bên cạnh con, thầy làm bạn với con để chia sẻ và khuyến khích con. Thầy từng bước làm con quên đi mặc cảm và hướng con đi con đường mới khó khăn hơn nhưng rất thực tế với hoàn cảnh của con lúc đó. Thời gian đã trôi qua, con đã sống những giây phút khó khăn nhất đời mình dưới sự dìu dắt của thầy. Giờ đây đã trưởng thành hơn, đã thành công khi học xong bằng nghề và đi làm với thu nhập tạm ổn định con càng biết ơn thầy hơn. Chính thầy đã xác định cho con lối đi học nghề để có một công việc với thu nhập ổn định, từ đó sẽ đi học lên thêm.

Vâng con sẽ nghe theo lời thầy, con sẽ cố gắng đi làm và học đại học tại chức vào ban đêm, con sẽ làm được vì con có lòng tin, vì con luôn có thầy bên cạnh. Khi con ngục gã, khi  con phạm sai lầm mọi người coi thường con bao nhiêu thầy lại thương con bấy nhiêu. Thầy đã đánh thức được lòng tự tôn và cho con những lời khuyên đúng đắn. Con hạnh phúc lắm vì giờ đây em gái con lại được thầy chủ nhiệm, thầy lại dạy thêm cho em mà không lấy một đồng tiền công nữa, ơn nghĩa của thầy con làm sao trả được. Thầy sống và làm việc theo đúng lời dạy của Bác Hồ kính yêu, là tấm gương sáng của một người Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Hôm rồi lang thang một chút trên mạng internet vào những diễn đàn dạy và học con tìm thấy những bài học, phần mềm dạy toán ấn tượng của một thầy giáo tên Nguyễn Quốc Phong trường THPT Định Quán. Con bị xúc động mạnh, con thật sự ấn tượng khi người đó chính là người thầy kính yêu của mình. Thầy bước vào cái tuổi tóc điểm hoa râm rồi mới bắt đầu tiếp cận máy vi tính, thế mà có thể viết ra những phần mềm dạy học môn toán cấp ba đầy hữu ích và thiết thực với cộng đồng mạng như thế thật là hiếm có. Quả thật đó là những điều khó mà ai cũng làm được ở cái tuổi của thầy và ở cái xã nghèo của chúng ta thầy ạ!

Lúc này con lại rơi nước mắt, nước mắt này không còn là nước mắt của hối hận muộn màng, của sự tự ti, xấu hổ về quá khứ đã qua, mà là của niềm xúc động, của hạnh phúc. Thầy ạ, con mà viết về thầy chắc con sẽ viết hoài, viết mãi đến khi mệt mà vẫn muốn viết vì thầy trò ta có quá nhiều tình cảm và có quá nhiều điều đặc biệt. Con sẽ dừng viết ở đây và con luôn luôn nhớ câu nói của thầy “Sống ở trên đời mọi thứ có thể mất đi nhưng tương lai thì vẫn còn. Người sống lâu nhất là người cảm nhận được cuộc sống này nhiều nhất, chứ không phải là người tồn tại với thời gian nhiều nhất”. Vâng. Con sẽ cố gắng, thầy yên tâm nhé!

 

Câu chuyện 2: Chuyện hạt phấn

Thời gian trôi qua nhưng nó vẫn nằm ỳ một góc trong cửa hàng, không ai ngó tới, nó muốn lang thang khắp nơi tìm một khoảng không gian của riêng mình, muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng nó cũng là có ích và nó có thể làm được những chuyện to lớn, nhưng với hoàn cảnh của mình hiện tại nó biết điều đó là không thể. Rồi một ngày cũng có người mang nó đi. Đó là một thầy giáo già, ăn mặc có vẻ xềnh xoàng. 

Ngày ra đi bạn bè không ai đến tiễn nó, đơn giản là vì nó không có bạn bè nào cả. Nó rất tủi thân vì nghĩ mình thật cô độc, đối với nó bây giờ đi đâu cũng vậy thôi, trên đời còn gì là quan trọng đối với nó nữa khi nó đã bị lãng quên? Mải mê suy nghĩ, lúc nhìn lại nó đã thấy mình nằm gọn trong một cái hộp gỗ. Nghe bước chân vội vã của vị chủ nhân mới, nó cũng lờ mờ đoán chắc mình sẽ trải qua một chuyến đi đâu đó. Chắc là đến nơi ở mới chứ gì? Mặc kệ, tới đâu cũng vậy thôi. Nghĩ vậy, nó lăn ra ngủ say chẳng thèm quan tâm tới tiếng động xung quanh nữa.

Viên phấn đâu biết là nó phải đi một quãng đường xa như thế nào. Đường khá xa và khó đi nên vị chủ nhân mới của nó đã phải rất vất vả: nào là đi xe ôm rồi xe bò, đến những đoạn đường khó đi thì phải lội bộ. Mồ hôi ông ta vã ra như tắm, lưng áo ướt nhẹp. Cuối cùng thì ông cũng đã đến được cái bản nhỏ nằm cheo veo trên núi cao. Tiếng chào hỏi rộn ràng của những dân làng đã đánh thức viên phấn trắng dậy. Nó vẫn nằm trong cái ba lô của người thầy giáo già nên không thể nào nhìn thấy được khung cảnh xung quanh, chỉ nghe người ta đang nói đến cái lớp học gì đó.

Thầy cẩn thận đặt nó cùng chiếc ba lô vào một góc gọn gàng trước khi ra nói chuyện cùng dân làng. Buổi tối, nó nghĩ chắc ông chủ sẽ đi ngủ sớm vì cả ngày đã đi rất vất vả. Nhưng khi mọi vật đã chìm vào trong giấc ngủ nhưng thầy vẫn cặm cụi xếp từng quyển tập, một hộp viết, mấy quyển sách lớp một vào cái cặp da đã sờn. Thầy đặt nó vào hộp gỗ và cho vào ngăn kéo phía ngoài cùng. Thầy nói với viên phấn và những người bạn khác được thầy mang theo là ngày mai chúng sẽ trở thành anh hùng trong trận chiến với giặc dốt, thầy tự hào vì chúng luôn kề bên, ủng hộ và giúp thầy trong quãng thời gian ý nghĩa nhất của đời mình.

Từ ngày nó được thầy mang về, không hiểu sao nó cảm thấy vui vẻ hơn, vì những người bạn mới của nó trông cũng cũ kỹ và quê mùa như nó. Nó khoe với những người bạn mới quen về nơi nó từng ở đẹp như thế nào, mọi người trầm trồ ngưỡng mộ nó và dĩ nhiên là nó không nói về mối quan hệ của nó với các bạn ở đó. Tự nhiên viên phấn có cảm giác tự hào về xuất thân của mình.

Khác với thường ngày ở cửa hàng, mới sáng tinh mơ viên phấn đã bị giật dậy bởi tiếng gà gáy của chú gà trống nào đó. Thì ra là thầy đã dậy và chuẩn bị đến một nơi nào nữa. Một thanh niên vóc dáng lực lưỡng trong bản đến thưa với thầy rằng anh ta sẽ dẫn thầy qua bản kế bên vì lớp học được đặt ở đó. Lại tiếp tục lên đường, ban đầu là đường đất đỏ, sau đó là dốc đá với đường đi rất hẹp, kế đến là lội qua con suối vắt ngang con đường, rồi leo lên một cái dốc nhỏ nữa mới đến nơi.

Trên suốt quãng đường lúc nào thầy cũng ôm chiếc túi trước ngực, anh thanh niên muốn mang giúp thầy nhưng thầy bảo để thầy xách được rồi. Thầy bảo không hiểu sao mỗi lần ôm nó vào lòng thầy lại như được tiếp thêm sức mạnh. Thầy sợ vác ba lô trên lưng khi đi trên đường gồ ghề thì những viên phấn sẽ rất dễ gãy hay lỡ bị ướt thì viết chữ sẽ không đẹp. Lần đầu tiên viên phấn cảm thấy mình quan trọng và được chở che như vậy, tại sao như thế vậy nhỉ?

Lớp học là một mái nhà tranh nhỏ nằm dưới một tán cây lớn, một đám trẻ  đang nhốn nháo trước sân chơi đùa. Khi nghe anh thanh niên giới thiệu là thầy mang con chữ đến bản làng đã tới thì lập tức chúng xếp thành hai hàng ngay ngắn chào thầy. Nhìn cảnh đó, viên phấn thấy thầy có vẻ cảm động lắm.

Lớp học là bốn chiếc bàn gỗ nhỏ một chiếc bàn lớn hơn được đặt ở phía trên tất cả trông đều đã cũ, mấy khúc gỗ được cắt ngang làm ghế, một tấm bảng sơn đen. Trước giờ lên lớp là thời gian thầy tìm hiểu về hoàn cảnh từng đứa trong đám trẻ mà thầy sẽ đứng lớp. Với thầy dạy lũ trẻ này biết chữ không chỉ là nghĩa vụ mà tất cả xuất phát từ trái tim người giáo đang khao khát ươn mần tương lai. Trong những ánh mắt ngây thơ, long lanh hiện lên hình ảnh về tương lai chúng sẽ tô điểm quê hương tươi đẹp của mình nếu chúng biết vận dụng con chữ vào đời sống qua lời kể chân tình của thầy.

Viên phấn ngày càng ngưỡng mộ thầy hơn, nó bây giờ nhận ra thầy mới chính là người anh hùng chứ không phải là nó như thầy từng nói với nó trước kia. Bảng đen từ đầu luôn im lặng bỗng nhiên cất tiếng hỏi viên phấn nhỏ: “Cậu đã chuẩn bị thực hiện sứ mệnh của mình chưa và cậu có sợ không?”, bảng đen giải thích thêm rằng khi mà thầy trao từng con chữ cho lũ trẻ, viên phấn sẽ phai mòn dần, mặt nó sẽ bị tì lên bảng thân thể rời ra vát lên từng câu chữ, rồi cuối cùng thì nó sẽ bị xóa đi không còn gì trên bảng nữa, nó sẽ thành những hạt phấn bé nhỏ không ai nhớ đến.

Mặc dù vậy, viên phấn vẫn tự hào khẳng định rằng nó đã sẵn sàng để cống hiến thân mình trên con đường đến với kho tàng tri thức. Viên phấn tự hào rằng nó không hề mất đi mà nó vẫn tồn tại, những hạt phấn bé nhỏ vẫn bám vào mái tóc pha sương, vai áo sờn màu và đôi tay thô ráp đang nắn nót vẽ lên tương lai, nó biết rằng nó không vô hình, mà ngược lại nó càng trở nên sâu đậm hơn vì nó luôn ẩn sau từng câu con chữ mà lũ trẻ ê a ngân lên trong một buổi sáng hơi sương còn dùng dằng chưa muốn rời xa chiếc lá, hay một buổi chiều tà ráng vàng một góc trời nơi bản nhỏ.

Khi ngẫm nghĩ lại về thời gian đã qua phấn thấy mình thật hạnh phúc. Trên quãng đường đời khi còn là viên phấn nó được đôi tay gầy guộc nâng niu, được sống dưới ánh đèn khuya in hình lên vách bóng người thầy hay người bạn tri kỷ của nó đang cặm cụi chuẩn bị cho ngày mai đến lớp, được ôm ấp che chở trong vòng tay ấm áp khi băng rừng lội suối. Khi hóa thân thành hạt phấn nó thấy mình trở nên xinh đẹp hơn, từng hạt phấn nhỏ như lung linh hơn dưới ánh mắt quan tâm, trìu mến dõi theo từng nét tương lai được vẽ lên bằng những ngón tay bé nhỏ như những búp măng.

Phấn không muốn rời xa thầy, nó bám lại trên tóc, trên vai thầy như muốn nhắc nhở mọi người về công lao to lớn mà thầy đã âm thầm cống hiến cho quê hương. Dẫu biết rằng rồi mọi người sẽ không còn nhớ đến những công lao mà mình đã cống hiến, nhưng hạt phấn không một lời oán trách hay đòi hỏi cho bản thân mà ngược lại luôn tự hào khi sinh ra làm một hạt phấn. So với những gì mà thầy đã nghĩ và làm, nó thấy những gì nó làm được nhỏ bé, nó ước mong mai sau nó lại được làm viên phấn giúp thầy khơi sáng tương lai và sau đó là hạt phấn mãi bên thầy.

 

Câu chuyện 3: Thầy ơi, bây giờ mùa hoa lau trắng

Đã 10 năm rồi em không gặp lại Thầy, cũng chừng ấy thời gian em vẫn hằng mơ một ngày em được trở lại thời thơ bé với bao kỷ niệm lưu luyến với thầy cô và bè bạn. Chiều nay em đi qua khúc sông gặp bạt ngàn hoa lau trắng, những bông lau trắng bời bời như nỗi nhớ của em về Thầy...

Bài học đầu tiên em học ở Thầy là bài giảng về lịch sử về Đinh Tiên Hoàng - vị vua tài giỏi đã dẹp loạn 12 sứ quân, đặt nền móng xây dựng độc lập tự chủ của đất nước.Thầy đã kể rất sinh động việc thời nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh cùng các bạn chăn trâu lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau với trẻ con thôn khác, đánh đâu thắng đó, tất cả đều hàng phục tôn làm "chủ tướng", chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như vua.

Hình ảnh những cành lau trắng đã được Thầy minh họa rất xúc động, và trở thành dấu ấn không bao giờ phai nhạt trong em và nhiều lứa học trò chúng em ngày ấy. Thầy đã giảng cho chúng em biết bao bài học về lịch sử, về tình yêu đất nước và tinh thần kiên cường bất khuất của dân tộc...  nhưng có một điều, Thầy chưa bao giờ kể về mình, về cuộc đời quân ngũ của Thầy. Thầy là thương binh, Thầy trở về từ chiến trường và đã để lại nơi ấy một cánh tay. Em nhớ những dòng chữ bằng phấn trắng Thầy viết lên bảng bằng tay trái xiên xiên, chợt thấy cay cay sống mũi...

Hồi đó, món quà mà em và các bạn trong nhóm học sinh giỏi Văn đã tặng Thầy nhân ngày 20-11 là một bó hoa lau trắng. Thầy đã xúc động đến lặng người. Thầy cẩn thận cắm "bó hoa đặc biệt" ấy của chúng em vào một bình hoa được làm bằng gốc tre ngà ở phòng làm việc của Thầy. Rồi Thầy quay lại nói với chúng em giọng xúc động: hoa lau trắng nhắc Thầy nhớ mẹ, nhớ những người đồng đội cũ. Thầy kể, chữ đầu tiên hồi đó Thầy học là chữ 0.

Để thầy dễ nhớ, mẹ Thầy nói nếu khi con nhìn thấy nắng xuyên qua mái nhà của mình, thấy những chấm tròn, đó là chữ 0. Nhà Thầy hồi đó lợp bằng tranh mây. Những gánh tranh mây mà cha Thầy đã lặn lội mang về từ trong rừng sâu, kiên nhẫn gánh đến mấy tháng trời mới đủ làm mái nhà. Người thầy đầu tiên trong cuộc đời Thầy chính là mẹ Thầy. Những con số đầu tiên Thầy biết cũng từ mẹ. Học đếm từ số 1 đến số 10, rồi cả phép cộng, trừ, nhân, chia cũng bằng những củ khoai, những phần quà của mẹ mỗi buổi chợ chiều cho chị và mấy đứa em.

Bài học làm người mẹ cũng dạy Thầy bằng những câu ca dao "Lá lành đùm lá rách", "Ăn xem nồi ngồi xem hướng", "Học ăn học nói học gói học mở",... Chỉ đơn giản là những lời dạy thường ngày, không có cuốn giáo án nào ngoài cuốn giáo án trái tim, tấm lòng yêu thương con hết mực... Câu chuyện kể của Thầy cũng là một bài học Thầy muốn dạy lại cho em, về tình yêu và lòng nhân ái. Có lẽ em nhớ và kính trọng Thầy hơn bởi những điều thật giản dị như thế.

Trong giấc mơ ngập trắng hoa lau, em thấy tuổi thơ mình trở về bình yên, trong trẻo. Em nhớ Thầy nói là mỗi loài hoa đều có một hồn cốt riêng, đều có những giá trị mà chưa có ai viết hết, nói hết. Giờ đây đứng trước triền sông bạt ngàn hoa lau trắng - loài hoa giản dị đã trở thành ký ức thiêng liêng trong em khi nhớ về Thầy, về bài học đầu tiên của Thầy. Trong trái tim em, hình ảnh của Thầy giống như một ngọn núi với những tán cây đủ chở che cho em suốt mùa nắng gắt, cũng là nơi bình yên em muốn trở về mỗi khi lòng mệt nhoài nơi đất khách.

Mùa đông đã về hun hút gió. Ngoài triền sông hoa lau trắng lại bời bời trong gió. "Cây lau có một sức sống bền bỉ và diệu kỳ, dù gió mưa có quất bao nhiêu thì hoa vẫn nở đúng mùa và vẫn trắng đến chênh chao. Con người cần phải kiên trì hơn loài hoa lau ấy..."

- Thầy đã dạy em như thế. Đến bây giờ em vẫn luôn mang theo bên mình hình ảnh của một màu hoa - trắng tinh khiết như những tình cảm mến thương của những cô cậu học trò dành tặng thầy cô giáo...

D.T

Bài viết liên quan đến báo tường ngày 20/11

http://hoidap.tinmoi.vn/nhung-cau-do-hay-ve-ngay-20/11-d21549.html

http://hoidap.tinmoi.vn/tho-tu-sang-tac-cua-hoc-sinh-ve-ngay-20/11-d21546.html

http://hoidap.tinmoi.vn/cac-bai-ve-ve-ngay-20/11-d21512.html

http://hoidap.tinmoi.vn/cham-ngon-ve-thay-co-ngay-20/11-d21511.html


Comments