Vi sao Tắc lệ đạo bẩm sinh?
(Giúp bạn)
Vi sao Tắc lệ đạo bẩm sinh?
Khi nước mắt không chảy vào lệ đạo mà lại chảy ra ngoài gây nên hiện tượng chảy nước mắt sống thì nguyên nhân thường gặp nhất là do tắc lệ đạo, nhất là đối với trẻ sơ sinh. Khi phát hiện thấy trẻ bị chảy nước mắt sống hoặc thường thấy đọng nước ở khe mi thì nên đưa trẻ đi khám ngay, để được điều trị đúng và kịp thời.
Các bệnh lệ đạo bẩm sinh thường gặp
Không có điểm lệ:
Ở những trẻ mới sinh, bố mẹ thường thấy mắt trẻ luôn bị ướt, đọng nước mắt ở khe mi, hoặc trẻ thường bị viêm kết mạc kéo dài. Khi đó bố mẹ cần phải cho trẻ đi khám ngay tại các bệnh viện chuyên khoa mắt. Bác sĩ khám phát hiện không có điểm lệ tại vị trí bình thường. Việc điều trị sẽ tùy từng trường hợp cụ thể, nếu quan sát thấy dấu tích của điểm lệ xuyên qua màng bít điểm lệ, có thể cắt dược màng này và lệ đạo sẽ thông; nếu lệ quản bít hoàn toàn, chỉ có thể điều trị bằng phẫu thuật với thông hố lệ mũi khi trẻ đã lớn.
Dò túi lệ bẩm sinh:
Bố mẹ trẻ thường phát hiện thấy vùng da gần góc trong của mắt có một lỗ nhỏ. Khi trẻ lớn lên, thỉnh thoảng có thể có nước mắt chảy qua lỗ này.
Khám thấy có lỗ dò ở da vùng trước túi lệ, khi bơm lệ đạo, sẽ thấy nước trào qua lỗ này. Điều trị bằng cách đóng lỗ dò túi lệ.
Tắc ống lệ mũi bẩm sinh:
Đây là dạng bệnh thường gặp nhất ở trẻ mới sinh. Khoảng 2-4% trẻ sơ sinh đủ tháng bị tắc ống lệ mũi có biểu hiện khi được 2-4 tuần tuổi. Trong số đó, có khoảng một phần ba số trẻ bị tắc ống lệ mũi ở cả hai mắt.
Hầu hết, tắc ống lệ mũi bẩm sinh sẽ tự thông khi trẻ được 2-6 tháng tuổi.
Chảy nước mắt là triệu chứng hay gặp nhất. Mức độ chảy nước mắt có thể thay đổi, nhiều có thể chảy thành giọt hoặc chỉ ướt vùng khe mi. Nếu tắc lâu ngày sẽ phát hiện thấy túi nhầy ở vùng góc trong mắt. Bệnh có thể gây ra viêm kết mạc kéo dài.
Khám ấn vùng túi lệ, có thể thấy dịch mủ nhầy trào ra ở điểm lệ. Bơm lệ đạo nước trào ra ở điểm lệ đối diện. Nước trào ra có thể kèm mủ nhầy.
Điều trị tắc lệ đạo bẩm sinh
Việc điều trị tùy theo từng tuổi của trẻ đến khám mà có thể áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau:
Đối với trẻ nhỏ hơn 2 tháng tuổi: Điều trị chủ yếu bằng cách day, xoa nắn vùng túi lệ, kết hợp với dùng kháng sinh tra tại mắt nếu có viêm nhiễm đi kèm. Không nên bơm thông lệ đạo trong thời kỳ này vì dễ gây tổn thương lệ đạo. Hơn nữa trong thời kỳ này lệ đạo có thể tự thông.
Trẻ từ 3-12 tháng tuổi: Điều trị bằng bơm thông lệ đạo, kết quả thông rất khả quan.
Trẻ lớn hơn một tuổi: Bơm thông lệ đạo thường kém hiệu quả. Điều trị chủ yếu bằng mổ nối thông túi lệ mũi khi trẻ lớn hơn hoặc tiến hành đặt silicon qua hai lệ quản giúp nước mắt chảy xuống mũi.