Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh như nào?

15:51 07/11/2014

(Giúp bạn)

Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh như nào?


TS. Lê Thanh Hải, Phó GĐ BV Nhi T.Ư cho hay, viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh là bệnh rất hay gặp trong thời tiết giao mùa. Đáng nói là nhiều bậc phụ huynh không biết chăm sóc đúng cách đã khiến bé bị biến chứng nặng nề, gây suy hô hấp.


Dùng thuốc bừa bãi, bệnh nhẹ thành nặng


Chị Loan sinh con được 24 ngày thì bé có dấu hiệu ngạt, xổ mũi và ho.


Chị cho con đi khám ở một phòng mạch tư, bác sĩ chẩn đoán là chớm viêm phổi, cho dùng thuốc kháng sinh Zinnat cùng thuốc long đờm Exomuc. Uống thuốc được 3 ngày thì các triệu chứng ho, ngạt mũi giảm. Sau 6 ngày dùng thuốc, bé đã bú nhiều hơn rồi bệnh cũng khỏi hẳn.


Đến khi được 4 tháng, bé lại có những triệu chứng như lần bệnh trước. Sẵn đơn thuốc cũ, chị Hải cho con uống nhưng sau 3 ngày, bệnh không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu nặng hơn. Đến bệnh viện, bác sĩ khám và phát hiện cháu bị viêm tiểu phế quản do vi rút, dùng kháng sinh ngay khi mới bị không mang lại hiệu quả cao.


TS. Lê Thanh Hải cho biết, lạm dụng thuốc trong điều trị căn bệnh này không phải là hiếm. Không chỉ các bậc phụ huynh tự ý cho con dùng thuốc, mà ở các tuyến cơ sở, không ít bác sĩ cũng cho bé dùng kháng sinh khi có dấu hiệu ho, xổ, ngạt mũi. Lạm dụng kháng sinh khi mới bị viêm tiểu phế quản thường không mang lại kết quả điều trị như mong muốn.


Dấu hiệu đặc trưng


BS Hải cho hay, căn bệnh này hay gặp ở trẻ bú mẹ và rất dễ nhầm với các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp khác.


Khi bị viêm tiểu phế quản, trẻ thường ho, hắt hơi, xổ mũi nước trong, sốt nhẹ hoặc không sốt. Các bậc phụ huynh cần lưu ý, sốt không phải đặc trưng của căn bệnh. Vì trên thực tế, rất nhiều trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản không hề có biểu hiện sốt, nếu có, chỉ sốt rất nhẹ.


Triệu chứng ho có thể ngày càng nặng và xuất hiện thở khò khè, nhất là về nửa đêm, gần sáng. Khi phát bệnh, cơn ho tăng và trẻ càng khó thở. Khi đó, trẻ sẽ ăn kém đi, hay nôn trớ. Bệnh nặng hơn khi trẻ có dấu hiệu thở hổn hển, ăn kém và tỏ ra rất mệt mỏi, không muốn trò chuyện, chơi đùa.


Điều trị


Bệnh khởi đầu không dùng kháng sinh, chủ yếu là làm long đờm, ăn uống đủ. Nếu được chăm sóc tốt ngay từ đầu, nhiều trường hợp sau vài ngày sẽ tự khỏi.


Những trường hợp gây biến chứng nặng làm bít tắc đường thở, biểu hiện đứa trẻ thở mệt nhọc, ăn uống kém, nôn trớ nhiều thì cần đưa ngay đến viện khám để được điều trị thích hợp.


Trong trường hợp bị bội nhiễm gây sốt, đờm dãi đậm đặc, bác sĩ sẽ có chỉ định dùng kháng sinh.


Khi bé mới có dấu hiệu của bệnh, điều quan trọng là nâng cao thể lực của trẻ và trị các triệu chứng bằng nhiều cách. Trước hết phải cho trẻ tăng cường bú mẹ. Với những trẻ đã ăn dặm, nên cho ăn loãng hơn, uống thêm nước theo nhu cầu, có thể là nước lọc, nước ép hoa quả, nước cháo...


Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, làm thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Lưu ý, trước khi cho trẻ ăn cần làm thông thoáng mũi họng bằng nước muối sinh lý, nhỏ mỗi lần 5-6 giọt, ngày 5-6 lần hoặc hơn. Sau khi nhỏ muối sinh lý, đợi 1 lúc để nước mũi loãng ra rồi dùng dụng cụ hút sạch mũi, hoặc có thể dùng miệng để hút mũi trẻ.


Nếu trẻ bị sốt, không nên ủ trẻ quá ấm. Mặc vừa đủ, dùng nước ấm chườm vào nách, cổ, bẹn. Nếu sốt trên 38,5 độ có thể cho trẻ uống paracetamol để hạ sốt nhưng cần chú ý liều lượng phù hợp với trọng lượng cơ thể.


“Tuy là bệnh thông thường, nhưng do thường gặp ở trẻ sơ sinh đang còn bú mẹ nên cũng không thể chủ quan. Cần đưa ngay trẻ đến viện khi có dấu hiệu suy hô hấp, biểu hiện là cánh mũi thở phập phồng. Trẻ thở mạnh khiến bụng hóp sâu và nhịp thở nhanh hơn, trên 50-70 lần/phút” - BS. Hải cảnh báo.


Để phòng bệnh, cha mẹ cần vệ sinh mũi họng, cơ thể sạch sẽ cho trẻ hàng ngày. Vệ sinh phòng ngủ, chăn ga, gối đệm, đảm bảo phòng thông thoáng. Người lớn không hút thuốc trong nhà. Mẹ trước khi cho con ăn cần rửa tay sạch sẽ. Trong gia đình có người bị bệnh hô hấp cần tránh cho trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh.

Comments