Ăn cho bốn mùa khỏe mạnh
(Giúp bạn)“Có phải mỗi một thời điểm trong năm, cơ thể lại có phản ứng khác nhau với các loại thức ăn?” Bạn hãy đọc thông tin sau nhé!
- 1
Mùa xuân – ăn để thải độc
Vào mùa này, cơ thể bạn cần những yếu tố tươi mới hơn. Trong suốt mùa đông, bạn thường áp dụng chế độ ăn giàu năng lượng, nhiều chất béo và ít vận động nên cơ thể dễ bị “quá tải”, chức năng thải độc bị giảm sút mạnh. Sang mùa xuân, bạn cần nghỉ dưỡng sức và tập trung đào thải những độc chất, cặn bã tích tụ trong cơ thể suốt thời gian qua. Nên ưu tiên các thực phẩm có tính chất thải độc như mộc nhĩ đen, nho, tỏi, đậu xanh, mướp đắng, cà rốt, dưa chuột… Bên cạnh đó cần ăn nhiều rau quả và uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày. Ruột của bạn cần khoảng 2 lít/ngày để hoạt động trơn tru và còn cần nhiều hơn thế khi thực hiện chức năng giải độc. Uống gần 2 lít nước mỗi ngày sẽ giúp cho thận đào thải các độc tố và duy trì dòng máu luân chuyển đều đặn trong cơ thể. Thời tiết mưa phùn, độ ẩm cao trong những tháng đầu năm này dễ gây bệnh dị ứng cho con người. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên tăng thêm hàm lượng magiê và mangan cho cơ thể. Magiê có trong các loại rau quả khô. Mangan có trong trứng, ngũ cốc…
- 2
Mùa hè – “trữ nước” để giải nhiệt
Nhu cầu thiết yếu nhất trong mùa nắng nóng là phải trữ thật nhiều nước để cơ thể không bị “khô hạn”. Hoạt động nhiều trong mùa hè (du lịch, dã ngoại, chơi thể thao…) khiến bạn ra mồ hôi nhiều, dễ sinh mất nước. Hãy bổ sung ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày, uống nước khoáng là tốt nhất. Ăn nhiều rau xanh, trái cây cũng là nguồn bổ sung nước và vitamin quan trọng cho cơ thể để chống lại sự mệt mỏi trong mùa nóng. Hoạt động nhiều, cộng thêm thời tiết nóng bức, nên cơ thể cũng cần được bổ sung năng lượng, nhất là chất ngọt. Đường chuyển hóa nhanh cần cho các hoạt động ít hao tổn sức lực, có trong các thức ăn ngọt như nước ngọt, kẹo, mứt… Thứ đường chuyển hóa chậm có trong bánh quy, cơm, bánh mì nướng… cũng nên bổ sung thường xuyên. Bạn cần cung cấp cho cơ thể vitamin B1, B2, A và muối khoáng để giúp đẩy nhanh quá trình chuyển hóa của chất đường trong cơ thể. Vitamin B1 và B2 có trong men bia, rượu hoặc những chất lên men, lòng đỏ trứng… Mùa này nên ưu tiên các món ăn, thức uống giải nhiệt, trừ khát.Ăn uống cũng phải theo mùa bạn nhé! - Ảnh: Internet
- 3
Mùa thu – nạp “nhiên liệu” dự trữ
Theo lẽ tự nhiên, để chuẩn bị cho mùa đông lạnh giá, mùa thu là thời điểm để bạn nạp “nhiên liệu” cho cơ thể. Bạn nên ăn những thức ăn giàu đạm, chứa nhiều axit amin, đặc biệt là đạm thực vật có trong các cây họ đậu, lạc, nấm hoặc bột ngũ cốc. Nhiều loại rau quả mùa thu cũng có lượng dinh dưỡng và calo cao. Khoai sọ là một món ăn rất tốt của mùa thu, rất có lợi cho những người mắc bệnh tiêu hóa, người mắc bệnh lao đang trong quá trình hồi phục. Cải bắp chứa một lượng vitamin C nhiều gấp 3 lần so với cà chua và chứa lượng canxi nhiều gấp 2 lần dưa chuột. Khoai lang cũng là loại củ cung cấp nhiều protein, đường và các vitamin A, rất có lợi cho sự phục hồi trương lực của cơ và kích thích sự thèm ăn, tốt cho thận, dạ dày và phổi. Cũng cần ăn nhiều thức ăn ôn hòa bổ nhuận như phổi lợn, lê, đường phèn, ngó sen, gà non, vịt già, thịt nạc… ít ăn các thức ăn cay nóng.
- 4
Mùa đông – chống cảm cúm
Các nhà khoa học cho rằng vào mùa đông lạnh giá, bạn có thể hạn chế những căn bệnh thông thường và nâng sức đề kháng cho cơ thể bằng cách tăng cường ăn cam, quýt, bưởi, rau có màu xanh đậm, cải bắp, bí ngô, khoai lang, tỏi, gừng… Các nghiên cứu cũng chứng minh rằng cung cấp vitamin C đầy đủ sẽ giúp cơ thể chống lại căn bệnh cảm cúm thường gặp. Để chống lạnh, bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng như dầu thực vật, bơ, thịt lợn, thịt gia cầm, cá biển, tôm, phomát… Mùa lạnh thường hay bị cước ở tay, chân do thiếu ánh nắng mặt trời, cần bổ sung vitamin D2 (có trong cá biển nhiều mỡ như cá hồi, cá ngừ; lòng đỏ trứng, dầu gan cá…). Do ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng nên bạn cần uống nhiều nước khoáng để trợ giúp tiêu hóa lượng đạm và chất béo, tránh uống nhiều đồ chứa cafein và cồn.