Ăn thịt dê có bổ dương?
(Giúp bạn)Đa số đàn ông Việt Nam, khi nhắc đến món thịt dê là nghĩ ngay đến “chuyện ấy”. Đặc biệt khi nghe nói "cái ấy" của dê có tác dụng "bổ dương tráng khí", rất có lợi cho chuyện chăn gối của nam giới. Tuy nhiên, điều đó đúng hay không còn cần phải tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn.
- 1
Trào lưu “ăn gì bổ nấy”
Nghe mấy tay nhậu kháo nhau về những món ăn từ dê, chỉ cần ăn thử một lần là trong người sẽ nóng lên rạo rực bừng bừng… Ai mà chẳng khoái. Nhất là quý ông lại thường rất quan tâm đến việc chọn thực phẩm có “dính dáng” đến “chuyện ấy”. Để đáp ứng nhu cầu cho quý ông, các quán chuyên thịt dê ở nước ta mọc lên ngày càng nhiều có dấu hiệu ngày càng đắt hàng hơn Họ chế biến thịt dê thành những món rất đặc biệt: lẩu dê, dê nướng ngũ vị hương, dê xào lăn, dê xào sa tế, nầm dê nướng, dê hấp cách thủy, gan dê hầm, tiết canh dê, dê con quay, rượu tiết dê, dê nấu rựa mận, xáo măng, sườn dê nướng, ngọc dương hầm thuốc Bắc; chân móng dê hầm thuốc; tái dê, dê tiềm thuốc Bắc…Nhà hàng nào cũng quảng cáo về công dụng của thịt dê, coi đó như là cứu tinh của đàn ông.
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Quốc Toán (Bộ môn Y học Cổ truyền, ĐH Y Hà Nội) thì thịt dê có vị ngọt, tính nóng. Trong 100g thịt dê có 17.5% protit, 40% là lipit. Thịt dê không độc, có tác dụng trợ dương, bổ huyết, chữa lao phổi, người gầy yếu. Nếu ăn liên tục 30 - 40g/ngày các món ăn chế biến từ thịt dê, có thể khỏi gầy yếu, đau lưng, dương sự kém, khí huyết hư tổn, ra nhiều mồ hôi. Đặc biệt, rất tốt cho phụ nữ gầy yếu, ít sữa sau khi sinh nở. Hầu như tất cả bộ phận của dê đều có thể sử dụng để làm thuốc. Tinh hoàn dê có tác dụng trị thận suy, liệt dương, hoạt tinh. Người ta thường dùng ngọc dương hấp rượu, ngâm rượu thuốc... Dạ dày dê chữa gầy yếu, tiêu hoá kém, buồn nôn sau bữa ăn Gan dê (dương can) có thể điều trị những trường hợp mờ mắt sau cơn bệnh (nấu chín nhừ, ăn 30-60g/ngày). Tiết dê pha với rượu trắng 40 độ chữa bổ huyết, đau đầu, chóng mặt, đau lưng. Cật dê (thận dê) có thể ăn và chế biến thành các món như cật heo. Tuy nhiên, cật dê thường được nướng hoặc hấp với hành tây (trưng cách thuỷ). Các món ăn chế biến từ cật dê có tác dụng trị suy nhược, lãng tai, đổ mồ hôi. Cao dê toàn tính làm thuốc bổ.
- 2
Đó chỉ là tư duy dân gian
Mặc dù thịt dê có tác dụng bổ dưỡng, và rất tốt cho sức khoẻ, nhưng do hàm lượng đạm, mỡ cao nên không phải ai cũng có thể ăn. Bs Toán khuyên một số người bị rối loạn chuyển hoá lipit khi ăn phải cẩn thận. Không nên ăn nhiều trong một bữa và nhiều bữa trong một tháng. Người có bệnh cao huyết áp cũng không nên ăn nhiều.
Tuy vậy, Bs Toán cho rằng, trợ dương trong Đông Y nên được hiểu theo một nghĩa rộng rãi hơn (thịt dê nhiều chất dinh dưỡng như Protein, nhiều bần tố, chất khoáng, nhiều vitamin, nhiều chất sắt thì đương nhiên là bổ cho cơ thể rồi. Và việc bổ chung này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những “chuyện khác”.
Qua ý kiến của chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn (Phó giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư và Phát triển con người Nhật Minh) bạn đọc sẽ tự tìm ra câu trả lời cho chính mình rằng “ăn thịt dê có bổ dương?”. Các loại thịt như thịt chó, thịt dê là những thức ăn giàu chất đạm, nên chắc chắn là bổ dưỡng (trừ đối với người bị bệnh GÚT). Mà đã ăn chất bổ thì "chẳng bổ nọ cũng bổ kia". Đó là tư duy dân gian.
Tuy nhiên, các món ăn từ dê, đặc biệt tinh hoàn dê hay ngẩu pín dê có bổ cho "chuyện ấy" hay không, chưa ai chứng minh trên cơ sở khoa học. Cho rằng "ăn gì bổ ấy" cũng chỉ là sự suy luận thô thiển. Cứ cho là trong tinh hoàn dê, ngẩu pín dê có nhiều hooc môn sinh dục, nhưng của động vật khác, của con người khác. Việc cơ thể có hấp thụ hay chuyển hoá các hooc môn đó hay không, cũng chưa có công trình nghiên cứu. Ai dám nói người thiếu máu thì ăn tiết canh sẽ … bổ máu?
Nhưng dù sao chăng nữa yếu tố tinh thần, sức mạnh của niềm tin cũng giúp người ta "hăng hái" hơn tí chút, đặc biệt, khi ăn thịt dê, ngẩu pín dê, các đấng mày râu thường "làm vài chén", khiến cho cơ thể có hưng phấn. Đã có trường hợp người đàn ông yếu sinh lý, được cho uống một viên vitamin B1, nhưng lại được bảo đó là viên "kích thích", vậy mà cũng có hiệu quả rõ rệt. Đó là hiệu ứng tâm lý, sức mạnh của niềm tin!
Xin nói thêm, rất nhiều tài liệu khi viết về các món ăn bổ dưỡng, thường viết rằng các món ăn này "được cho là" bổ dương, tráng khí, chứ "không dám" khẳng định chắc "như đinh đóng cột".