Áp-xe phổi
(Giúp bạn)Áp xe phổi là một trong các cấp cứu nội khoa trong các bệnh hô hấp, do vậy việc điều trị cần rất khẩn trương.
Áp-xe phổi là gì?
Áp-xe phổi là một viêm nhiễm cấp tính gây hoại tử ở nhu mô phổi, tạo nên một hay nhiều hang chứa mủ. Bệnh do các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm và nhiều tác nhân khác gây nên. Mùa đông áp-xe phổi dễ xảy ra sau các bệnh nhiễm khuẩn mũi họng và đường hô hấp trên.
Áp-xe phổi biểu hiện như thế nào?
Theo Sức khỏe & đời sống, diễn biến áp-xe phổi thường trải qua 3 giai đoạn: giai đoạn ổ mủ kín, bệnh giống viêm phổi cấp: sốt 39-40 độ, môi khô, đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu, ho ra đờm màu vàng hay xanh có khi lẫn máu.
- Thở nhanh, nông; đau ngực, nhịp tim nhanh, mệt, buồn nôn hay nôn vọt, người già ít sốt hoặc ho nhưng không có đờm. Khám phổi thấy ran ẩm, ran nổ. Xét nghiệm thấy bạch cầu tăng. Chụp Xquang phổi thấy tổn thương mờ hình tam giác.
- Giai đoạn ộc mủ: sau 1- 2 tuần, áp-xe vỡ vào phế quản: bệnh nhân đột ngột đau tăng, ho tăng dữ dội và ộc ra rất nhiều mủ có khi tới hàng bát mủ, mủ đặc quánh màu vàng, nâu, xanh, lổn nhổn những cục mủ tròn mùi hôi thối, vã mồ hôi, mệt lả. Sau đó bệnh nhân hết sốt, dễ chịu, ăn ngủ được.
Khi mủ khạc ra thì ổ áp-xe rỗng, tạo thành hang. Khám phổi thấy tiếng thổi hang, ran ẩm to hạt. Quan sát mủ có thể sơ bộ chẩn đoán tác nhân gây bệnh như mủ màu vàng là do tụ cầu, mủ màu xanh là do liên cầu, mủ màu sôcôla là do amip, mủ thối và có những cục hoại tử đen thường do vi khuẩn kỵ khí.
- Giai đoạn ổ mủ thông với phế quản: bệnh nhân vẫn ho dai dẳng nhất là khi thay đổi tư thế và khạc mủ số lượng ít hơn. Khám phổi có thể thấy hội chứng hang: tiếng thổi hang, ran ẩm to hạt.
- Chụp Xquang thấy một hoặc nhiều hang dạng tròn, bờ dày, xung quanh là tổ chức phổi đông đặc, trong hang có mức khí, nước.
Áp-xe phổi điều trị ra sao?
Khám phá cho biết, Áp xe phổi là một trong các cấp cứu nội khoa trong các bệnh hô hấp, do vậy việc điều trị cần rất khẩn trương, các điều trị bao gồm:
1. Điều trị kháng sinh:
+ Dùng kháng sinh sớm, theo kháng sinh đồ. Khi chưa có kháng sinh đồ cần điều trị kháng sinh dựa theo kinh nghiệm lâm sàng, mô hình vi khuẩn và đặc điểm kháng thuốc của vi khuẩn ở địa phương bệnh nhân cư trú.
+ Phối hợp từ 2 kháng sinh, theo đường tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.
+ Liều cao ngay từ đầu.
+ Sử dụng thuốc ngay sau khi lấy được bệnh phẩm chẩn đoán vi sinh vật.
+ Thay đổi kháng sinh dựa theo diễn biến lâm sàng và kháng sinh đồ nếu có.
+ Thời gian dùng kháng sinh ít nhất 4 tuần (có thể kéo dài đến 6 tuần tuỳ theo lâm sàng và x-quang phổi).
2. Dẫn lưu ổ áp xe:
+ Dẫn lưu tư thế, vỗ rung lồng ngực: Dựa vào phim chụp X quang phổi thẳng nghiêng hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực chọn tư thế bệnh nhân để dẫn lưu tư thế kết hợp với vỗ rung lồng ngực. Dẫn lưu tư thế nhiều lần /ngày, để BN ở tư thế sao cho ổ áp xe được dẫn lưu tốt nhất, lúc đầu trong thời gian ngắn vài phút, sau kéo dài dần thời gian tùy thuộc vào khả năng chịu đựng của bệnh nhân có thể đến 15 – 20 phút/lần. Vỗ rung dẫn lưu tư thế mỗi ngày 2-3 lần.
+ Có thể nội soi phế quản ống mềm để hút mủ ở phế quản dẫn lưu ổ áp xe. Soi phế quản ống mềm còn giúp phát hiện các tổn thương gây tắc nghẽn phế quản và gắp bỏ dị vật phế quản nếu có.
+ Chọc dẫn lưu mủ qua thành ngực: áp dụng đối với những ổ áp xe phổi ở ngoại vi, ổ áp xe không thông với phế quản; ổ áp xe ở sát thành ngực hoặc dính với màng phổi. Sử dụng ống thông cỡ 7- 14F, đặt vào ổ áp xe để hút dẫn lưu mủ qua hệ thống hút liên tục.
3. Các điều trị khác:
+ Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân.
+ Đảm bảo cân bằng nước điện giải, thăng bằng kiềm toan.
+ Giảm đau, hạ sốt.
4. Những trường hợp cần chỉ định cắt phần phổi chứa ổ áp xe:
+ Ổ áp xe lớn, có kích thước > 10cm.
+ Áp xe phổi mạn tính điều trị nội khoa không kết quả sau 6 tuần.
+ Ho ra máu tái phát hoặc ho máu nặng đe doạ tính mạng.
+ Áp xe phối hợp với giãn phế quản khu trú nặng.
+ Có biến chứng dò phế quản – khoang màng phổi.
Di chứng sau điều trị áp-xe phổi
Nếu phát hiện bệnh sớm, điều trị tốt sẽ khỏi hoàn toàn. Trái lại chẩn đoán bệnh muộn, điều trị không tốt, bệnh dễ tái phát hoặc tiến triển thành áp-xe mạn tính. Áp-xe vỡ ra khoang màng phổi, gây viêm mủ màng phổi hoặc tràn khí, tràn mủ màng phổi. Giãn phế quản quanh ổ áp-xe và xơ phổi.
Viêm mủ màng ngoài tim, áp-xe não, viêm mủ trung thất, nhiễm khuẩn huyết. Áp-xe phổi có thể gây tử vong, do nhiễm khuẩn huyết, suy hô hấp, suy kiệt, hoặc tử vong ngay sau ho ộc mủ do trụy tim mạch. Thoái hoá dạng bột các cơ quan. Phát triển nấm Aspergillus trong hang áp-xe.
Trà Mi
Theo GDVN